Bài 1: Diện mạo thành phố biển đảo Phú Quốc đã nhiều thay đổi
(Xây dựng) – Quyết định 1289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030. Theo Quy hoạch này, đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Các thành phố Rạch Giá – Hà Tiên – Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển, trong đó: Thành phố Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc và hoa cho đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang (ngày 08/01/2021). |
Phú Quốc là một thành phố đảo trực thuộc tỉnh Kiên Giang, có diện tích 589,23km2, xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore. Đảo Phú Quốc cùng các đảo nhỏ lân cận và quần đảo Thổ Chu hợp lại tạo thành thành phố Phú Quốc, đây là thành phố đảo đầu tiên được thành lập của Việt Nam. Thành phố Phú Quốc được thành lập ngày 01/01/2021, với 2 phường, 7 xã, dân số gần 180.000 người.
Hơn 25 năm trước, lần đầu tiên đến huyện đảo Phú Quốc bằng tàu cao tốc Super Đông, được đi tàu cao tốc đến Phú Quốc là diễm phúc sung sướng, vì trước đây từ Rạch Giá hay Hà Tiên ra Phú Quốc phải đi tàu gỗ mất 5-6 giờ (gấp đôi thời gian tàu cao tốc). Ngày đó, Phú Quốc còn hoang sơ, dân số chỉ khoảng 10.000 người. Cư dân chỉ tập trung sinh sống ở 2 thị trấn An Thới và Dương Đông.
Thời điểm đó, Phú Quốc cũng chỉ có 2 khách sạn được biết đến là Sài Gòn – Phú Quốc ở thị trấn Dương Đông. Du khách cũng không đông đúc như bây giờ. Phương tiện vận chuyển taxi không có, không như bây giờ taxi đầy đường, đi đâu chỉ cần gọi là có xe đến đón ngay. Khách sạn Hương Biển chỉ có 01 chiếc xe 25 chỗ ngồi, gia đình đông người muốn “chu du” vòng quanh đảo Phú Quốc phải đặt xe cả tuần trước mới có thể đi tour tham quan đảo Phú Quốc.
Du khách đi nhóm 4-5 người thì thuê xe gắn máy. Nhưng cơ sở hạ tầng giao thông ngày đó chưa được đầu tư như bây giờ, đường đất đỏ nhỏ hẹp, mùa khô đi xe gắn máy còn được dễ dàng, mùa mưa sình lầy trơn trợt, dễ ngã.
Vậy mà theo nhịp thời gian trôi qua, Phú Quốc trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư lớn trong và nước ngoài, như: Vingroup, Sun Group, BIM Group, Tập đoàn Tân Á Đại Thành, MIK Group, GEO Group, Milton Holding…các Tập đoàn đã đầu tư hàng chục tỷ USD tạo nên diện mạo Phú Quốc khác biệt đã và đang trở thành phố biển – đảo sầm uất nhất Việt Nam.
Ngày nào, Bắc đảo còn là khu rừng hoang sơ nay trở thành khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng đẵng cấp quốc tế, thành phố không ngủ…của Vinpearl Phú Quốc. Thị trấn An Thới ngày nào là nơi neo đậu ghe thuyền của ngư dân làng chài giờ đây được Sun Group đầu tư hàng tỷ USD trở thành thị trấn Hoàng Hôn sầm uất nhất thành phố biển – đảo, sánh ngang tầm các đường phố châu Âu…
Không phải ngẫu nhiên Phú Quốc sớm phát triển thay đổi khởi sắc như vậy. Đa số các ý kiến cho rằng, Phú Quốc chỉ tăng tốc khoảng 10 năm nay. Đó là vào tháng 9 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg về việc công nhận huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là đô thị loại II. Quyết định này là điểm tựa và động lực để Phú Quốc chuyển mình vươn lên mạnh mẽ. Cùng với Quyết định công nhận huyện đảo Phú Quốc trở thành đô thị loại II, các chính sách khuyến khích đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước của tỉnh để các nhà đầu tư đến xây dựng cơ sở hạ tầng, vui chơi, giải trí, du lịch, bất động sản…đã làm diện mạo Phú Quốc nhiều đổi thay.
Ngày 01/01/2021, Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường của thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ngày 08/01, UBND tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức Lễ công bố thành lập thành phố Phú Quốc.
Phát biểu chào mừng Lễ công bố thành phố Phú Quốc, ông Lâm Minh Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Phú Quốc được mệnh danh là “vùng đất trù phú” với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội mà không phải địa phương nào cũng có. Chính những yếu tố đặc biệt đó, kể từ năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” tại Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, cùng các quy hoạch và các cơ chế, chính sách ưu đãi đã mở ra giai đoạn phát triển mới cho Phú Quốc. Trong những năm qua, nhất là trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Phú Quốc đã thật sự vươn lên, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế. Bình quân giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thương mại – dịch vụ trên 19%/năm, cao gấp 2 lần của tỉnh; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 141.652 tỷ đồng, vượt 57% chỉ tiêu Nghị quyết; thu ngân sách tăng bình quân 19%/năm, chiếm hơn 40% tổng thu của tỉnh.
Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng của Chính phủ, lượng khách bình quân mỗi năm tăng 28%, trong đó khách quốc tế tăng hơn 45%; nhiều thương hiệu du lịch lớn trên thế giới đều đã góp mặt tại Phú Quốc. Đến nay, Phú Quốc đã thu hút 372 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 16,5 tỷ USD.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trao Quyết định Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc. |
“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định tiếp tục phát huy vai trò động lực của đảo Phú Quốc trong thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình và định hướng phát triển, chỉ đạo nghiên cứu các cơ chế, chính sách nổi trội để Phú Quốc phát triển mạnh hơn nữa, trở thành động lực phát triển của tỉnh và là một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao mang tầm cỡ quốc tế; đặc biệt từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố kiểu mẫu về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thân thiện và an toàn” – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết định hướng phát triển thành phố Phú Quốc như vậy.
Nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển mở ra cho thành phố Phú Quốc
Tại Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng: “Thành phố Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước, có vị trí và vai trò rất quan trọng đối với tỉnh Kiên Giang và khu vực Tây Nam bộ và cả nước; là khu kinh tế – hành chính đặc biệt mang tính động lực của tỉnh Kiên Giang; là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và quốc tế; trung tâm bảo tồn sự đa dạng sinh học rừng và biển cấp quốc gia và khu vực và là khu vực có vị trí đặc biệt về quốc phòng và an ninh. Thành phố đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất của Việt Nam nằm ở phía Tây Nam đất nước vừa mang những giá trị lịch sử của dân tộc, vừa có nhiều tiềm năng, lợi thế rất quan trọng trong phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Việc xây dựng và phát triển thành phố Phú Quốc là một trong những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng đã được xác định từ rất sớm theo Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg năm 2004 và tiếp tục được khẳng định lại tại Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch chung đảo Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu năm 2005 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-TTg năm 2010. Sau hơn 13 năm thực hiện Quy hoạch đã phát huy tác dụng là cơ sở để đầu tư xây dựng, nâng cao trình độ phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáng kể cho đô thị Phú Quốc.
Một góc thị trấn Hoàng Hôn do Tập đoàn Sun Group đầu tư. |
Đến nay, đảo Phú Quốc là đã đạt tiêu chí đô thị loại II, trở thành một trong những thành phố hấp dẫn, năng động nhất khu vực Tây Nam bộ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long với hạ tầng đồng bộ, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại với nhiều công trình kiến trúc mang tính điểm nhấn và có tính biểu tượng cao.
Kinh tế – xã hội Phú Quốc có bước tăng trưởng vượt bậc: Hàng năm, tổng thu ngân sách của Phú Quốc đạt hơn 7.000 tỷ đồng (tăng 260 lần so với năm 2004), chiếm gần 50% thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang và chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long; thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt hơn 3.100 USD tăng hơn 20 lần so với 10 năm trước đây. Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt thành lập thành phố Phú Quốc – đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kiên Giang.
Đây là kết quả nổi bật và cũng là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kiên Giang trong mục tiêu phát triển Phú Quốc tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình…”.
Nguồn: Báo xây dựng