Bài 1: Những bất cập về nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa

(Xây dựng) – Những ngày cuối tháng 5, khi các trường trên cả nước chuẩn bị bế giảng năm học, chúng tôi theo chân đoàn công tác của Liên đoàn lao động tỉnh Cao Bằng và Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) vượt qua hàng trăm km đường núi cheo leo, vượt qua những cung đường đèo quanh co để đến thăm một số điểm trường xa xôi thuộc huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng). Đây là những điểm trường đặc biệt khó khăn, đang gặp rất nhiều bất cập trong việc kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên, bếp ăn và nhà vệ sinh cho các em học sinh… ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy học và “an cư” cho cả học sinh và giáo viên vùng cao.

Bài 1: Những bất cập về nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa
Gian nan đường đến các điểm trường vùng cao.

Những vấn đề nan giải của trường dân tộc bán trú

Do thời tiết mấy hôm trước miền núi phía Bắc có mưa to, cung đường chính từ thành phố Cao Bằng đi Bảo Lạc bị chia cắt bởi sạt lở núi, phải chờ đến hôm sau mới thông tuyến nên Đoàn chúng tôi quyết định đi đường vòng thêm vài chục km để đến được điểm trường theo lịch hẹn. Ở các tỉnh miền núi, mỗi lần có mưa bão sẽ kéo theo hiện tượng sạt lở, đá rơi, ngập đường… nên giao thông đi lại bị ảnh hưởng rất lớn khi diễn biến thời tiết thất thường.

Bài 1: Những bất cập về nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa
Những dãy nhà chức năng mới xây của trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú trung học cơ sở (THCS) Huy Giáp

Sau quãng thời gian dài di chuyển, điểm trường đầu tiên Đoàn chúng tôi ghé chân là trường PTDT bán trú THCS Huy Giáp (thuộc huyện Bảo Lạc). Dẫn chúng tôi thăm quan 1 vòng, cô giáo Cao Thị Thanh Hương giới thiệu với Đoàn về cơ sở vật chất của trường. Bên cạnh những dãy nhà chức năng khang trang mới xây từ nguồn vốn xã hội hoá mà nhà trường được tài trợ để phục vụ công tác dạy và học cho các em học sinh, thì những hạng mục khác như: Nhà công vụ cho giáo viên, bếp nấu ăn và nhà ăn cho học sinh của trường lại như một bức tranh tương phản trong khuôn viên nhỏ bé này.

Trường PTDT bán trú THCS Huy Giáp hiện có 8 lớp học với 260 học sinh và 20 cán bộ giáo viên, công nhân viên. Các thầy cô của trường, phần lớn là từ địa phương khác đến công tác, xa nhà xa gia đình nên được bố trí ở ghép 2 người trong 1 căn nhà công vụ; thậm chí, vì thiếu phòng nên các thầy cô phải ở nhờ phòng của học sinh. Nhà công vụ của giáo viên nằm nép bên rìa khuôn viên của trường. Đó là một dãy nhà được xây kiên cố hoá và còn một số căn phòng khác bên cạnh được dựng lên từ những tấm gỗ, lợp pro xi măng và dùng những tấm tôn làm cửa cho giáo viên ở tạm.

Bài 1: Những bất cập về nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa
Một số căn nhà công vụ của giáo viên của trường PTDT bán trú THCS Huy Giáp.

Bên cạnh dãy nhà công vụ của giáo viên là nhà ăn và bếp nấu được phân ra thành các khu khác nhau. Trong đó, có khu bếp ăn dành cho học sinh bán trú được hưởng trợ cấp và khu bếp dành cho học sinh không được hưởng trợ cấp. Khu bếp cho học sinh không hưởng chế độ là những chiếc lán được dựng lên tạm bằng tre, pro xi măng vừa làm mái che vừa làm tường chắn để phục vụ các em đun nấu và ăn uống. Các em sẽ phải tự mang gạo để nấu ăn hàng tháng theo điều kiện của gia đình. Trong lán có chiếc bàn ăn và mấy chiếc ghế inox.

Nếu vào ngày nắng ráo thì nóng bức, chứ vào ngày mưa thì chiếc lán mong manh không đủ sức che mưa gió cho các con yên tâm ngồi ăn uống. Điều này rất bất cập, ảnh hưởng đến điều kiện đến trường, ăn ở sinh hoạt và tạo ra sự phân biệt trong các bữa ăn cho các em học sinh. Thương các con rất nhiều, nhưng các thầy cô cũng không có cách hỗ trợ nào khác, bởi tất cả chi phí cho các em đến trường cũng đều phụ thuộc vào nguồn ngân sách của Nhà nước quy định.

Bài 1: Những bất cập về nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa
Phía sau Đoàn công tác là bếp ăn của học sinh không được hưởng chế độ trợ cấp.

Huyện Bảo Lạc được biết đến là địa phương đi đầu của tỉnh Cao Bằng trong việc chuyển các trường PTCS sang loại hình trường PTDT bán trú nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn theo học. Nhưng hiện nay, các trường PTDT bán trú trên địa bàn huyện đều gặp khó khăn về nhà công vụ và bếp nấu kiên cố cho các con như trường Huy Giáp.

Trường PTDT bán trú đã góp phần quan trọng trong việc huy động học sinh đến lớp, duy trì sỹ số, nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là ở vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất về nhà ở và các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu hằng ngày vẫn còn rất sơ sài, tạm bợ như hiện nay, thì các nhà trường đều mong mỏi Nhà nước cần cơ chế, chính sách riêng cho loại hình trường PTDT bán trú, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục – đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Thiếu nhà kiên cố, thiếu nơi ở và khó mọi bề

Men theo những cung đường gập ghềnh xa hơn, Đoàn chúng tôi đến xã Quảng Lâm là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lâm. Đời sống của dân ở xã này còn nghèo nàn lạc hậu, đường giao thông rất khó đi nhất là về mùa mưa. Điểm trường Nà Kiềng (xóm Nà Kiềng – xã Quảng Lâm) thuộc trường Mầm non Quảng Lâm – là địa điểm khảo sát tiếp theo của Đoàn công tác.

Bài 1: Những bất cập về nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa
Khu nhà ở của các cô giáo trường Mầm non Nà Kiềng.

Hiện nay, 6/10 điểm trường thuộc trường Mầm non Quảng Lâm chưa có điện lưới Quốc gia, chỉ có điện ở điểm trường chính. Trường mầm non Quảng Lâm có tổng số 576 học sinh. Trong đó, điểm trường Nà Kiềng có 87 học sinh. 98% Các em đều là con em dân tộc H’mông, 2% trẻ dân tộc Tày. Các trẻ đều thuộc hộ nghèo và cận nghèo của xóm, xã.

Toàn trường có 41 cán bộ quản lý giáo viên, trong đó có 11 giáo viên là người địa phương, 30 giáo viên là người ngoài huyện đến công tác tại trường. Hiện nay điểm trường Mầm non Nà Kiềng đã có 4 phòng công vụ xây dựng bằng gỗ cho giáo viên nhưng phòng đã xuống cấp, trong thời gian tới sẽ bị phá giỡ làm đường nông thôn đi qua. 3 giáo viên đang ở nhờ nhà văn hóa xóm nhưng nhà văn hoá lại đứng trước nguy cơ bị phá giỡ theo quy hoạch làm đường giao thông nông thôn mới. Các thầy cô còn lại đang thuê trọ tại nhà dân. Trước những khó khăn mang tính cấp bách này, Ban lãnh đạo Nhà trường bày tỏ mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp chung tay góp sức để trường có thể xây dựng nơi ăn chốn ở ổn định cho các thầy cô yên tâm công tác.

Bài 1: Những bất cập về nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa
Trường Tiểu học Nà Thằn (xã Thạch Lâm- huyện Bảo Lâm).

Một điểm trường khác mà Đoàn công tác khảo sát là điểm trường chính của trường Tiểu học Nà Thằn (xã Thạch Lâm- huyện Bảo Lâm). Toàn trường hiện có tổng số 535 em học sinh, trong đó điểm trường chính có 158 em học sinh. Các em sinh phần lớn thuộc đồng bào dân tộc Mông, sinh sống trên địa hình đồi núi cao, đi lại khó khăn. Kinh tế của các hộ dân ở đây chủ yếu đến từ việc trồng trọt, do đó tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, chiếm khoảng 90%.

Khi Đoàn chúng tôi vừa đến, các em học sinh ở đây phấn khởi chào đón. Các em hào hứng chia sẻ về ước mơ của mình trong tương lai, phần lớn mong muốn sẽ thành bác sĩ, công an, cầu thủ bóng đá… để kiếm tiền cho bố mẹ. Số ít các em còn lại thì rụt rè chỉ muốn có đủ cơm để ăn no, được cùng các em đến lớp học con chữ; thời gian rảnh thì về phụ giúp bố mẹ lên nương, lên rẫy.

Thầy Hoàng Văn Biên – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Mỗi điểm trường ở đây có đầy đủ 6 giáo viên chủ nhiệm các lớp. Đa số giáo viên còn trẻ, công tác xa nhà, không thể đi lại trong ngày nên chủ yếu sinh hoạt và làm việc ngay tại điểm trường. Điểm trường Tiểu học Nà Thằn có 11 phòng công vụ, trong đó có 3 phòng bán kiên cố và 8 phòng ở tạm. Do đã đưa vào sử dụng lâu năm nên các phòng ở đã xuống cấp trầm trọng. Các cột trụ cũng như ván bao xung quanh đã mục nát do mối mọt. Nền nhà được xây dựng trên nền đất mềm, mỗi mùa mưa không tránh khỏi tình trạng nồm ẩm, dẫn tới việc ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như hư hại trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học.

Bài 1: Những bất cập về nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa
Nhà công vụ của giáo viên trường Tiểu học Nà Thằn đã được đưa vào sử dụng lâu năm nên xuống cấp trầm trọng.

Trước đó, theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng tại xã Mai Long, huyện Nguyên Bình. Đây là xã vùng 3 nằm ở phía Tây huyện, cách trung tâm huyện 45km, có vị trí địa lý chia cắt, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 82%, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, nhưng hệ thống nhà công vụ cho giáo viên, nhà vệ sinh, bếp ăn cho học sinh… chưa có nguồn lực và chưa được quan tâm xây dựng kiên cố. Chính vì vậy, hiện nay các thầy cô giáo tại các trường tại xã Mai Long đang sinh hoạt trong các nhà tạm, nhà do phụ huynh và giáo viên dựng bằng các tấm ván gỗ tre, mái lợp bằng tấm pro xi măng. Thời gian sử dụng đã lâu nên ván gỗ đã mục, bị hở, bị mưa dột… không đảm bảo điều kiện sinh hoạt của giáo viên.

Bài 1: Những bất cập về nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa
Khi các con ước mơ được đi học, thì thầy cô cũng sẵn sàng vượt khó khăn đến bản làng gieo con chữ

Khi cuộc sống ngày càng được nâng cao, khoảng cách từ miền xuôi đến miền ngược được rút ngắn lại bởi nhiều con đường mới mở, nhưng vẫn còn không ít xã, bản nơi biên cương của Tổ quốc gặp vô vàn khó khăn. Ở nơi đó, con chữ vẫn cần được gieo, các em vẫn cần được đến trường và các thầy cô vẫn phải kiên trì bám bản. Nhưng với cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, nhà ở kiên cố cho giáo viên, nhà ở bán trú cho các em học sinh… còn yếu và thiếu như hiện nay, thì sự nhiệt huyết với nghề của thầy cô chẳng khác nào “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Khó khăn nào rồi thầy cô cũng sẽ phải vượt qua vì “Người chọn Nghề, Nghề chọn mình”… nhưng các thầy cô cũng rất mong có thêm nguồn lực hỗ trợ để cải tạo nơi ở kiên cố tránh lúc mưa giông, bão giật; cũng muốn các em có đủ những bếp ăn khang trang với bát cơm đủ thịt cá hoặc chỉ là những mong mỏi tối thiểu là xây dựng cho các em những nhà vệ sinh trong điều kiện thông thoáng, đảm bảo an toàn… Có như thế, cô trò mới có niềm vui trọn vẹn chờ đón nhau đến trường.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích