Bài 1: “Công nghệ” chôn lấp “tố” nhà đầu tư

(Xây dựng) – Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình; nếu không thực hiện thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, người dân không khỏi lo âu. Hiện nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, số lượng nhà máy xử lý rác đếm trên đầu ngón tay. Người dân lo lắng “vỡ trận” vì rác “bom rác”. Thực tế nhiều năm liền, hàng loạt dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác triển khai nhưng dự án chỉ trên giấy.

Bài 1: “Công nghệ” chôn lấp “tố” nhà đầu tư
Hiện bãi rác An Hiệp được phủ bạt khá chắc chắn, hạn chế được tối đa mùi bốc ra xung quanh.

Khi bãi chôn lấp rác quá tải

Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu tỷ lệ chôn lấp rác ở đô thị giảm còn 30% (năm 2025) và 10% (năm 2030). Trước đó từ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 chỉ còn 7% lượng rác thải chôn lấp, số còn lại phải đốt rác thành điện một cách bền vững. Tuy nhiên, trong một lần trả lời báo chí, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét, việc ở Việt Nam có tới 70% rác xử lý bằng phương pháp chôn lấp là quá cao, gây tốn đất, ô nhiễm nước ngầm. Ông Võ cho rằng, Chính phủ cần đưa tỷ lệ chôn lấp rác giảm xuống dưới 20%. Ngoài ra, theo quy định hiện nay thì bãi rác chỉ cần cách khu dân cư 500m khoảng cách này quá gần, ảnh hưởng đến sức khỏe và dễ khiến người dân phản ứng chặn xe rác.

Thực tế, nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không có nhà xử lý rác chỉ lấp vá bằng chôn lấp. Khi bãi chôn rác đã quá tải trở thành nỗi ám ảnh của người dân bởi họ sống gần “quả bom rác”. Vừa qua, sau nhiều lần lãnh đạo tỉnh Bến Tre tổ chức đối thoại với người dân xã An Hiệp và xã An Đức (huyện Ba Tri) tình hình mới lắng xuống. Tháng 10/2022, Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định, Châu Thành) bị đình chỉ hoạt động, UBND tỉnh quyết định tạm chuyển rác từ thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành về bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri. Trong thời gian tiếp tục mời gọi đầu tư nhà máy xử lý rác của tỉnh, bãi rác An Hiệp có diện tích 4,8ha, tiếp nhận khối lượng rác từ 210 đến 220 tấn/ngày. Với lượng rác tăng đột ngột, Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre phối hợp với huyện Ba Tri triển khai thực hiện các hạng mục như: Xây tường rào, phủ bạt các ô đã chôn lấp, gia cố chống thấm, gom nước rỉ rác, ao chứa nước rỉ rác… Tỉnh dự kiến mở rộng bãi rác An Hiệp thêm diện tích 3ha.

Tuy nhiên, việc thực hiện chưa kịp thời, bên cạnh đó, trời mưa nhiều dẫn đến tình trạng nước rỉ rác lẫn với nước mưa chảy tràn xung quanh, mùi hôi phát tán ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 132 hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 1.000m thuộc địa phận 2 xã An Hiệp và An Đức.Tháng 7/2023, hơn 150 người dân không cho xe rác chở vào bãi rác An Hiệp. Ngày 20/7 và ngày 06/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đối thoại trực tiếp với người dân. Một số hộ dân khác đề nghị chính quyền địa phương phải di dời bãi rác đi nơi khác; nếu không di dời bãi rác thì phải giải tỏa dân ra xa khu vực bãi rác để tránh ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài. Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam nhìn nhận, sự cố ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp vừa qua có phần trách nhiệm rất lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành, theo dõi, giám sát của các cấp chính quyền địa phương. Hiện môi trường đã được đảm bảo.

Bài 1: “Công nghệ” chôn lấp “tố” nhà đầu tư
Bãi rác “khổng lồ” chắn ngang Dự án đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

Không riêng gì người dân ở gần bãi rác An Hiệp, nhiều hộ dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ám ảnh sống gần “bom rác” mang họa bất cứ lúc nào. Tháng 5/2020, bãi rác Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) đưa vào hoạt động chôn lấp rác. Điểm chôn lấp này hàng ngày tiếp nhận trên 350 tấn rác của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đang trong tình trạng quá tải. Số rác được phủ bạt một phần để hạn chế nước mưa xâm nhập. Khi triều cường người dân lo sợ vỡ trận… rác. Khuya 17/9/2023, đê bao chứa rác bị vỡ tràn vào khu dân cư. Một số diện tích ruộng lúa, ao cá của người dân bị nước bẩn tấn công. Báo cáo của Xí nghiệp Vệ sinh môi trường Công ty Công trình công cộng Vĩnh Long, khoảng 23 giờ 45 phút ngày 17/9/2023, bờ bao điểm chôn lấp rác số 3 bị vỡ, nước tràn ra cống và môi trường xung quanh. Chiều ngang đoạn đê bao bị vỡ dài khoảng 2m. Sau 1 giờ, vị trí sạt lở đã được khắc phục hoàn toàn, không còn nước rác tràn ra môi trường bên ngoài. Vụ vỡ đê ảnh hưởng đến hơn 37 hộ dân trồng lúa, nuôi heo, nuôi cá xung quanh. Đê bao xung quanh điểm chôn lấp rác thải tương đối yếu, một số vị trí có nguy cơ vỡ đê đã được gia cố đóng cừ tràm, đắp đất cao hơn so với mặt nước rác khoảng 40 đến 50cm và ngăn tấm thép. Nguyên nhân vỡ đê có thể do vượt sức chứa của bãi rác lên đến 165% theo công suất thiết kế ban đầu. Tương tự, bãi rác Phương Thạnh (ở huyện Càng Long, Trà Vinh) chỉ rộng 1,4ha nhưng chứa hàng chục nghìn tấn rác, chất cao như núi. Đầu tháng 8/2023, người dân địa phương phản ánh mùi hôi từ bãi rác này bốc lên nồng nặc, nước rỉ đen ngòm tràn ra khu vực bên ngoài. Tại Bạc Liêu, bãi rác lớn nhất tỉnh rộng 2ha, hoạt động 14 năm qua với công suất tiếp nhận mỗi ngày hơn 100 tấn. Đến nay, rác chất cao khoảng 15m, vượt sức chứa 4 lần, mùi hôi thối lan đến các khu dân cư.

Rác chắn ngang Dự án đường cao tốc

Khi thực hiện Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, các địa phương không ngờ, công trình trọng điểm đi ngang bãi rác chôn lấp có từ 50 năm trước. Đó là bãi rác Đông Thạnh (toạ lạc tại phường Ba Láng, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) có diện tích khoảng 5ha, từng là nơi chứa rác cho cả thành phố. Đây vốn là bãi rác lâu đời ở Cần Thơ có lịch sử hơn 50 năm, dừng hoạt động hơn 20 năm qua. Mặc dù đã được cắt ngọn, vận chuyển đến bãi rác khác nhưng ước tính còn khoảng 21.000 tấn rác tồn đọng tại đây là thách thức đối với đơn vị thi công. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án cao tốc thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang qua Cần Thơ đã được địa phương giao mặt bằng thi công, tỷ lệ 98%. Ban đã chỉ đạo nhà thầu xây lắp khẩn trương huy động thiết bị, nhân sự để triển khai thi công. Đến nay đã đào 7/9,25km nền đường là chiều dài tuyến nối. Nhà thầu thi công hiện đang gặp vướng mắc tại bãi rác cũ ở phường Ba Láng, quận Cái Răng.

Bài 1: “Công nghệ” chôn lấp “tố” nhà đầu tư
Đê bao ở bãi rác Phú Hòa, Vĩnh Long có nguy cơ vỡ.

Sau khi khảo sát hiện trường đánh giá khả năng ảnh hưởng, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho rằng, cần nhanh chóng có phương án xử lý di dời bãi rác cũ. Ngoài ra, đoạn tuyến nối trên trùng với quy hoạch thuộc đường vành đai của Cần Thơ được bổ sung vào dự án cao tốc theo đề xuất của địa phương. Để đảm bảo hiệu quả khai thác, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị thành phố Cần Thơ quan tâm, chỉ đạo các sở ngành liên quan khẩn trương có giải pháp di dời, giải phóng mặt bằng bãi rác cũ để bàn giao mặt bằng sạch cho dự án. Nhiều ý kiến đề xuất, chuyển số rác này xuống bãi rác Tân Long và xử lý rác tại đây. Nhưng việc này phải được sự thống nhất của Cần Thơ, Hậu Giang bởi bãi rác Tân Long cũng vì ô nhiễm mà phải đóng cửa 10 năm qua. Và hiện nay, 21.000 tấn rác giải quyết như thế nào, chở về đâu chưa có quyết định cuối cùng. Chỉ tiếc là ngày qua ngày, bãi rác vẫn còn, công trình trọng điểm chậm tiến độ…

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, nhưng chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn còn ở mức cao (chiếm khoảng 70%), nhiều bãi chôn lấp không đáp ứng quy chuẩn môi trường.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích