Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Cần giải quyết mâu thuẫn trong việc thu hồi đất làm dự án Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây?

(Xây dựng) – Gia đình ông Hoàng Văn Khổn và gần 20 hộ dân tại địa chỉ Tổ dân phố Hoàng 10, phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) nằm trong diện có đất bị thu hồi để thực hiện dự án Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây. Tuy nhiên, trong các văn bản của cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm lại cho rằng việc thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu nghị.

Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Cần giải quyết mâu thuẫn trong việc thu hồi đất làm dự án Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây?
Khu vực nhà dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây.

Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn kêu cứu của gia đình ông Hoàng Văn Khổn, bà Phạm Thị Thạo và gần 20 hộ dân tại địa chỉ Tổ dân phố Hoàng 10, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội về việc bị thu hồi đất để thực hiện dự án Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây nhưng trong các văn bản của cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm lại khẳng định: Việc thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu nghị tại phường Cổ Nhuế 1. Từ những mâu thuẫn trên, các hộ dân đã gửi đơn kiến nghị và mong muốn UBND quận Bắc Từ Liêm công khai tính pháp lý, vị trí và mục đích của dự án.

Theo hồ sơ tài liệu được biết, ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 281/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Quyết định này không phê duyệt dự án Công viên Hữu nghị). Sau đó, UBND thành phố Hà Nội đã căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng để ban hành Quyết định số 146/QD-UBND ngày 11/01/2008 về việc thu hồi đất để chuẩn bị thực hiện dự án Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị.

Ngày 24/03/2010, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội ban hành Văn bản số 822/QHKT – HTKT về việc giới thiệu địa điểm xây dựng Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây, trong đó có nêu: “Sở đề xuất giới thiệu địa điểm xây dựng Trạm biến áp 110KV trong khu đất hạ tầng kỹ thuật đầu mối (ký hiệu 07-KT1) xác định tại hồ sơ quy hoạch sử dụng đất Khu đô thị mới Tây Hồ Tây. Khu đất này hiện tại là đất trồng hoa màu, phía Tây, phía Nam giáp mương thoát nước và khu dân cư khá thuận tiện về giao thông”.

Tiếp đó, ngày 09/4/2010, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 2384/UBND-CT gửi Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Công ty Điện lực Hà Nội về việc chấp thuận đề nghị của Sở Quy hoạch – Kiến trúc tại Văn bản số 822/QHKT – HTKT, đồng ý bố trí địa điểm xây dựng Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây trong khu đất hạ tầng kỹ thuật đầu mối ký hiệu 07-KT1, thuộc Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Hồ Tây đã được UBND thành phố phê duyệt.

Đến ngày 15/12/2016, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã ban hành Văn bản 7613/QHKT-TMB-PAKT chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc thì công trình Trạm biến áp 110KV có phạm vi ranh giới: “Phía Tây giáp tuyến đường vào trạm bơm nước thải TB3; phía Bắc giáp trạm bơm nước thải TB3; phía Đông giáp tuyến đường số 3 – Khu đô thị mới Tây Hồ Tây. Hiện trạng: Đất có công trình cao 1-4 tầng”.

Bên cạnh đó, tại các Văn bản của UBND quận Bắc Từ Liêm số 3436 ngày 7/11/2019, số 2258 ngày 14/7/2021, số 4111 ngày 9/11/2021, số 1766 ngày 22/6/2022, số 1023 ngày 29/9/2022; Văn bản số 900 và 901 ngày 01/10/2022 của UBND phường Cổ Nhuế 1 đều khẳng định mục đích thu hồi đất của ông Hoàng Văn Khổn, bà Phạm Thị Thạo và 1 số hộ để thực hiện dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị.

Tuy nhiên, ngày 10/12/2021, UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành Văn bản số 3957 trả lời đơn kiến nghị của ông Khổn, bà Thạo lại khẳng định vị trí đất của ông Khổn, bà Thạo “nằm trong chỉ giới GPMB thực hiện dự án thuộc vị trí khu đất Công viên Hữu Nghị, nay được UBND thành phố chấp thuận bố trí địa điểm để xây dựng Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây và nhánh rẽ tại Văn bản số 2384/UBND-CT ngày 9/4/2010”.

Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Cần giải quyết mâu thuẫn trong việc thu hồi đất làm dự án Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây?
Theo phản ánh của người dân, chính quyền đã thực hiện cưỡng chế khi họ không có ở nhà?

Chính vì sự mâu thuẫn trong các văn bản nêu trên khiến người dân không rõ đất của họ bị thu hồi thực chất để làm dự án nào và thực tế vị trí của trạm biến áp đặt ở đâu, ở trong khuôn viên đất dự án bảo tàng và công viên hay trong khu đô thị Tây Hồ Tây?

“Cho đến nay, chúng tôi chưa biết rõ đất bị thu hồi để làm dự án nào và thực tế vị trí của trạm biến áp đặt ở đâu, trong khuôn viên đất dự án Bảo tàng hay trong Khu đô thị Tây Hồ Tây. Và nếu đất thu hồi dùng để làm dự án trạm biến áp thì cần phải có quyết định điều chỉnh mặt bằng, điều chỉnh chủ trương dự án, điều chỉnh tính chất của dự án, điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Bởi trước đó, khu vực này được quy hoạch để xây dựng bảo tàng, công viên. Nhưng đến nay, chúng chưa nhận được các văn bản pháp lý liên quan đến dự án trạm biến áp mà chỉ có các tài liệu thể hiện UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận vị trí xây dựng Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây tại khu đất hạ tầng kỹ thuật đầu mối, ký hiệu 07-KT1, thuộc Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Hồ Tây. Phải chăng vị trí của dự án trạm biến áp đang được đặt sai vị trí”, ông Khổn cho biết.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Ngọc Vĩ – Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 cho biết: “Phường thực hiện theo phân cấp, chỉ đạo từ quận và Thường trực Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng. Liên quan đến việc cưỡng chế đối với các hộ dân, thời điểm đó tôi chưa về nhận công tác nên không nắm rõ, tuy nhiên, theo tôi được biết thì người dân đã tự nguyện bàn giao”.

Dưới góc nhìn pháp lý về sự việc trên, luật sư Lê Trung Sơn – Công ty Luật hợp danh Niềm Tin Việt (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: Căn cứ vào các tài liệu liên quan đến việc thu hồi đất của các hộ dân tại ngõ 354 Trần Cung, Tổ dân phố Hoàng 10, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để thực hiện dự án “Xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia và Công viên Hữu Nghị (nhưng thực tế là để xây dựng trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây), chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề chưa rõ ràng, chồng chéo về pháp lý khi thu hồi đất.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, điều kiện thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được thực hiện trong các trường hợp: Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất; Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất; Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất.

Được biết, ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 281/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. (Quyết định này không phê duyệt dự án Công viên Hữu Nghị). Nếu UBND Thành phố Hà Nội căn cứ Quyết định này để thu hồi đất cho dự án “Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia” là đúng pháp luật.

Tuy nhiên, tại Quyết định số 146/QĐ-UBND ngày 11/01/2008 của UBND Thành phố Hà Nội lại căn cứ vào Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia để thu hồi đất cho cả dự án “Công viên Hữu Nghị”. Câu hỏi đặt ra là Dự án Công viên Hữu Nghị đã được cấp có thẩm quyền (Quốc hội, Thủ tướng hoặc Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội) chấp thuận (quyết định) theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai trước khi UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định thu hồi đất số 146/QĐ-UBND ngày 11/01/2008 hay chưa? Nếu có tại sao trong phần căn cứ để ban hành Quyết định 146/QĐ-UBND không dẫn chiếu? Trường hợp chưa có Quyết định chấp thuận của cấp có thẩm quyền mà thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Công viên Hữu Nghị (một dự án độc lập) là không đúng pháp luật.

“Vì vậy, UBND quận Bắc Từ Liêm căn cứ vào Quyết định số 281/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Quyết định thu hồi đất số 146/QĐ-UBND ngày 11/01/2008 của UBND Thành phố Hà Nội để thu hồi đất của các hộ dân nhằm thực hiện dự án “Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị” trong khi Quyết định 146/QĐ-UBND còn có nhiều điểm bất cập như đã nêu ở trên, theo tôi là chưa đúng pháp luật”, luật sư Lê Trung Sơn cho hay.

Cũng theo bản vẽ Chỉ giới đường đỏ tỷ lệ 1/500 do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập ngày 07/5/2007 cho dự án “Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia” được Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội chấp thuận ngày 18/5/2007 thì vị trí khu đất UBND quận Bắc Từ Liêm thu hồi để xây dựng Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây không nằm trong chỉ giới dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Từ những mâu thuẫn nêu trên, người dân có quyền đặt câu hỏi, có hay không việc sử dụng pháp lý của dự án này để thu hồi đất cho dự án khác? Để đảm bảo việc thu hồi đất đúng quy định của pháp luật, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội và các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ, qua đó, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích