Bắc Ninh: Quản lý, khai thác, sử dụng đất đai phù hợp thực tiễn

Bắc Ninh: Quản lý, khai thác, sử dụng đất đai phù hợp thực tiễn

Tài nguyên đất đai là nền tảng của sự phát triển. Chính vì vậy, đòi hỏi sự tăng cường lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, sự tham gia của các cấp, ngành và người sử dụng đất để quản lý, khai thác hiệu quả cho mục tiêu phát triển.

tm-img-alt
Quản lý chặt, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, tạo sự phát triển. Ảnh minh hoạ

Trước thực tế vi phạm đất đai ở các địa phương diễn ra trong nhiều năm, khó giải quyết, trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu tỉnh ban hành các Nghị quyết, Kết luận, Kế hoạch về tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phối hợp giải quyết, xử lý đối với các trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền; sử dụng đất lấn, chiếm; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, nhằm ổn định tình hình địa phương, góp phần siết chặt quản lý đất đai, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm pháp luật đất đai, tạo đà cho sự phát triển hài hoà, bền vững. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch số 168 thực hiện Chương trình hành động số 43 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Sở Tài nguyên và môi trường thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về quản lý đất đai theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh: Hoàn thành việc lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp tỉnh; hoàn thành công tác thống kê đất đai năm 2022; triển khai thực hiện Dự án chi tiết xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thị xã Quế Võ; tiến hành rà soát các dự án được UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa xác định giá đất cụ thể; các dự án xây dựng khu nhà ở đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất nhưng do điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết mà chưa xác định bổ sung tiền sử dụng đất; các dự án không đưa, hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, vi phạm pháp luật về đất đai; tổng hợp kết quả đóng góp ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)… tạo hành lang pháp lý quan trọng để giải quyết các trường hợp, vụ việc liên quan đến đất đai, góp phần khơi thông nguồn lực phát triển.

Các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện; phối hợp xây dựng thiết kế dự án “Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia các tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 tỉnh Bắc Ninh, làm căn cứ để quản lý, sử dụng đất đúng mục đích về lâu dài, tránh nảy sinh các vụ việc vi phạm đất đai phức tạp, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, khó giải quyết như ở thời điểm trước. Bám sát nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023 chính là việc triển khai thực hiện Kết luận số 739-KL/TU và số 740-KL/TU ngày 12-6-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xử lý các trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền, sử dụng đất lấn, chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất dân cư dịch vụ trên địa bàn tỉnh; các kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện nội dung trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành tổ chức Hội nghị tập huấn cho các huyện, thị xã, thành phố các quy định của pháp luật có liên quan để giải quyết các trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền; trường hợp sử dụng đất lấn, chiếm; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác để chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn, tháo gỡ, xử lý vi phạm; xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp đủ điều kiện theo quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân các quy định của pháp luật về đất đai; yêu cầu các địa phương rà soát, phân loại từng trường hợp, thời điểm vi phạm; giao việc cụ thể cho cơ quan, cán bộ thực hiện; xây dựng lộ trình, thời gian hoàn thành, gắn với bình xét thi đua, khen thưởng ở các cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ xử lý vi phạm đất đai được giao.

Lộ trình đặt ra trong năm 2024, phải hoàn thành việc phân loại đối với các trường hợp đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; hoàn thành việc đăng ký đất đai đối với tất cả các trường hợp này để quản lý; đến năm 2025, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp đủ điều kiện mà chủ sử dụng đất có yêu cầu và phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Thanh Hẳng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích