Bắc Ninh: Quyết liệt các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy
Bắc Ninh: Quyết liệt các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy
Từ đầu năm 2024, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bắc Ninh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn.
Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ PCCC, ngay từ đầu năm, đơn vị chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, xây dựng kế hoạch tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn PCCC.
Nổi bật là kiểm tra an toàn PCCC đối với các công trình đang thi công; kiểm tra việc thực hiện quy định về điều tra, xử lý cháy nổ; phối hợp thí điểm hệ thống cảnh báo cháy nhanh GSALE; đánh giá các cơ sở không đạt yêu cầu PCCC trước khi Luật PCCC có hiệu lực; tổ chức tuyên truyền, thực hành chữa cháy và CNCH.
Công tác nghiệp vụ và quản lý cơ sở về PCCC được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt trong việc rà soát, đảm bảo không bỏ sót các cơ sở thuộc diện quản lý. Hiện toàn tỉnh có 21.516 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC được triển khai mạnh mẽ. Đã kiểm tra 1.843 lượt, kiến nghị khắc phục 1.103 tồn tại về PCCC và CNCH, xử phạt 121 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng.
Về tình hình cháy, nổ và sự cố tai nạn, xảy ra 30 vụ, làm 1 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 400 triệu đồng. Đã làm rõ nguyên nhân 26/30 vụ. Kết quả đã kịp thời cứu được 15 người bị mắc kẹt trong các đám cháy, bảo vệ được hàng tỷ đồng tài sản cho doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC và CNCH còn một số mặt tồn tại, hạn chế: Lãnh đạo nhiều đơn vị, địa phương, người đứng đầu cơ sở chưa thật sự quan tâm, thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền về công tác PCCC; chưa thực hiện tốt chế độ tự kiểm tra, chưa quan tâm đầu tư, trang bị và duy trì các điều kiện đảm bảo cho an toàn PCCC; công tác xử lý vi phạm thiếu kiên quyết; công tác đầu tư cho hoạt động PCCC về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí nên đầu tư còn khiêm tốn; việc xử lý các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC được đưa vào sử dụng trước Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp lớn về công tác PCCC và CNCH. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:
Tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH cấp bộ phối hợp nhiều lực lượng tham gia tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam; tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện, xem xét trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, tổ chức, đơn vị buông lỏng quản lý nhà nước về PCCC; tham mưu Giám đốc Công an tỉnh trình UBND tỉnh ban hành Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trong tỉnh; xây dựng, nhân rộng và duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình phong trào toàn dân PCCC tại địa phương.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị