Bác sĩ chỉ ra những kiểu ăn rau không tốt cho sức khỏe
Theo thông tin từ Bệnh viện Vinmec, các loại rau màu xanh như rau ngót, rau cải, rau muống chứa nhiều vitamin C, K và folat, trong khi rau quả màu sắc như rau dền, cải tím, cà chua, bông cải, ớt chuông giàu vitamin C, beta-carotene và flavonoids, tác dụng giảm quá trình oxy hóa, cung cấp sức đề kháng cho cơ thể và ngăn ngừa bệnh lý.
Hầu hết các loại rau đều chứa rất ít chất béo và calo tự nhiên. Trong rau hoàn toàn không có cholesterol. Rau cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng và cần thiết, phổ biến nhất là kali. Các nguồn thực vật có hàm lượng kali cao gồm có khoai tây, khoai lang, củ cải đường, rau bina, cà chua và các sản phẩm từ cà chua, các loại đậu như đậu trắng, đậu lăng, đậu lima, đậu tây, đậu nành.
Rau cũng là nguồn bổ sung chất xơ dồi dào. Ngoài ra, rau trái còn cung cấp các dưỡng chất và vitamin quan trọng khác cho cơ thể như folate (hay còn gọi là axit folic), vitamin A và vitamin C.
Có rất nhiều lý do cho biết tại sao nên ăn nhiều rau và trái cây hàng ngày. Hiện nay cũng đã và đang có rất nhiều nghiên cứu chứng minh, ăn rau trái rất quan trọng giúp tăng cường sức khỏe. Vì vậy, mọi người cần ăn nhiều hơn trái cây và rau, thậm chí là tăng gấp đôi lượng trái cây và rau quả mỗi ngày. Tuy nhiên, có 3 kiểu ăn rau nên tránh vì có nguy cơ gây hại sức khỏe.
Ăn rau sống
ThS.BS Đặng Ngọc Hùng (Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng) chia sẻ: Đúng là thực phẩm nào càng tự nhiên, càng ít qua sơ chế thì sẽ giữ lại được hầu hết các loại vitamin, khoáng chất… Như vậy, chúng ta dễ dàng nhận hết giá trị của thực phẩm đó.
“Tuy nhiên ngày nay, thực phẩm thường được sản xuất với số lượng lớn. Đồng thời được vận chuyển đi phân phối ở những nơi xa nhất… Do đó, người trồng trọt và người bảo quản đã sử dụng một số chất bảo quản, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng nhằm mục đích để tăng hiệu suất của thực phẩm lên. Tuy nhiên khi ăn những chất đó, con người ăn vào sẽ tích lũy và gây hại”.
ThS.BS Đặng Ngọc Hùng nói các gia đình không nên lạm dụng việc ăn rau sống. Chỉ nên ăn rau sống khi đó là rau tự trồng, rau organic, rau có nguồn gốc rõ ràng… Ngược lại nếu là rau mua ngoài chợ, chưa rõ về quy trình trồng trọt và vận chuyển thì tốt nhất nên nấu chín để dùng. Bởi nhiệt độ và nước nóng có thể làm bay hơi một số chất hóa học có trong rau.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh, khi ra ngoài ăn bún phở mọi người cũng nên yêu cầu chủ quán trụng rau bằng nước nóng chứ không nên ăn rau sống.
Không nên ăn nhiều rau sống vì có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Ăn rau thừa từ đêm hôm trước
Nhiều gia đình có thói quen để lại phần rau ăn thừa từ tối hôm trước, sử dụng cho bữa sáng hoặc bữa trưa ngày hôm sau. Tuy nhiên, rau xanh vốn là thực phẩm chứa nhiều nitrat, nếu để qua đêm hàm lượng nitrat sẽ dễ biến đổi thành nitrite – chất gây ung thư.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, các loại rau như súp lơ, rau bina, rau cải thìa, bông cải xanh, củ cải, cà rốt, cần tây… chứa nhiều nitrat hơn các loại rau khác. Tốt nhất các gia đình không nên ăn rau đã nấu chín quá 4 tiếng, nếu còn thừa, bạn nên dứt khoát đổ bỏ nó đi.
Ăn nhiều rau củ muối
Mang rau củ đi muối chua cũng là một hình thức chế biến rau củ mà người Việt thường áp dụng. Phương pháp này giúp bảo quản rau được lâu hơn, đồng thời đem lại hương vị chua nhẹ, hơi mặn, rất đưa cơm.
Tuy nhiên, việc sử dụng các loại rau được chế biến theo hình thức này lại không được giới chuyên gia khuyến khích. Bởi lẽ các loại rau này chứa nhiều muối, không tốt cho quá trình ổn định huyết áp, đường huyết.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định các thực phẩm càng chứa nhiều muối càng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Bởi muối có thể gây làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, tăng sự phát triển của vi khuẩn HP và cuối cùng tạo thành ung thư.
Dưa củ muối chỉ nên sử dụng hạn chế. Thay vì lựa chọn các loại rau củ muối thì các món rau hấp, luộc là cách chế biến rau được các chuyên gia sức khỏe khuyến khích.
Ngọc Nga (T/h)