Bắc Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến Kaizen nhằm tăng năng suất

Kaizen là công cụ trong quản lý được áp dụng nhằm thúc đẩy hoạt động cải tiến liên tục với sự tham gia của mọi người nhằm cải thiện không ngừng môi trường làm việc, cuộc sống mỗi cá nhân, gia đình. Đây là cách tiếp cận mang tính triết lý và có hệ thống, được Nhật Bản phát triển sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Công cụ cải tiến Kaizen còn hơn một quá trình cải tiến liên tục, với niềm tin rằng sức sáng tạo của con người là vô hạn. Qua đó, tất cả thành viên trong tổ chức từ lãnh đạo đến công nhân đều được khuyến khích đưa ra đề xuất cải tiến dù là nhỏ xuất phát từ những công việc thường ngày.

Khi áp dụng ở nơi làm việc, Kaizen nghĩa là cải tiến liên tục và nó đòi hỏi sự cam kết, nỗ lực liên tục của mọi người, các cán bộ quản lý cũng như công nhân. Kaizen là những cải tiến nhỏ thực hiện từng bước trong một thời gian dài.

Theo ông Lê Minh Tâm – Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ TCĐLCL, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Kaizen có 5 đặc điểm: Thứ nhất, là tập hợp tích luỹ thay đổi nhỏ; thứ hai, Kaizen là cải tiến liên tục, làm nữa và luôn có cách làm tốt hơn nữa; thứ ba, hành động khắc phục khó khăn, bất cứ ai cũng đang làm việc; thứ tư, nhanh và đơn giản, hãy nghĩ về những phương pháp mới mà không phải tốn quá nhiều thời gian, không tốn quá nhiều tiền đầu tư, không cần quá nhiều người; thứ năm Kaizen không phải sửa chữa, sửa lỗi.

Áp dụng triết lý Kaizen mang đến lợi ích hữu hình cũng như vô hình cho doanh nghiệp. Kaizen tích lũy từng cải tiến nhỏ trong thời gian dài để tạo nên kết quả to lớn đáng kể, đồng thời giảm sự lãng phí, gia tăng năng suất trong sản xuất và vận hành doanh nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, triết lý Kaizen cũng tạo động lực để các cá nhân đưa ra ý tưởng cải tiến hiệu quả; thúc đẩy tinh thần làm việc tập thể, tăng tính đoàn kết nội bộ; xây dựng văn hóa doanh nghiệp với thói quen tiết kiệm và hiệu quả trong từng chi tiết. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi tích cực sau khi áp dụng triết lý Kaizen.

 Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến Kaizen nhằm mang đến lợi ích hữu hình cũng như vô hình cho doanh nghiệp. 

Nhận thức được tầm quan trọng trên, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh đã không ngừng hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ áp dụng công cụ cải tiến Kaizen và mang lại nhiều kết quả tích cực. 

Được hình thành từ năm 2015, đến nay ngành công nghiệp hỗ trợ của Bắc Ninh đã, đang từng bước phát triển, đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chủ lực theo hướng hiện đại và bền vững, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chiếm 10,1% số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chủ yếu tập trung phục vụ các lĩnh vực chính gồm: lắp ráp sản phẩm điện tử, cơ khí, thực phẩm, đồ uống công nghệ cao. Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là ưu thế hội tụ của các “ông lớn” công nghệ như Samsung, Canon, Foxconn, Amkor, Foster, Goertek… Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ vẫn bộc lộ nhiều tồn tại như: sản phẩm còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm…

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trên cơ sở định hướng phát triển, năm 2024 tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xây dựng đề án “Hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng công cụ cải tiến liên tục (Kaizen) trong sản xuất”.

Các doanh nghiệp tham gia đề án thuộc danh mục sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ và phù hợp Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 31/8/2021 của UBND tỉnh phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021- 2025”. Theo đó, có 6 doanh nghiệp được hỗ trợ, gồm: Công ty TNHH thép đặc biệt Phương Trang TMS (Khu công nghiệp Thuận Thành II), sản xuất trong lĩnh vực cơ khí chế tạo là thép làm khuôn, đồ gá, thép chế tạo cơ khí chính xác, gia công phay, mài, xử lý nhiệt là sản phẩm trung gian, đầu vào cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Samsung, LG, Honda, Yamaha, Canon…

Công ty Cổ phần xuất, nhập khẩu Hòa An (Khu công nghiệp Khai Sơn) sản xuất các sản phẩm linh kiện nhựa, khuôn mẫu chính xác… là sản phẩm trung gian, đầu vào cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Samsung, LG, Honda, Yamaha, Canon…

Công ty Cổ phần nhựa Zion (Khu công nghiệp VSIP) sản xuất các sản phẩm là linh kiện nhựa, khuôn ép nhựa, sản phẩm sơn… là sản phẩm trung gian, đầu vào cho doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Piaggio, Panasonic, Sumitomo, Vinfat, Ariston… Công ty Cổ phần Fitek Việt Nam (Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng), sản xuất sản phẩm trung gian, đầu vào cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Samsung, Viettel, LG, Kanggaroo…

Công ty Cổ phần ốc vít Brother Việt Nam (thị xã Thuận Thành), sản xuất thép dây, đai ốc, bulong, ốc vít… là sản phẩm trung gian, đầu vào cho doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Samsung, Viettel, SI, LG, Kanggaroo. Công ty TNHH Hoa Sơn (Tiên Du) sản xuất sản phẩm trung gian, đầu vào cho các doanh nghiệp như: Hoàng Tiến, An Phú Việt, Rạng Đông, JPE…

Các doanh nghiệp sẽ được chuyên gia đến từ Nhật Bản tư vấn, hỗ trợ tuân theo các phương pháp cốt lõi trong Kaizen: Đào tạo đa kỹ năng; khuyến khích và tạo ra động cơ làm việc; xây dựng tinh thần trách nhiệm trong công việc; phân quyền cụ thể… nhằm cải tiến và quản trị chất lượng sản phẩm, tạo ra chuẩn mực mới trong năng suất, hiệu quả công việc.

Được biết, trước đó, ngày 31/8/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 295/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, mục tiêu thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước; đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh với doanh nghiệp FDI.

Năm 2023, Sở Công thương trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án tư vấn cải tiến và đề án điều tra, khảo sát, đánh giá năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, triển khai thực hiện tại 05 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị công nghiệp JAT, Công ty TNHH Công nghiệp Busan Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ và Thương mại Sigma Việt Nam, Công ty TNHH FAR EAST TECH, Công ty Cổ phần Thành Công qua đó nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh, tham gia cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.

Trong quá trình triển khai, mỗi doanh nghiệp có ít nhất 05 hoạt động cải tiến có kết quả định lượng cụ thể (về giá trị) sau cải tiến… nhằm lan tỏa tác động tích cực đến doanh nghiệp sản xuất, chế tạo nói chung và các tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước về phát triển, hỗ trợ phát triển công nghiệp, doanh nghiệp.

Chỉ sau thời gian 2 tháng triển khai công cụ cải tiến Kaizen, các doanh nghiệp tham gia Đề án đã được tư vấn, hỗ trợ áp dụng công cụ cải tiến liên tục trong sản xuất chế tạo. Kết quả cải tiến giúp các nhà máy tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng năng suất cũng như cải thiện môi trường làm việc của người lao động.

Kết quả này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Bắc Ninh có 800 hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, 70% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất trong quản trị doanh nghiệp; giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp trong lĩnh vực này hàng năm tăng từ 8 – 9%; liên kết, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Có thể thấy, việc áp dụng công cụ cải tiến Kaizen giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, dự kiến tăng từ 2%- 5% so với trước khi cải tiến và giảm lãng phí cho doanh nghiệp từ 7%- 15% so với trước khi cải tiến. Từ đó kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài.

Góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và định hướng đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.

 An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích