Bài 1: Miền Nam “đói điện” và quyết tâm lịch sử

LTS – Nhà máy Thủy điện Trị An từng là nhà máy thủy điện lớn nhất một thời, giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống điện quốc gia ở phía Nam, là một trong những công trình hạ tầng – công nghiệp năng lượng mũi nhọn để xây dựng đất nước. Thủy điện Trị An ra đời đúng lúc đã giải quyết được cơ bản tình trạng thiếu hụt điện năng trong thời kỳ đầu thống nhất đất nước, tạo tiền đề vững mạnh bước sang giai đoạn xây dựng và phát triển.

Công trình Thủy điện Trị An lịch sử còn là chứng nhân cho tình hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga (Liên Xô trước đây) và là minh chứng cho tình đoàn kết, ý chí mãnh liệt của dân tộc trong công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước.

40 năm đã trôi qua kể từ giây phút đầu tiên mang ý nghĩa to lớn – nổ mìn phá đá khởi công nhà máy thủy điện tầm cỡ quốc gia. Gần đây, công trình thế kỷ này đang được xem xét, lên kế hoạch mở rộng, thực hiện thêm các quy hoạch để phát huy hơn nữa những lợi thế. Thời gian trôi qua, những giá trị từ công trình kỳ vĩ này cũng cần thiết được nhắc lại để lớp lớp con cháu biết rõ thêm về sự hào hùng trong những ngày đầu kiến thiết đất nước của thế hệ cha anh.

Sau nhiều tháng trời ròng rã đi thâm nhập thực tế, thu thập tư liệu, tìm gặp lại các nhân chứng lịch sử với khá nhiều những tình tiết có thể nói là “tái hiện lịch sử”, Phóng viên Báo điện tử Xây dựng gửi đến quý độc giả loạt bài Phóng sự – Tư liệu – Ghi chép: “Thủy điện Trị An – cho những công trình, đô thị thêm xanh”.

(Xây dựng) – Nhà máy Thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai (đoạn qua huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) – công trình mang tầm cỡ quốc gia, được coi là một trong những công trình thế kỷ, kết tinh của tinh thần đoàn kết dân tộc.

Bài 1: Miền Nam “đói điện” và quyết tâm lịch sử
Công trường lòng hồ Trị An trong công đoạn nạo vét vào những năm 1980 của thế kỷ XX. (Ảnh: Tư liệu)

Công trình Nhà máy Thủy điện Trị An được nổ phát mìn đầu tiên chính thức khởi công vào năm 1984, tổ máy thứ nhất phát điện sau 4 năm và đưa vào sử dụng toàn bộ vào năm 1991 với 4 tổ máy, tổng công suất thiết kế 400MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỷ KWh. Công trình được thực hiện với sự huy động của cả hệ thống chính trị vào cuộc, với sự đóng góp to lớn của những kỹ sư, chuyên gia nước ngoài, lực lượng thanh niên xung phong và người dân phương Nam.

Giữa muôn vàn khó khăn

Chúng tôi về lại vùng Thủy điện Trị An vào những ngày hè năm 2024. Công trình thủy điện “nằm” lặng lẽ giữa mênh mông nắng gió, xung quanh dòng sông Đồng Nai đổ xuống như một dải lụa mềm, vây quanh núi đá trập trùng. Sông Đồng Nai là dòng sông nội địa dài nhất Việt Nam (568km), bắt nguồn từ cao nguyên Lang Biang, tỉnh Lâm Đồng ở độ cao trên 2.000m. Với lượng mưa dồi dào, sông Đồng Nai có nguồn thủy năng phong phú, đứng thứ 2 cả nước, sau sông Đà.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, bước vào giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội giữa muôn vàn khó khăn. Thời điểm này, Đảng và Nhà nước chủ trương thành lập các khu kinh tế, nông lâm trường ở nhiều tỉnh, thành. Tại tỉnh Đồng Nai khi ấy có 3 lâm trường được thành lập là Mã Đà, Hiếu Liêm và Vĩnh An, nằm ở xung quanh vùng lòng hồ Trị An (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu). Với phong trào vào Nam làm kinh tế mới, rất nhiều người dân từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc đã di cư vào đây làm việc tại các lâm trường. Họ thực hiện các công việc khai thác, chế biến gỗ xuất khẩu. Dòng người “kinh tế mới” này sau đó trở thành lực lượng chính, cùng với lực lượng thanh niên xung phong, là những lao động trực tiếp xây dựng nên Thủy điện Trị An.

Trở lại vấn đề đề về năng lượng, đầu những năm 1980, nhu cầu về điện năng để phục hồi, phát triển nền kinh tế sau khi đất nước thống nhất ngày càng lớn. Lúc này, thủy điện Đa Nhim, là thủy điện duy nhất ở miền Nam thời điểm đó chưa thể hòa vào điện lưới quốc gia. Nhu cầu điện của miền Nam trong giai đoạn đó hàng năm tăng 300 – 400 triệu kWh/năm ở mức cơ bản nhưng thực tế đã không có điện bổ sung nên phải liên tục cắt giảm tiêu thụ, kể cả trong công nghiệp và sinh hoạt. Cao điểm, có khi một tuần cắt điện đến 5 ngày.

Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng đã gây trở ngại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và cả tình hình an ninh, chính trị, xã hội. Từ đó, công việc cấp bách đã đề ra phải được bắt tay vào thực hiện: Nhanh chóng xây dựng Thủy điện Trị An ở bậc thứ 9 của sông Đồng Nai. Việc xây dựng thủy điện ở vị trí trên được đánh giá là lý tưởng cả về tiềm năng nhiên liệu năng lượng và hiệu quả toàn diện thực tiễn khác như về kinh tế tổng hợp, hỗ trợ thủy lợi, cải tạo nguồn nước và môi trường.

Ngồi trong phòng tư liệu của Nhà máy Thủy điện Trị An, lật từng trang tư liệu như sống lại với ký ức xưa, chúng tôi bắt gặp nhiều nội dung văn bản chỉ đạo lúc đó luôn nhắc nhở về phương châm được đề ra khi bước vào xây dựng Thủy điện Trị An. “Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm”. “Đây là phương châm mới, vấn đề mới mà từ đó Ban chỉ đạo công trình phải suy nghĩ, từng bước mở rộng, nâng cao theo tinh thần phương châm nói trên để tiếp tục có những sáng tạo, hiệu quả”. Chúng tôi lần đọc những tư liệu ghi lại như trên, cảm thấy một tinh thần quyết liệt của những ngày đầu bước vào giai đoạn kiến thiết đất nước vẫn còn hừng hực đâu đó.

“Bắt đầu” từ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Những tư liệu quan trọng về Nhà máy Thủy điện Trị An thể hiện yêu cầu về phát triển kinh tế sau khi đất nước thống nhất là thực tế khách quan và là nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên lúc đó công trình Thủy điện Trị An dù được các lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm nhưng vấn đề khởi công Thủy điện Trị An vẫn chưa được đề cập đến trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 1981-1985, kể cả kế hoạch hợp tác hữu nghị với Liên Xô.

Tiếp sau đó, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, sự quyết tâm của các ban, ngành Trung ương và địa phương và bằng tiềm năng hiện thực nhân, tài, vật, lực, thiết bị… của khu vực mà nguyện vọng của nhân dân đã trở thành “phong trào cách mạng” ủng hộ, đóng góp cho “công trình Trị An lịch sử”.

Bài 1: Miền Nam “đói điện” và quyết tâm lịch sử
Một góc công trình hồ, đập Thủy điện Trị An hôm nay nhìn từ trên cao. (Ảnh: Nguyễn Đức)

Về dấu ấn cá nhân, rất nhiều tư liệu đã khẳng định công lao ban đầu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trước bức bách về nguồn năng lượng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi xướng, vận động cấp ủy các địa phương Nam bộ quyết tâm xây dựng Thủy điện Trị An. Mục tiêu xây dựng công trình Thủy điện Trị An thời điểm đó nhằm: Đảm bảo nguồn năng lượng điện cho phát triển kinh tế – xã hội của 16 tỉnh thành phía Nam, trong đó có khu vực Thành phố Hồ Chí Minh – Biên Hòa, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho hơn 5 triệu dân và tưới tiêu cho hơn 20.000ha đất khu vực hạ lưu, điều tiết nước chống lũ và đẩy mặn cho hạ du.

“Ông là người khởi xướng, tổ chức, vận động các cấp, các ngành và nhân dân trong và ngoài thành phố đóng góp xây dựng công trình này”, trong các tư liệu ghi lại, có không ít những dòng nội dung tương tự…

Tư liệu cho thấy, ngày ấy, sau khi vừa từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Trung ương nhận chức Phó Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt cũng đã cho gọi Bộ Điện lực, Viện Quy hoạch và Kinh tế điện đến nhà khách Trung ương ở Tây Hồ báo cáo cho ông nghe về Thủy điện Trị An. Ông nhấn mạnh, Thủy điện Tri An rất cần, phải làm nhanh, khẩn trương, “Vốn tôi lo”, ông Võ Văn Kiệt nói. Sau đó, Bộ Điện lực thành lập Đoàn thiết kế Trị An để lập Luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình Thủy điện Trị An. Cùng thời điểm, Quy hoạch sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai phục vụ cho thủy lợi và thủy điện đã được lập. Bộ Thủy lợi cũng thành lập các đoàn khảo sát, nghiên cứu lập Quy hoạch sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai phục vụ cho mục đích thủy lợi. Viện Quy hoạch và Kinh tế điện thuộc Bộ Điện lực lập Thuyết minh tổng quan sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai.

Từ đây, Nhà máy Thủy điện Trị An bước vào giai đoạn triển khai cụ thể, quyết liệt. Thủy điện nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 65km, là công trình đào đất ngăn sông, làm biến đổi dòng chảy này qua dòng chảy khác, nhấn chìm dưới lòng hồ 36.000ha đất đai, làng mạc để “Nhà máy Thủy điện Trị An ra đời, “cứu đói” cho tình trạng thiếu hụt năng lượng điện ở Thành phố Hồ Chí Minh và phía Nam. Ngoài đóng góp thực tế, công trình còn là nguồn động viên to lớn cho miền Nam và cả nước, ghi dấu một quyết tâm lịch sử…” – xem lại những trang tư liệu ố màu thời gian cùng với chúng tôi, các cán bộ làm việc tại Nhà máy Thủy điện Trị An hiện tại tỏ ra rất xúc động, đã chia sẻ.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích