Bắc Ninh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Là một trong các tỉnh đang có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, nhưng Bắc Ninh vẫn ưu tiên phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Hiện Bắc Ninh có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin thông minh vào sản xuất như: nhà kính có hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Hàng loạt chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ cao.
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 160 ha; trong đó, có 29 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích trên 154 ha, 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích gần 30 ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.
Việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất đã giúp người dân tiếp cận với xu thế thời đại công nghệ, lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp cũng cao hơn, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Được biết, mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng công nghệ cao của anh Nguyễn Đình Hải ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài, Bắc Ninh cũng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển từ xa cho trang trại rau, củ quả sạch của gia đình. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên cây trồng phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc.
Với chiếc điện thoại thông minh, anh Hải chỉ cần mở phần mềm là có thể xem độ ẩm, độ pH của đất, dinh dưỡng của rau, các thông số liên quan đến sinh trưởng của cây trồng liên tục được cập nhật. Với việc đầu tư hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, mô hình trồng rau của gia đình anh Hải có 4 sản phẩm góp mặt trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh.
Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, trang trại 5 ha của gia đình anh Hải được quy hoạch hoàn chỉnh thành các khu trồng rau củ quả sạch, xây dựng gần 2 ha nhà màng, nhà kính chuyên sản xuất ứng dụng công nghệ cao và liên kết hơn 20 ha vùng nguyên liệu ngoài tỉnh, đã cho doanh thu bình quân đạt khoảng gần 20 tỷ đồng mỗi năm.
Có thể thấy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đang thực sự là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng có không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra như nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực, đất đai, thị trường tiêu thụ, đặc biệt là cơ chế, chính sách cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển…
Thực tế cho thấy, mức độ sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn ít, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư, chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, tiêu thụ trong các cửa hàng, siêu thị, tại các bếp ăn lớn ở các khu công nghiệp, các trường học chưa cung cấp được nhiều bởi chưa cạnh tranh được về giá. Đây chính là “rào cản” lớn nhất trong việc phát triển thị trường và tạo thương hiệu riêng cho nông nghiệp của tỉnh.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh có nhiều giải pháp, tập trung thu hút nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm. Trong đó, tỉnh tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tập trung, quy mô lớn phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của từng vùng. Khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp đứng ra tích tụ bằng các hình thức góp vốn chia theo lợi nhuận, cổ phần… để tạo thành vùng hàng hóa tập trung đủ lớn phục vụ cho các chuỗi liên kết, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vay vốn ngân hàng, hỗ trợ giống, vật tư, kinh phí thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, rà soát, bổ sung các chính sách để khuyến khích hỗ trợ các tổ chức cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện để các cơ sở tham gia các loại hình bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường gây ra, tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Theo Thương hiệu Sản phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu