Bài 1: Bắc Ninh thu hút vốn FDI bằng môi trường xanh, đô thị thông minh

(Xây dựng) – Sau hơn 5 năm thực hiện chủ đề “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch” đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định được vị thế trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng môi trường xanh, đô thị thông minh.

Bài 1: Bắc Ninh thu hút vốn FDI bằng môi trường xanh, đô thị thông minh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bắc Ninh thực hiện nghi thức khánh thành.

Môi trường xanh, đô thị thông minh

Trải qua một năm nhiều khó khăn biến động, lạm phát tăng cao, kinh tế đất nước đang trong quá trình phục hồi… tỉnh Bắc Ninh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, là sụt giảm về sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ lực, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện một số dự án đầu tư… một số vấn đề nội tại còn chưa xử lý dứt điểm, kết quả thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong tỉnh cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Nhưng trong dấu ấn chung của cả nước, tỉnh Bắc Ninh vẫn có những điểm sáng. Trong đó, sản xuất công nghiệp vẫn giữ vai trò chủ lực, đóng góp chủ yếu vào phát triển kinh tế toàn tỉnh.

Cụ thể, năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng gấp 2,8 lần về số dự án cấp mới; thành lập mới doanh nghiệp tăng 30,8% so với cùng kỳ 2022. Công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; tỷ trọng kinh tế số trên GRDP là 56,8%, đứng đầu cả nước…

Bài 1: Bắc Ninh thu hút vốn FDI bằng môi trường xanh, đô thị thông minh
Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Bắc Ninh đang thu hút vốn FDI bằng môi trường xanh, đô thị thông minh.

Về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị luôn được các cấp, các ngành của tỉnh Bắc Ninh quan tâm chỉ đạo sát sao, góp phần giúp diện mạo, cảnh quan từ đô thị đến nông thôn khởi sắc, thay đổi từng ngày. Tỉ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 60,3%, vượt 15,3% so với kế hoạch, cao hơn 18,5% so với bình quân chung cả nước.

Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, chiến lược được khánh thành và khởi công xây dựng. Việc thông xe cầu Kinh Dương Vương; khởi công dự án các đường tỉnh kết nối thành phố Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với Quốc lộ 3 mới, cầu Hà Bắc 2, đường Vành đai 4; khởi công dự án Khu công nghiệp Gia Bình II; VSIP II… thêm vào đó là việc đưa 3 nhà máy đốt rác phát điện công nghệ cao đi vào vận hành thử nghiệm. Tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm quốc gia, trọng điểm của tỉnh đã tạo thêm không gian phát triển mới, nguồn lực mới, cơ hội mới, động lực mới cho tỉnh.

Thời gian qua, với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị cùng quan điểm “giao thông đi trước một bước”, năm 2023, tỉnh đã được Bộ Công an lựa chọn và ban hành triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 87-NQ/TU, ngày 15/3/2023 về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”… và dồn lực tập trung hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch đô thị chung tỉnh đến năm 2045”; “Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, cũng góp phần tạo dư địa mới để tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn tỉnh Bắc Ninh tiến hành lập các quy hoạch phân khu. Trong đó, mục tiêu cốt lõi là phủ kín quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 cho toàn đô thị lõi phía Bắc sông Đuống và thị xã Thuận Thành. Đây là chủ trương lớn của Bắc Ninh nhằm phát triển tỉnh theo hướng hiện đại, môi trường xanh đáp ứng các mục tiêu phát triển đô thị thông minh và thu hút đầu tư.

Ngoài ra, các chương trình, chính sách phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh được triển khai kịp thời. Cải cách hành chính, chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 7; chỉ số xanh xếp thứ 3 cả nước. Giáo dục – đào tạo trở thành điểm sáng đáng tự hào của tỉnh, với thành tích dẫn đầu cả nước về thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với đủ bộ Huy chương Đồng, Bạc, Vàng; đứng thứ 5 toàn quốc về điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Nhìn lại những đấu mốc “nhiều lấp lánh” bên cạnh những sự sụt giảm thời gian qua của Bắc Ninh để thấy, tỉnh này có một nguồn “nội lực” rất lớn về nhân lực, vật lực để thu hút vốn đầu tư FDI.

Bài 1: Bắc Ninh thu hút vốn FDI bằng môi trường xanh, đô thị thông minh
Diện mạo, cảnh quan từ đô thị đến nông thôn khởi sắc, thay đổi từng ngày.

“Đất vàng” hút vốn FDI

Năm 2024, với sự lan tỏa tích cực từ các dự án FDI trước đó như Samsung, Canon, Foxconn… và nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp của tỉnh ngay từ những ngày đầu năm, quyết tâm thực hiện mục tiêu phấn đấu thu hút tổng vốn đầu tư FDI đạt trên 1,1 tỷ USD trong năm 2024, dòng vốn của các doanh nghiệp FDI ồ ạt tìm đến.

Theo báo cáo từ Cục Thống kê Bắc Ninh, 02 tháng đầu năm, thu hút vốn đầu tư FDI, số dự án đăng ký và vốn đăng ký tăng đột biến. Minh chứng là có thêm 78 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới (tăng 49 dự án) tăng 169% so với cùng kỳ (trong đó: Các nhà đầu tư từ Trung Quốc 46 dự án; Hồng Kông 14 dự án; Singapore 9 dự án) và 199,1 triệu USD vốn đăng ký mới tăng rất nhiều (tăng 67,5 triệu USD, tức tăng 51,3%). Riêng tháng 02, cấp mới đăng ký đầu tư cho 35 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 44,6 triệu USD…

Kết quả 2 tháng đầu năm, thu hút FDI của tỉnh Bắc Ninh tăng gấp 2,7 lần về số dự án cấp mới, tăng gấp 1,5 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; thu hút đầu tư trong nước tăng gấp 3 lần về số dự án cấp mới, tăng gấp 7,1 lần về số vốn đăng ký; thành lập mới doanh nghiệp tăng 24,8%, vốn đăng ký giảm 20%. Đây sẽ là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của tỉnh Bắc Ninh trong các giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, doanh thu du lịch 2 tháng đầu năm 2024 đạt 230 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cùng kỳ; tổng lượt khách 340.000 lượt, tăng 25,9% sẽ là động lực cho mục tiêu phấn đấu của ngành du lịch tỉnh Bắc Ninh, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đồng thời đưa Bắc Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Với nhiều quyết sách tích cực và chính sách cởi mở, thân thiện trong thu hút đầu tư, tỉnh Bắc Ninh hiện đang là điểm đến được các tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn lựa chọn. Đây vừa là cơ hội, vừa là động lực để Bắc Ninh từng bước tham gia mạnh mẽ vào hệ sinh thái bán dẫn trong nước và khu vực.

Đơn cử, tháng 10/2023, tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, Tập đoàn Amkor đã khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam sau 2 năm xây dựng. Ðây là nhà máy bán dẫn tiên tiến nhất của Amkor trên toàn cầu và là nhà máy bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam tới thời điểm này.

Tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD, nhà máy dự kiến tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động và tới năm 2035 sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động.

Bài 1: Bắc Ninh thu hút vốn FDI bằng môi trường xanh, đô thị thông minh
Nhà máy Samsung Bắc Ninh được cấp phép đầu tư năm 2008 với lĩnh vực sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị di động đặt tại Khu công nghiệp Yên Phong 1, Yên Phong, Bắc Ninh. Tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, trên diện tích 110ha. Đến nay, Sam Sung Bắc Ninh có khoảng 40.000 lao động và đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế của Hàn Quốc và Việt Nam.

Đánh giá về sự kiện trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, việc khánh thành và đi vào hoạt động nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam là dấu mốc khởi đầu quan trọng để tỉnh Bắc Ninh, chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn. Đây cũng là động lực mới trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Ninh trong những năm tiếp theo. Qua đó, tạo hiệu ứng, lan tỏa để thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Và mới đây nhất, ngày 01/3/2024, lễ khánh thành dây chuyền sản xuất mới của AkzoNobel tại Bắc Ninh đã được tổ chức. Dự án này bao gồm 5 dây chuyền sản xuất mới cho các dòng sơn bột tĩnh điện (Powder Coatings) và 1 dây chuyền sản xuất sơn phủ gốc nước cho ngành hàng điện tử tiêu dùng (Consumer Electronics).

Tổng số tiền đầu tư khoảng 18,5 triệu Euro, không chỉ giúp tăng năng suất về sản phẩm cho cả hai mảng kinh doanh, dự án còn giúp công ty đẩy mạnh mục tiêu sản xuất bền vững tại thị trường Việt Nam và trong khu vực.

Theo ông Jeff Jirak – Giám đốc phụ trách đơn vị sơn bột tĩnh điện AkzoNobel toàn cầu: “Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Sự kiện mở rộng thêm 5 dây chuyền sản xuất hiện đại tại Bắc Ninh, chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng cường nguồn cung, mang đến dịch vụ tối ưu hơn, thúc đẩy tương lai bền vững cho ngành sơn và chất phủ, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc Việt Nam. Quyết định này cũng cho phép khu vực sản xuất ở Đồng Nai tập trung tăng sản lượng ở phía Nam Việt Nam. Điều này giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất của chúng tôi để đáp ứng tối đa nhu cầu đa dạng của thị trường”.

Việc thu hút vốn FDI bằng môi trường xanh, đô thị thông minh, giúp Bắc Ninh đang dần khẳng định vị thế và trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Đây cũng là nguồn lực thúc đẩy cho tỉnh Bắc Ninh sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; là một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, với những kế hoạch dài hơi đó, Bắc Ninh chắc chắn sẽ phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, vật lực và làm tốt các vấn đề từ “nội lực” để giải bài toán đô thị thông minh, quy hoạch đô thị một cách bài bản và có chiều sâu.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích