Bắc Ninh: Hướng về nguồn cội Kinh Dương Vương
(Xây dựng) – Nằm ở hữu ngạn sông Đuống, thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đền thờ Kinh Dương Vương – Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được đánh giá là một quần thể có lối kiến trúc độc đáo và giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá tín ngưỡng của người dân Việt Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cùng các lãnh đạo tỉnh dâng hương ở đền thờ Kinh Dương Vương ngày 25/02/2024. |
Cổng chính vào đền thờ Kinh Dương Vương. |
Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 35km, đền thờ Kinh Dương Vương nằm ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, được xây dựng trên dải đất cao và quay mặt về phía Bắc. Đền được bao quanh bởi rừng cây cổ thụ, làm cho ngôi đền thêm phần bề thế và uy nghiêm. Khuôn viên ngôi đền còn có nhiều hạng mục công trình tiêu biểu khác như: Khu lăng Kinh Dương Vương, nhà thờ Võ, nhà thờ Văn, nhà khách…
Đền và lăng Kinh Dương Vương từ lâu được các triều đại phong kiến coi là chốn linh thiêng bậc nhất, xếp vào loại miếu thờ Đế vương. Vào dịp tế lễ Vua, quan các triều đại đều trực tiếp về đây để thắp hương bái tổ. Hiện, trong Lăng và đền thờ còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý như: Ngai thờ Kinh Dương Vương; 15 sắc phong, thần phả, văn tế, hoành phi, câu đối ca ngợi về người được thờ như: “Nam bang thuỷ tổ” (Thuỷ tổ nước Nam), “Nam tổ miếu” (Miếu thờ ông Tổ nước Nam”, “Bách Việt Tổ” (Vua Tổ nước Nam)…
Theo truyền thuyết và các tài liệu cổ vào năm 2.879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi lập nên Nhà nước Xích Quỷ, Nhà nước sơ khai, độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta. Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm (hiệu là Lạc Long Quân). Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các Vua Hùng.
Về lối kiến trúc, đền thờ Kinh Dương Vương được xây dựng theo hình chữ “Công”, bao gồm 5 gian tiền tế, 1 gian ống và 3 gian hậu cung. Bên trong đền là nơi đặt ngai thờ của ba vị thủy tổ nước ta, đó là ngai thờ Kinh Dương Vương nằm ở giữa, ngai thờ Lạc Long Quân nằm ở gian bên phải và ngai thờ của Âu Cơ nằm ở gian bên trái.
Đền thờ được xây dựng bằng khung gỗ lim, mái lợp bằng ngói. Trong đền có nhiều họa tiết trang trí được chạm khắc tinh xảo. Bên cạnh đó, các bức hoành phi câu đối trong đền thờ Kinh Dương Vương được sơn son thếp vàng đẹp mắt. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ được nhiều bảo vật có giá trị như: Thần phả, ngai bài vị, sắc phong, văn tế…
Trải qua thời gian và những tàn tích do chiến tranh để lại, đền thờ Kinh Dương Vương được nhân dân và chính quyền địa phương trùng tu, mở rộng nhưng ngày nay vẫn giữ được nét kiến trúc cổ vốn có.
Ngai thờ Kinh Dương Vương. |
Phía trước lăng Kinh Dương Vương là cổng Nghi môn gồm 4 cột đá cao tạo thành ba lối đi vào. Sân trước của lăng khá rộng rãi, được lát gạch đá và có nhiều cây xanh bao quanh.
Khu trung tâm lăng mộ dựng một tấm bia đá được khắc vào năm 1840 có tên “Kinh Dương Vương lăng”. Lăng mộ được xây dựng theo lối kiến trúc hai tầng xếp chồng mái với nhiều họa tiết trang trí đặc sắc.
Khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng ở vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc, là nơi ghi dấu ấn thiêng liêng, nối dài lịch sử cội nguồn dân tộc, giáo dục truyền thống cho lớp lớp thế hệ tương lai luôn nỗ lực phấn đấu, giữ vững nền độc lập dân tộc và dựng xây quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp, văn minh. Và thấm sâu trong tiềm thức, trở thành tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam mỗi khi hướng về nguồn cội Kinh Dương Vương.
Cổng Nghi môn gồm 4 cột đá cao tạo thành ba lối đi vào. |
Ngày 25/02/2024 (tức 16 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Thuận Thành tổ chức lễ dâng hương và khai hội Kinh Dương Vương (xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành) và kỷ niệm 4.903 năm Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương khai sinh mở nước. Để bày tỏ lòng thành kính, tri ân tới công đức của vị Vua Thủy tổ nước Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhân dân địa phương và du khách thập phương đã thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tại đền.
Lễ hội Kinh Dương Vương tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống và tuyên truyền giáo dục các thế hệ giữ gìn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. |
Trong tâm thức người Việt, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ được coi là những vị Thủy tổ mở nước, nguồn cội của dân tộc nên hàng năm cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về người dân đất Việt trong cả nước lại hành hương về khu di tích lăng và đền Kinh Dương Vương để chiêm bái, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của những bậc thủy tổ có công khai sơn sáng thủy lập nên nước Xích Quỷ, Nhà nước có chủ quyền đầu tiên của nước Việt.
Ngoài ra, lễ hội Kinh Dương Vương được tổ chức còn nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống và tuyên truyền giáo dục các thế hệ giữ gìn đạo lý “uống nước nhớ nguồn” một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đạo lý ấy được lưu giữ và phát huy theo suốt chiều dài lịch sử đất nước.
Ngoài được mở quanh năm để du khách thập phương về chiêm bái và thưởng ngoạn, Lễ hội Kinh Dương Vương còn được tổ chức từ ngày 16 -18 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, để tưởng nhớ công ơn vị Vua đầu tiên của nước Việt và cầu cho quốc thái dân an. Vào dịp này, rất nhiều nguời con đất Việt đã trở về bên ngôi đền để bày tỏ lòng thành kính, tri ân. Với những giá trị to lớn về lịch sử và văn hoá tín ngưỡng, khu di tích Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993. |
Nguồn: Báo xây dựng