Bác sĩ cảnh báo: Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ bị ung thư da

Ung thư da là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Hầu hết các trường hợp có khối u ác tính đều là do tiếp xúc với tia cực tím (tia UV) từ ánh mặt trời trong thời gian quá dài và từ đó làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư da.

Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao vào mùa hè và theo các chuyên gia thì nó có thể làm tăng số lượng người mắc ung thư da bao gồm cả các trường hợp hình thành khối u ác tính, trường hợp nghiêm trọng nhất trong các loại ung thư da. Làn sóng nhiệt ở Mỹ là một ví dụ điển hình cho sự nóng lên toàn cầu và các nhà khoa học khí hậu đã tuyên bố rằng đó không phải là một sự kiện ngẫu nhiên mà sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian tới.

 Biến đổi khí hậu, toàn cầu nóng lên làm tăng nguy cơ mắc ung thư da. Ảnh: EcoWatch

Điều khiến các bác sĩ lo lắng hiện nay là khi nhiệt độ tăng cao, nếu con người ở ngoài trời trong thời gian dài hơn thì lượng UV tiếp xúc với da cũng như nguy cơ mắc ung thư da sẽ theo đó mà tăng lên.

Theo chuyên gia nghiên cứu về khí hậu của Đại học Bristol (Anh), giáo sư Dann Mitchell: “Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu chính là sự tăng lên của nhiệt độ, không chỉ là mùa hè mà là trong suốt cả một năm. Sự thay đổi của nhiệt độ sẽ kéo theo cả sự thay đổi trong hành vi, người dân Mỹ thường thích đi ra ngoài hơn khi thời tiết trở nên nóng nực. Điều này sẽ làm tăng sự tiếp xúc của da với tia UV, một phần của ánh mặt trời và cũng là một trong những nhân tố gây ung thư da.”

Julia Newton Bishop, người đứng đầu của nhóm nghiên cứu về khối u ác tính ở Đại học Leeds (Anh), đã bày tỏ, vì về cơ bản thì các khối u ác tính được hình thành do tiếp xúc với ánh mặt trời trong thời gian dài và nhiệt độ tăng cao sẽ làm kéo theo cả sự tăng cao của các ca cháy nắng, từ đó làm tăng các trường hợp hình thành khối u ác tính.

Quỹ Quốc tế Nghiên cứu Ung thư Thế giới cho biết, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có liên quan đến 86% số các trường hợp mắc ung thư có khối u ác tính và 90% số các trường hợp mắc các loại ung thư khác không có khối u ác tính. Vào năm 2020, hầu hết các trường hợp có khối u ác tính đều được phát hiện ở Úc. Và từ những đầu những năm 90, số lượng ca mắc ung thư da ở Mỹ tăng 140%.

Cho dù chỉ bị cháy nắng một lần mỗi hai năm thì nguy cơ mắc phải ung thư da cũng có thể tăng lên gấp 3 lần, giám đốc điều hành Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh Michelle Mitchell cho biết.

Giáo sư Mitchell cũng bày tỏ rằng, hiện tượng biến đổi khí hậu còn có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe về lâu dài mà ngay cả các nhà khoa học cũng chưa tìm ra hay hiểu hết.

“Điều này là bởi vì chúng tôi không thể khẳng định được rằng một sóng nhiệt cụ thể nào đó có thể gây ra một bệnh ung thư nào đó. Những gì được nghiên cứu là mối liên hệ giữa sự gia tăng của những ngày nắng nóng với sự tăng lên của nguy cơ mắc ung thư, mà sự gia tăng của những ngày nắng nóng là một trong những dấu hiệu cụ thể nhất của biến đổi khí hậu”, giáo sư Mitchell chia sẻ.

Sarah Danson, giáo sư Ung thư Y khoa tại Đại học Sheffield (Anh) cho biết, các bước cơ bản để giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bao gồm đội mũ và mặc áo, tránh ánh nắng ở khung giờ từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều, thoa kem chống nắng và ngồi trong bóng râm. Danson cho biết nên tìm lời khuyên của bác sĩ ngay lập tức khi có phát hiện bất kỳ nốt ruồi mới hoặc thay đổi nào, vì chẩn đoán sớm chính là chìa khóa để đối phó với ung thư da.

Theo nhận định của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), trong những thập kỷ tới, Việt Nam sẽ nằm trong số các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu toàn cầu.

Một số lượng lớn các nghiên cứu cho thấy Việt Nam đang trải qua biến đổi khí hậu và sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng trong những thập kỷ tới.

Những tác động tiêu cực này bao gồm mực nước biển dâng, xâm nhập mặn và các vấn đề thủy văn khác như lũ lụt, diễn biến cửa sông, bồi lắng cũng như tần suất gia tăng của các thiên tai như sóng lạnh, triều cường đều sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và kinh tế của đất nước bao gồm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng đường bộ, v.v.

Một số vấn đề như sụt lún đất (do khai thác nước ngầm quá mức) làm trầm trọng thêm một số tác động mà biến đổi khí hậu sẽ mang lại (mực nước biển dâng), đặc biệt là ở các khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và người dân đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để giảm thiểu và thích ứng với tác động.

Vân Thảo (Theo EcoWatch)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích