Bắc Ninh từng bước khẳng định vị thế cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng
Là địa bàn có diện tích nhỏ nhất cả nước, nhưng với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, đặc biệt nhờ sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, định hướng thu hút đầu tư, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bắc Ninh đang có những bước đi vững chắc, từng bước khẳng định vị thế cực phát triển của vùng Thủ đô và Đồng bằng sông Hồng.
Một góc thành phố Bắc Ninh. |
Tỉnh Bắc Ninh đang nỗ lực phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2027 và thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. Trong tiến trình đó, thành phố Bắc Ninh được xác định là đô thị hạt nhân của đô thị lõi, là quận trung tâm và là một cực tăng trưởng vùng, bảo đảm liên kết, thúc đẩy phát triển giữa các chùm, chuỗi đô thị trong tỉnh và vùng Thủ đô Hà Nội.
“Cực tăng trưởng thu nhỏ’’
Thành phố Bắc Ninh mang đến nhiều thiện cảm cho những người ghé thăm bởi không gian đô thị được quy hoạch và phát triển theo hướng bền vững với nhiều không gian xanh và không gian công cộng. Dọc trục đường chính Lý Thái Tổ-Lê Thái Tổ luôn rực rỡ cờ hoa, hàng loạt công trình cao tầng có tầm vóc và quy mô cùng các dịch vụ tiện ích đi kèm đã mang lại diện mạo đô thị khang trang, hiện đại, khiến nhiều người không thể hình dung “thị xã đèn dầu” của gần 30 năm trước.
Đến nay, toàn thành phố có hơn 55% tuyến phố đạt tiêu chí văn minh đô thị. Nhiều không gian công cộng ban ngày như các khu công viên, vườn hoa cây xanh Nguyên Phi Ỷ Lan, Nguyễn Văn Cừ, Hữu Nghị, Hoàng Quốc Việt; trung tâm văn hóa Kinh Bắc, hồ điều hòa Văn Miếu… với quy chuẩn của đô thị trung tâm-đô thị lõi đã thành không gian văn hóa về đêm được đông đảo người dân trong tỉnh và du khách đón nhận.
Chị Nguyễn Thanh Nga, du khách Hà Nội tới Bắc Ninh nhận xét: “Thành phố Bắc Ninh sạch, đẹp, phát triển nhanh, hiện đại, nhưng vẫn chú trọng giữ gìn đầu tư nhiều công trình văn hóa, giáo dục, công viên, cây xanh cùng với hệ thống giao thông thuận tiện và cách Hà Nội có hơn 40 km, cho nên gia đình tôi thường xuyên ghé thăm. Hy vọng trong tương lai, thành phố Bắc Ninh sẽ trở thành đô thị kiểu mẫu, thành phố hội nhập đáng sống”.
Nhận thức được vai trò quan trọng là tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thời gian qua, thành phố Bắc Ninh tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đẩy mạnh công tác quy hoạch; hệ thống hạ tầng đô thị, không gian xanh, sinh thái được chú trọng, tạo nguồn lực có tính đột phá.
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn duy trì ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng kinh tế đô thị, tỷ trọng thương mại-dịch vụ, công nghiệp-xây dựng hiện nay chiếm hơn 97%. Đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 140 triệu đồng/năm.
Bí thư Thành ủy Bắc Ninh Tạ Đăng Đoan chia sẻ: Nhận thức sâu sắc vai trò, vị thế “đầu tàu”, “bứt phá”, “động lực” của thành phố trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Bắc Ninh, với quan điểm lấy cuộc sống người dân là trung tâm của sự phát triển, thời gian tới, thành phố Bắc Ninh xác định sẽ phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gắn với nhận diện và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.
Trên cơ sở đó, thành phố sẽ tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị, lấy thương mại-dịch vụ làm mũi nhọn; kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường…
Hiện thực hóa tiềm năng phát triển
Ngày 4/5/2024, tại Quyết định 368/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó Bắc Ninh là một trong bốn cực tăng trưởng cùng với Thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng. Theo quy hoạch, Bắc Ninh giữ vai trò là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng, là địa phương kết nối trên tuyến hành lang công nghiệp Quốc lộ 18.
Trước đó, Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định rõ mục tiêu: Đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía bắc; một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.
Quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc… Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để Bắc Ninh từng bước hiện thực hóa tiềm năng phát triển của địa phương.
Xác định lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng cho phát triển kinh tế, trong đó ưu tiên các dự án có chất lượng cao, tạo tác động lan tỏa và hướng tới giải quyết việc làm cho lao động có tay nghề, qua mỗi giai đoạn, Bắc Ninh đều có sự linh hoạt điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư, với nhiều cơ chế, góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế.
Quy mô kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa Bắc Ninh được lựa chọn trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ. Hiện quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ chín trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Xuân thông tin: Sáu tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh đã bứt phá với tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 2,32% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 68,9%.
Đặc biệt, Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư với tổng vốn đầu tư thu hút đạt 2,65 tỷ USD. Lũy kế đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút hơn 2.300 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt gần 28 tỷ USD, đến từ 41 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động dồi dào, Bắc Ninh đã và đang khẳng định được vị thế một trung tâm công nghiệp lớn của vùng và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến khởi công mới 16 dự án giao thông trọng điểm và triển khai 49 dự án giao thông cấp huyện, nhằm hoàn thiện đồng bộ mạng lưới giao thông nội tỉnh với mạng lưới giao thông kết nối vùng để biến các tiềm năng, cơ hội thành lợi thế phát triển.
Hiện công tác quy hoạch và phát triển đô thị của tỉnh được tập trung cao, cơ bản hoàn thành 25 trên tổng số 26 đồ án quy hoạch phân khu, qua đó bảo đảm điều kiện pháp lý để thu hút các dự án đầu tư.
Một tin vui với các nhà đầu tư, khi tỉnh Bắc Ninh vừa công bố công khai danh mục 167 dự án thu hút đầu tư năm 2024, định hướng đến năm 2030, với diện tích sử dụng đất khoảng 11.638 ha, trong đó có 83 dự án thuộc lĩnh vực nhà ở, khu đô thị, 36 dự án lĩnh vực thương mại dịch vụ, 27 dự án lĩnh vực nhà ở xã hội; 12 dự án lĩnh vực hạ tầng khu, cụm công nghiệp…
Một lần nữa tỉnh khẳng định cam kết “Bắc Ninh sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án”. Các quy hoạch, dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vương Quốc Tuấn nhìn nhận: Bên cạnh những lợi thế, Bắc Ninh đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, khi các yếu tố lợi thế so sánh của tỉnh so với các địa phương ngày càng bị thu hẹp; nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, sức mạnh nội tại của doanh nghiệp địa phương còn nhỏ bé.
Cùng với đó là những bất cập phát sinh trong quá trình phát triển như tăng dân số cơ học lớn, hạ tầng chưa theo kịp, ô nhiễm môi trường… trong khi năng lực, tinh thần hành động và cả động lực làm việc của một bộ phận cán bộ còn chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đồng chí Vương Quốc Tuấn khẳng định, Bắc Ninh sẽ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nâng cao năng lực điều hành, quản trị của chính quyền địa phương các cấp trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hiện thực hóa quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng chiến lược, hoàn thiện hệ thống giao thông.
Với quan điểm lấy đầu tư công làm định hướng dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực đầu tư xã hội tham gia vào quá trình phát triển của tỉnh, Bắc Ninh sẽ nỗ lực cao nhất phát triển hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ-du lịch, tiếp tục cải thiện và nâng cao vị thế của trung tâm sản xuất công nghiệp trên nền tảng sản xuất thông minh, gắn với chuyển đổi phát triển xanh, là địa phương động lực vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nguồn: Báo xây dựng