Bài 1: Dấu ấn những công trình thay đổi diện mạo đất nước
(Xây dựng) – LTS: Ngày 17/7/1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam chung sức, đồng lòng hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Cùng với sự phát triển của thế giới và xu hướng hội nhập của quốc tế, đất nước ta đang ngày càng đổi mới, bước thời kì công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước; vừa xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, vừa phát triển nền kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Do đó, ngành Xây dựng được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn góp phần quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Cùng với những công trình xây dựng, các đô thị hiện đại, vùng kinh tế trọng điểm…ngành Xây dựng đã góp phần không nhỏ trong công cuộc thay đổi diện mạo đất nước.
Báo điện tử Xây dựng điểm lại những công trình xây dựng tiêu biểu của đất nước, là biểu tượng chân thực của tình đoàn kết, hữu nghị, minh chứng sống động cho sự dám nghĩ, dám làm, đóng góp cho xã hội của các trí tuệ Việt Nam.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Công trình của “Lòng Dân, ý Đảng”
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình lịch sử – nơi tổ chức nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. |
Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức khởi công vào ngày 2/9/1973, sau gần 2 năm xây dựng, công trình được khánh thành mở cửa đón tiếp đồng bào và khách quốc tế đến viếng Người. Việc hoàn thành công trình đúng thời hạn, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật là kết quả của một quá trình lao động khẩn trương, đầy nhiệt tình, trách nhiệm của đông đảo cán bộ, công nhân và chiến sĩ. Đây thực sự là một thành tựu đặc biệt trong xây dựng, thể hiện tình cảm sâu nặng của đồng bào, chiến sĩ ta đối với Bác kính yêu.
Quá trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình có sự đóng góp quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô. Từ việc tham gia nghiên cứu các phương án thiết kế, cung cấp thiết bị vật tư đến việc trực tiếp hướng dẫn thi công, các cơ quan và chuyên gia Liên Xô đã giúp đỡ chúng ta với một tình cảm quốc tế trong sáng, cao cả.
Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức ngày 29/8/1975. Kể từ đó nhiều sự kiện trọng đại của đất nước đã diễn ra tại Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình.
Theo cuốn Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Đài hoa vĩnh cửu của Nhà văn Hồ Phương, giai đoạn cuối cùng của công trình Lăng Bác gần như trùng hợp hoặc tương đồng với tình hình chung của cả nước cùng quyết tâm lớn của Bộ Chính trị và Trung ương là nhanh chóng giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tại công trường Lăng, những công việc cuối cùng của xây phần thô đã sắp đi tới kết thúc. Ở tầng trung tâm – tầng chính Lăng, nơi có phòng giữ thi hài Bác đã hoàn tất và đã được kiểm nghiệm, được đánh giá là không thể chê trách điều gì, nếu không nói là quá đẹp, quá tốt.
Ngày 1/11/1974, công trường bắt tay vào công tác hoàn thiện, trước hết là trát vữa trần, tường và tiến hành công tác ốp đá màu ngoài và trong Lăng. Buổi ốp đá màu đầu tiên trong Lăng là ở một phòng khách bên trái. Một số cán bộ và công nhân ốp của ta, có cả tổ chuyên gia ốp đá của Liên Xô sang giúp cũng tới dự. Trong căn phòng khách còn thô mộc và chưa có bất cứ bàn ghế hoặc trang trí gì, nhưng không khí “ra quân ốp đá quý” vẫn rất trang nghiêm và đầy ý nghĩa.
Đẹp nhất, ấn tượng nhất vẫn là phòng đặt thi hài Bác. Toàn phòng được ốp bằng đá cẩm thạch của Liên Xô và Việt Nam – loại đá có vân hoa đẹp như mây vờn với màu trắng trầm sâu trang nhã không những tạo được mỹ cảm mà còn cả sự tôn nghiêm, sự yên tĩnh và rất cao quý. Khoảng tường sát trần nhà được ghép rất khéo léo toàn đá màu đen tạo hình hoa sen cách điệu. Cũng ở phòng này phía trên bức tường chính – sau bệ hoa cương nơi Bác nằm – nổi bật lên hai lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc, được ốp ghép bằng 4.000 mảnh đá nhỏ đã được cắt mài cực kỳ khéo léo, tinh tế, đến mức ai chợt trông thấy có thể tưởng như hai lá cờ đều liền một phiến đá màu và đang bay bay nhẹ nhàng…
Tìm được đúng đá quý có màu đỏ cờ, xẻ ra rồi mài giũa để lắp ghép được lên hai lá cờ này là một kỳ công. Thoạt đầu không tìm đâu ra thứ đá đỏ như cờ. Các nơi gần, xa đã cố công tìm kiếm khắp, đều không có, chỉ riêng Thanh Hóa đem về được đá cẩm vân. Nhưng cũng chỉ đỏ nhờ nhờ hoặc màu da cam. Đã gần như hết hy vọng thì bỗng có tin báo về: Có một cán bộ địa chất đã cố gắng lặn lội tiến sâu vào một thôn nhỏ của làng Ruồng, xã Điền Hải, huyện Bá Thước – một huyện ở vùng rừng núi xa xôi phía Tây Thanh Hóa. Một số mẫu đá đã được tổ địa chất đưa ngay về Hà Nội kiểm nghiệm. Các chuyên gia về đá quý hiếm cùng các nhà địa chất lão luyện, các nhà khoa học uyên bác đã được tập trung ngay để làm các xét nghiệm và xác định đây là đá ngọc bích rất quý… Tất cả cùng reo lên: “Đá đỏ đây rồi! Hoàn toàn là màu cờ đây rồi!”. Tin vui lập tức được báo cáo ngay lên Bộ Chính trị.
Trong một lần chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi Bác mất thể theo nguyện vọng toàn Đảng, toàn Dân, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết định xây dựng công trình Lăng Bác để giữ gìn lâu dài thi hài của Bác.
Theo các tài liệu, có thể thấy tại thời điểm đó công trình Lăng Bác có ý nghĩa chính trị đặc biệt, đây là công trình quan trọng số một. Công trình này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như Bộ Kiến trúc (sau này là Bộ Xây dựng) tham gia rất tích cực trong tổ chức, để thi các giải pháp thiết kế, cũng như sự viện trợ của Liên Xô, nên việc lựa chọn rất kỹ. Có thể nói, đây là một công trình của “Lòng Dân, ý Đảng”, cùng với sự tham gia của các lực lượng cả nước, những giải pháp thiết kế của Liên Xô và tham gia của các phương án từ phía Việt Nam. Đây là một công trình đạt được sự hài hòa các yếu tố dân tộc truyền thống và hiện đại, các vật liệu xây dựng cũng được lựa chọn chủ yếu ở các vùng miền của cả nước. Cũng qua các thước phim tư liệu, cũng như các tài liệu để lại, đây là công trình thể hiện sự đóng góp của tất cả tinh thần, trách nhiệm của toàn thể tất cả các lực lượng tham gia xây dựng.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương: Sau này khi được tiếp xúc với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nghe nguyên Tổng Bí thư kể lại mới thấy được tinh thần và tấm lòng của cả nước đối với công trình Lăng Bác. Mặc dù được khởi công xây dựng năm 1973, khi miền Nam chưa được giải phóng, nhưng rất nhiều các vật liệu gỗ quý từ các tỉnh phía Nam luân chuyển ra để góp phần xây dựng Lăng Bác. Đối với công trình Lăng Bác, ngoài đá ốp chính công trình lăng do Liên Xô viện trợ, còn lại là tất cả các vật liệu quý để xây dựng đều có sự đóng góp của nhân dân các vùng các tỉnh trong cả nước.
Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vinh dự được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ đặc biệt, đó là giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức cho khách quốc tế và nhân dân đến viếng Bác, cũng như học tập tư tưởng đạo đức của Bác. Có thể nói, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ là một công trình hết sức đặc biệt, đó là công trình của “Lòng Dân, ý Đảng”.
Công trình Nhà Quốc hội mới với công nghệ xây dựng hiện đại và đậm nét kiến trúc dân tộc
Nhà Quốc hội là trụ sở làm việc của Quốc hội, nơi tổ chức lễ kỷ niệm những ngày trọng đại của quốc gia. |
Nhà Quốc hội là trụ sở làm việc của Quốc hội, nơi tổ chức lễ kỷ niệm những ngày trọng đại của dân tộc, nơi đón tiếp khách quốc tế cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa của nhân dân cả nước và du khách quốc tế. Được coi là công trình tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, là biểu tượng cho sự tập trung ý chí và nguyện vọng của toàn dân, công trình Nhà Quốc hội mới trở thành một tác phẩm kiến trúc ghi đậm dấu ấn của những kiến trúc sư, những công nhân ngành Xây dựng trong thời kỳ đổi mới.
Nói về Công trình Nhà Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ (Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng) Trịnh Đình Dũng từng chia sẻ: “Nhà Quốc hội là công trình rất lớn, đòi hỏi kỹ thuật hiện đại, thi công phức tạp và thời gian rất gấp. Bộ Xây dựng đã tập trung nhân lực, nguồn lực, triển khai dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Công trình đã được hoàn thành đạt yêu cầu tiến độ, chất lượng với kỹ thuật, mỹ thuật cao và đảm bảo an toàn lao động”.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã từng nói: “Mỗi đại biểu Quốc hội đều nhận thấy rằng, mình đang ngồi trong ngôi nhà mới này thì phải xứng đáng hơn với chủ trương của Đảng, của Quốc hội và sự đồng ý của nhân dân để xây lên công trình này. Quốc hội có điều kiện đầy đủ hơn để thực hiện quyền năng của mình là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân đồng thời là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Phiên họp đầu tiên của kỳ hop thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã diễn ra tại tòa nhà Quốc hội mới. |
Nhà Quốc hội được khởi công xây dựng ngày 12/10/2009 với tổng diện tích 63.000 m2, chiều cao 39 m. Quy mô 5 tầng nổi, 2 tầng hầm gồm 540 phòng. Công trình hoàn thành nhờ 2.5 triệu ngày công lao động của các cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề và người lao động đến từ 65 Nhà thầu chính.
Tòa nhà được trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn, an ninh môi trường; các hệ thống thông tin cảnh báo, camera quan sát và quản lý ra vào công trình. Nói về việc xây dựng công trình, đầu tiên chúng tôi phải kể đến tâm huyết của những kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân ngành xây bởi việc sử dụng những công nghệ đỉnh cao.
Công trình Nhà Quốc hội do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, được thi công kết cấu sử dụng cần cẩu có sức nâng 1.250 tấn, công nghệ chưa từng có ở các công trình xây dựng dân dụng trong nước. Đặc biệt là việc lắp đặt 8 cột thép tổ hợp đỡ toàn bộ Phòng họp chính. Mỗi cột thép có kết cấu đặc biệt, cao 15m, nặng 77 tấn. Giải pháp thi công này mang lại hiệu quả cao về tiến độ đồng thời đáp ứng yêu cầu chất lượng, lắp đặt chính xác và đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Tòa nhà tích hợp các giải pháp ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến phức tạp từ hàng trăm nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới như máy phát điện, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống tự động hoá mặt đứng, hệ thống cửa an toàn…
Hệ thống thiết bị âm thanh, hình ảnh và truyền hình được kết nối tới hệ thống ma trận chuyển mạch với các thiết bị đầu cuối đảm bảo tích hợp hài hòa với kiến trúc nội thất, vật liệu trang trí, đồng thời đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng âm thanh trung thực, hình ảnh sắc nét, tính dự phòng cao và hoạt động ổn định. Hệ thống này có thể phục vụ 80 cuộc họp/ hội đàm độc lập với trên 2500 đại biểu tại cùng một thời điểm trong tòa nhà…
Nhà Quốc hội nay tọa lạc giữa một trung tâm chính trị – lịch sử – văn hóa của thủ đô và của cả nước. Khác với những nơi khác, đây không phải là quần thể kiến trúc khép kín mà là một không gian thoáng mở, còn lưu dấu vết của các thời đại, các công trình kiến trúc không cùng phong cách, song hòa đồng với nhau thành một thể hữu cơ nằm giữa những rặng cây và thảm cỏ. Năm 2014, Kiến trúc Nhà Quốc hội đã nhận giải kiến trúc Quốc gia Grand Prix đỉnh cao của Hiệp hội KTS Việt Nam.
Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Kiến trúc tiêu biểu Việt Nam thời kỳ đổi mới
Trung tâm Hội nghị Quốc gia được xem như một biểu tượng về kiến trúc của Việt Nam trong thế kỷ mới. |
Trung tâm Hội nghị Quốc gia (địa chỉ số 57 đường Phạm Hùng, Hà Nội), là tổ hợp công trình đa năng lớn nhất tại Thủ đô. Đây là nơi diễn ra các đại hội, hội nghị lớn, các hoạt động chính trị, thương mại mang tính quốc gia và quốc tế.
Trung tâm Hội nghị Quốc gia có vốn đầu tư trên 4.300 tỷ đồng, diện tích sàn 60.000m2, với toà nhà chính 5 tầng và 1 tầng hầm, có độ cao 53m (tương đương tòa nhà 17 tầng). Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 11/2004 do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành vào tháng 11/2006 đã được bàn giao cho Văn phòng Chính phủ quản lý, sử dụng.
Kiến trúc của công trình được chọn từ phương án “Lượn sóng biển Đông”, do chuyên gia Cộng hòa Liên bang Đức Meinhard Von Gerkar và Nikolaus Goetze thiết kế, theo ý tưởng cảnh quan di sản thế giới Vịnh Hạ Long. Đây là 1 trong số 3 Trung tâm Hội nghị lớn nhất khu vực Ðông Nam Á.
Trung tâm Hội nghị Quốc gia bao gồm: Nhà chính có diện tích sàn 60.00m2, trong đó phòng họp chính có quy mô 3.747 chỗ có thể sử dụng đa năng, đáp ứng các yêu cầu phục vụ đại hội, hội nghị lớn, các buổi biểu diễn ca múa nhạc và các hoạt động trình diễn khác, hai phòng họp cao cấp dành cho các cuộc họp của nguyên thủ các nước khi tổ chức các hội nghị quốc tế cấp cao và các cuộc họp quan trọng khác, một phòng hội thảo có sức chứa 400 chỗ, 28 phòng họp có thể bố trí thành 68 phòng họp nhỏ tuỳ theo yêu cầu sử dụng, một phòng khánh tiết sử dụng nhiều mục đích, có thể bố trí sân khấu nhỏ biểu diễn phục vụ 1.000 khách dự tiệc, một trung tâm báo chí phục vụ được 1.500 phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp, một số khu vực dành cho giao dịch thương mại, triển lãm, trưng bày các sản phẩm phục vụ hội nghị, hội thảo. Nhà để xe ngầm của Trung tâm có sức chứa 495 xe ô tô, 03 bãi đỗ xe ô tô nổi, 01 sân đỗ trực thăng. Hệ thống đường giao thông nội bộ với chiều dài 5,9 km, các công trình phụ trợ, sân vườn, cây xanh, mặt nước… có diện tích 8,1ha.
Công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia là công trình dân dụng có quy mô lớn, kỹ thuật cao, có rất nhiều hệ thống kỹ thuật được trang bị hiện đại như hệ thống điều hoà, thông gió, cấp nhiệt, hệ thống điện động lực và điện chiếu sáng, hệ thống âm thanh, hệ thống quản lý năng lượng, hệ thống sân khấu biểu diễn, hệ thống truyền hình, hệ thống trình chiếu, hệ thống quản lý toà nhà BMS, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động. Các nhà thầu xây dựng công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia đã hoàn thành một khối lượng xây dựng lớn gồm 49.000m cọc nhồi, 51.000m cọc đóng các loại, 116.000m3 bê tông, 14.000 tấn cốt thép bê tông, 12.500 tấn kết cấu thép, 34.000m2 đá ốp lát nhà chính, 16.000m2 tường kính, 34.000m2 mái, đào đắp đất 1.350.000 m3 và hàng ngàn tấn thiết bị, đường ống các loại.
Năm 2006, Công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã về nhất trong cuộc bầu chọn giải thưởng kiến trúc do Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thông tin và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.
Bài 2: Những công trình thủy điện, trường tồn cùng “dòng chảy” lịch sử dân tộc
Nguồn: Báo xây dựng