Bắc Ninh: Thành lập Hội đồng và Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đã ký ban hành Văn bản số 226/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng và Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Ninh năm 2024.
Theo đó, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP có 09 thành viên, ông Vương Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh được phân công làm Chủ tịch Hội đồng, ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm Phó Chủ tịch Hội đồng và 07 thành viên.
Tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP có 08 người, ông Lưu Văn Khải – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn được phân công làm tổ trường.
Nhiệm vụ của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2024; Báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kết quả đánh giá, phân hạng; đề xuất sản phẩm có khả năng đạt 5 sao (năm sao) tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương;
Tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ căn cứ hồ sơ đề xuất đánh giá sản phẩm cấp tỉnh do UBND cấp huyện chuẩn bị; thẩm định hồ sơ, tổ chức đánh giá sản phẩm; Tổng hợp kết quả đánh giá, xây dựng báo cáo trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và tham mưu, giúp việc cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Hội đồng và Tổ tư vấn Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Tính đến tháng 11/2023, Bắc Ninh có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 59 sản phẩm đạt 4 sao (chiếm 63,4%) và 34 sản phẩm đạt 3 sao (chiếm 36,6%). Các sản phẩm OCOP được công nhận chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, sản phẩm đồ lưu niệm và trang trí.
Trong giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên được công nhận, ít nhất có 2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; đạt 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể OCOP là doanh nghiệp; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 25 sản phẩm OCOP được công nhận… đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu