Bài 1: Khu kinh tế, Khu công nghiệp nhìn tổng thể
(Xây dựng) – Quảng Ninh phát triển nhanh các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tạo ra diện mạo mới về quy hoạch sử dụng đất. Ngành công nghiệp tập trung có cơ sở hạ tầng tốt để sản xuất kinh doanh, đã phát triển sản xuất đi đôi với tôn tạo cảnh quan môi trường.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm công xưởng sản xuất của Dự án Bumjin Electronics Vina Co.LTD và Dự án S-Việt Nam… trong Khu công nghiệp Đông Mai. (Ảnh tư liệu) |
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023, phương án phát triển khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) của địa phương gồm 23 KCN, 3 KKT cửa khẩu và 2 KKT ven biển với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 378.401ha, được quy hoạch, phân bố trên địa bàn 10/13 cấp dưới tỉnh gọi tắt là huyện.
Lễ khởi công dự án nhà máy điện tử Quảng Yên tại khu vực đầm Nhà Mạc, KKT ven biển Quảng Yên. (Ảnh tư liệu) |
Về KCN, có 23 KCN nằm trong phương án phát triển hệ thống KCN tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích là 18.842ha (trong đó có 15 KCN thuộc địa bàn các KKT); hiện đã có 9 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 7 KCN được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT) và thành lập với tổng diện tích là 3.951,22 ha, trong đó 8 dự án phát triển hạ tầng KCN (thuộc 7 KCN) đã được các chủ đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh hạ tầng và cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án đầu tư; 1 dự án hạ tầng phát triển KCN đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là KCN Bạch Đằng 176,45 ha (thuộc KCN dịch vụ Đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên).
Quảng Ninh quy hoạch 23 KCN và 5 Khu kinh tế. |
Đến hết quý II/2024, tổng diện tích đất đã giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các KCN là 2.552,32ha; diện tích đất công nghiệp đã cho các dự án đầu tư thứ cấp thuê lại để thực hiện dự án là 905,85ha; tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 47,78% (KCN Cái Lân 100%, KCN Đông Mai 86,14%, KCN Việt Hưng 42,65%, KCN Hải Yên 47,08%, KCN Texhong – Hải Hà 54,18%, KCN Nam Tiền phong 2,52%, KCN Bắc Tiền Phong 19,2%, KCN Sông Khoai 30,45%). Diện tích đất công nghiệp hiện có tại các KCN sẵn sàng để thu hút đầu tư là 521ha (KCN Đông Mai 17,32ha, KCN Việt Hưng 132,89ha, KCN Texhong Hà 111,26ha, KCN Hải Yên 0,45ha, KCN Nam Tiền Phong 133,8ha, KCN Bắc Tiền Phong 75,7ha, KCN Sông Khoai 49,66ha).
KCN Sông Khoai (Quảng Yên) diện tích sử dụng đất 714ha, đã thu hút được 19 dự án thứ cấp. |
Về KKT cửa khẩu, 3 KKT cửa khẩu nằm trong Quy hoạch phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có quyết định thành lập với tổng diện tích trên 144.735ha. Bao gồm KKT cửa khẩu Móng Cái có diện tích 121.197ha, KKT cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn có diện tích 14.236ha, KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh có diện tích 9.302ha.
Khu công nghiệp Texhong – Hải Hà không gian kiến trúc xanh. |
Về KKT ven biển, 2 KKT ven biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2040 với tổng diện tích trên 230.436 ha. Bao gồm: KKT ven biển Vân Đồn có tổng diện tích là 217.133ha, KKT ven biển Quảng Yên có tổng diện tích 13.303ha.
Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo KKT, KCN phát triển sản xuất đi đôi với tôn tạo cảnh quan môi trường. |
Tình hình đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp. Quảng Ninh có 9 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. 100% KCN được thành lập có Hệ thống xử lý nước thải tập trung phù hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, 6 KCN gồm: KCN Hải Yên, KCN Texhong Hải Hà, KCN Cái Lân, KCN Việt Hưng, KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai đã có dự án đầu tư thứ cấp đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ đầu tư hạ tầng KCN đã hoàn thành đầu tư xây dựng và vận hành công trình xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường (đạt tỷ lệ 100% các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường); 2 dự án hạ tầng KCN là KCN Bắc Tiền Phong và KCN Nam Tiền Phong đã thu hút được dự án đầu tư thứ cấp, nhưng các dự án thứ cấp này đang trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục, xây dựng, lắp đặt thiết bị, chưa đi vào vận hành sản xuất; chủ đầu tư hạ tầng KCN đã hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN để đảm bảo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của KCN.
Hiện tại, chủ đầu tư hạ tầng KCN đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất cấp giấy phép môi trường (GPMT) đã được Hội đồng thẩm định thông qua với điều kiện chỉnh sửa bổ sung để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt theo quy định; 1 dự án hạ tầng KCN là KCN Bạch Đằng chưa được giao đất, chưa triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật do đang thực hiện thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng trong ranh giới KCN.
Năm 2023, các KCN ở Quảng Ninh, doanh thu doanh nghiệp FDI đạt 3.320 triệu USD, doanh nghiệp trong nước đạt 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách cho nhà nước được 1.043 tỷ đồng; tiếp nhận và giải quyết việc làm được cho 40.290 lao động với mức lương trung bình đạt 8 đến 9 triệu đồng. góp phần phát triển đô thị, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Nguồn: Báo xây dựng