Bắc Ninh: Huy động toàn lực khắc phục sạt lở đê sau bão số 3
(Xây dựng) – Sau ảnh hưởng của bão số 3, nhiều tuyến đê tại Bắc Ninh bị sạt lở nghiêm trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi đã trực tiếp thị sát hiện trường và chỉ đạo công tác khắc phục khẩn cấp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi trực tiếp kiểm tra tình hình sạt lở, nứt vỡ tại các tuyến đê trên địa bàn huyện Tiên Du vào sáng 9/9. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi đã trực tiếp kiểm tra tình hình sạt lở tại các tuyến đê tại 3 xã trên địa bàn huyện là Đông Phong, Long Châu và Trung Nghĩa tại tuyến đê sông Ngũ Huyện Khê.
Trao đổi nhanh với Báo điện tử Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng và triển khai các biện pháp xử lý khẩn cấp; kiểm tra toàn diện tuyến đê sông Ngũ Huyện Khê.
Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi đánh giá, mặc dù huyện Yên Phong và Tiên Du đã chủ động xử lý một số điểm sạt lở, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vị trí đê bị nứt, trượt cần được khắc phục ngay.
UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu hai huyện Tiên Du và Yên Phong tập trung tối đa nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để xử lý triệt để các sự cố. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, về các giải pháp lâu dài nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi chỉ đạo trực tiếp gia cố đê bằng tre tươi tại các đoạn đê thuộc địa phận xã Long Châu, huyện Yên Phong. |
Sau khi bão số 3 quét qua, mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại một số điểm dọc đê sông Ngũ Huyện Khê, huyện Yên Phong. Cụ thể, các đoạn K22+180 và K22+310 thuộc xã Long Châu đã bị sạt trượt với chiều dài lần lượt là trên 60m và 30m. Tương tự, tại xã Trung Nghĩa, các vị trí K23+450 và K20+20 cũng ghi nhận tình trạng sạt trượt nghiêm trọng, mỗi đoạn dài 25m.
Tại địa điểm gia cố đê do sạt, lún, Chủ tịch UBND xã Long Châu Nguyễn Văn Thái chia sẻ: “Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND huyện Yên Phong với phương châm “4 tại chỗ”, UBND xã Long Châu đã chỉ đạo huy động toàn bộ hệ thống chính trị và các nguồn lực để giải quyết sự cố sạt lở mái đê.
Xã đã sử dụng khoảng hơn 500 thân tre tươi và hơn 2.000 bao cát để gia cố các điểm sạt lở. Ngoài ra, lực lượng xung kích xã hội, dân quân, bảo vệ an ninh, trật tự và người dân cũng được huy động để tham gia khắc phục hậu quả. Công tác khắc phục đã được triển khai khẩn trương từ 8h tối hôm trước đến 2h sáng hôm sau. Dự kiến, việc xử lý sẽ hoàn tất vào khoảng 2h chiều cùng ngày”.
Chủ tịch UBND xã Long Châu cũng thông tin thêm, một trong hai điểm sạt lở tại xã đã từng xảy ra cách đây khoảng 2 năm nhưng do mực nước lũ lần này cao hơn nên các giải pháp trước đó không còn hiệu quả, đòi hỏi phải có phương án xử lý mới.
Với phương châm “4 tại chỗ” huyện Yên Phong đã tập trung huy động mọi lực lượng, phương tiện, thiết bị nhanh chóng khắc phục các sự cố. |
Đặc biệt là sự cố sạt trượt mái đê tại 3 xã trên địa bàn huyện là Đông Phong, Long Châu và Trung Nghĩa. Mỗi xã đã huy động vật tư với gần 2.000 bao tải, 1.000m2 bạt dứa, hơn 500 cây tre tươi để xử lý tình trạng sạt lở.
Đồng thời, huyện cũng huy động đội xung kích mỗi xã trên 100 người, làm việc xuyên đêm sử dụng phương tiện máy xúc đóng cọc tre, nhân lực tại chỗ xếp bao tải cát hàng cọc, xếp bao tải cát theo mái đê, đắp mái đê và tre bạt tránh mưa thẩm lậu vào thân đê.
Lực lượng xung kích, dân quân, bảo vệ an ninh, trật tự và người dân cũng được huy động để tham gia khắc phục hậu quả. |
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi cũng đã đến kiểm tra và động viên cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần Thoát nước và xử lý nước thải Bắc Ninh, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tập trung khắc phục sự cố, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ và ổn định cuộc sống.
Nguồn: Báo xây dựng