Bài 1: Hướng đi tất yếu của thời đại
(Xây dựng) – Nhìn lại lịch sử thế giới, dòng sông là cội nguồn tạo ra đô thị và ngược lại đô thị cũng mang đến cho sông một diện mạo mới mẻ, hiện đại và bản sắc riêng khác biệt. Dọc nền văn minh từ xa xưa đến hiện đại, đô thị ven sông là xu thế, là hướng đi bền vững và tất yếu.
Dòng sông – Cội nguồn tạo ra thành phố
Có một điều đặc biệt là các đô thị lớn và văn minh ở các nước phát triển trên thế giới đều nằm ở bên một dòng sông. “Nhất cận thị – nhị cận giang – tam cận lộ” – không có sông, không có nguồn nước thì không thể có thành phố. Nói cách khác, dòng sông là cội nguồn tạo ra một thành phố.
Từ xa xưa, các nền văn minh rực rỡ trên thế giới đều được hình thành và phát triển tại lưu vực các con sông lớn như Ai Cập – sông Nil, Ấn Độ – sông Hằng, Trung Hoa – sông Hoàng Hà… bởi tận dụng được nguồn nước mát lành cho các hoạt động giao thương và canh tác. Chính nhờ các dòng sông giao thương đã hình thành nên những đô thị, tiểu đô thị trù phú, sầm uất ven sông.
Năm 1950, New York (Mỹ) được coi là siêu đô thị bên sông đầu tiên trên thế giới, nằm bên bờ sông Hudson bắt nguồn từ hồ Tear. Con sông là trọng tâm chính của sự phát triển trong khu vực, đóng vai trò như một hành lang giao thông và thương mại, chịu trách nhiệm cho sự phát triển của các khu dân cư và trung tâm công nghiệp ven sông.
Tiếp theo đó, kinh đô ánh sáng Paris của Pháp bên dòng sông Seine thơ mộng, thành phố Melbourn xinh đẹp của Úc bên dòng Yarra, thành phố London của Anh bên dòng sông Thames… lần lượt hình thành và lấy dòng sông làm trung tâm phát triển, trở thành những “trái tim” sầm uất nhất thế giới, điểm thưởng ngoạn thu hút hàng triệu người mỗi năm với giá trị kinh doanh, bất động sản vô cùng đắt đỏ.
Tại Hàn Quốc, Seoul trải dài đôi bờ sông Hàn với những cây cầu, tuyến đường cao tốc, công viên mặt nước, cao ốc ven sông… có thể được xem là hình ảnh biểu tượng cho sự phát triển nhanh chóng, minh chứng cho sự phát triển huyền thoại thường được gọi là “kỳ tích sông Hàn”. Với cuộc “nam tiến” vượt sông của đô thị cổ, sông Hàn trở thành “sợi dây” kết nối 2 nửa Seoul với nhau, tạo ra một thành phố hiện đại, khai thác tiềm năng của dòng sông trong phát triển kinh tế – xã hội một cách thần kỳ.
Từ New York, Paris, London, Seoul và những đô thị hiện đại trên thế giới đã cho thấy tầm ảnh hưởng rõ nét của dòng sông đối với sự phát triển của mọi thành phố. Để đánh thức tiềm năng và nâng tầm sức hút của đô thị cần phát huy thế mạnh sông nước, bảo tồn giá trị dòng sông đồng thời quy hoạch các công trình bền vững để thế hệ tương lai kế thừa.
Triển vọng đô thị ven sông tại Việt Nam
Tương tự lịch sử thế giới, hàng nghìn năm văn hóa người Việt cũng gắn liền chặt chẽ với sông, hình thành hệ thống văn hóa sông nước phong phú. Thời kỳ chưa có đê, người Việt cổ sống bằng thuyền thay thế những ngôi nhà. Khi mà đường bộ chưa hình thành thì việc đi lại chủ yếu là trên sông nước. Con người cư trú ven sông, trồng lúa nước, quăng chài, kéo lưới sinh sống. Những ngã ba sông, nơi ven biển nhanh chóng tạo thành làng mạc đông vui, thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa. Trên đồ đồng Đông Sơn người ta đã thấy xuất hiện thuyền, mảng, bè… do con người tự tạo từ thời Hùng Vương, Vua Lê Đại Hành lấy hội đua thuyền hằng năm làm Quốc lễ…
Những điều này được tạo nên bởi Việt Nam có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Ngày nay, đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống hiện đại, văn minh.
Dọc theo chiều dài đất nước, các dòng sông đã tạo nên lịch sử, văn hóa gắn với đời sống mỗi đô thị. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, sầm uất được ôm ấp bởi sông Sài Gòn. Không chỉ ở bờ Tây, những khu thương mại, dịch vụ, tiện ích công cộng dọc bờ Đông sông Sài Gòn ngày nay cũng phát triển nhanh chóng. Kế đó là các khu dân cư vòng theo đại lộ, mở ra các tiểu đô thị giàu có bên sông mới như Thủ Thiêm, Thảo Điền…
Bên sông Thu Bồn, Phố cổ Hội An nay là di sản văn hóa thế giới, thu hút hàng chục triệu lượt du khách trong nước và quốc tế mỗi năm. Vở diễn thực cảnh Ký ức Hội An đã phần nào tái hiện được cội nguồn văn minh và thịnh vượng của các vùng đất ven sông.
Lưu vực phù sa và trù phú nhất của sông Hồng chính là khởi nguồn phát triển nên vùng đất Kinh kỳ, nay là Thủ đô Hà Nội. Vẻ đẹp thành phố Đà Nẵng năng động, phát triển gắn liền với đôi bờ sông Hàn; Thành phố Huế mộng mơ soi bóng bên dòng sông Hương hiền hòa; Thành phố Thanh Hóa hình thành quanh dòng sông Mã anh hùng; Thành phố Vinh gắn liền với dòng sông Lam, sông Vinh đã cho thấy “văn minh sông nước” đã và đang len lỏi sâu vào đời sống mỗi người dân Việt Nam hiện đại.
Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Đơn cử như sông Hàn, trong 25 năm qua mặc dù dòng sông này đã thay đổi từng ngày và trở thành biểu tượng cho sức sống mới mãnh liệt của người Đà Nẵng nhưng đến nay, không gian đô thị ở Đà Nẵng vẫn chưa hoàn toàn hướng ra sông. Hay với dòng sông Hồng, trong vòng hơn 20 năm qua, Hà Nội từng nhiều lần đề cập đến quy hoạch hai bờ sông Hồng, nhưng chưa có kế hoạch nào được phê duyệt chính thức và được triển khai… Và còn rất nhiều những quy hoạch liên quan đến các con sông vẫn đang trong quá trình xem xét đợi phê duyệt.
PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc, Phó trưởng khoa Thẩm định giá và Kinh doanh Bất động sản, trường Đại học Tài chính – Marketing cho hay, “Du lịch biển, kinh tế biển, đô thị biển của Việt Nam đã phát triển rất nhanh trong vòng 40 – 50 năm qua, trong khi đó những phát triển về sông hồ vẫn là con số 0 tròn trĩnh”.
Như vậy, dù có tài nguyên sông nước dồi dào, song các địa phương vẫn chưa tận dụng được hết lợi thế để khai thác tiềm năng đô thị và kinh tế dịch vụ ven sông. “Đánh thức” tiềm năng dòng sông, bất động sản ven sông trong vấn đề quy hoạch đô thị vẫn là “bài toán” mà các địa phương cần đi tìm lời giải trong việc phát triển một đô thị văn minh, hiện đại.
Bài 2: Đi tìm “mẫu số chung” thành công của các đô thị ven sông
Nguồn: Báo xây dựng