Bắc Ninh: Công ty Tân Long bị xử phạt gần 200 triệu đồng vì sản xuất thép ống gắn mác “HOA PHAT”
(Xây dựng) – Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Tân Long (Công ty Tân Long) vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt gần 200 triệu đồng, do sản xuất hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu “HOA PHAT” và hoạt động kinh doanh tại địa điểm không thông báo.
Công ty đã vi phạm hành vi hoạt động kinh doanh tại địa điểm cụ thể, mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh (Ảnh minh họa). |
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra Quyết định số 878/QĐ-XPHC ngày 18/7/2024, về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Tân Long về hai hành vi vi phạm. Cụ thể, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã kiểm tra đột xuất Công ty Tân Long vào ngày 19/6/2024. Kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty đã vi phạm hành vi hoạt động kinh doanh tại địa điểm cụ thể, mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh. Hành vi này vi phạm điểm a khoản 1 Điều 54 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP.
Theo đó, Công ty này còn sản xuất hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu. Minh chứng, Công ty đã sản xuất 1.190 cây thép ống các loại có gắn chữ “HOA PHAT”. Tổng giá trị tang vật vi phạm lên tới 168,600 triệu đồng. Hành vi này vi phạm khoản 8 Điều 11, điểm a khoản 13 Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 10 Điều 1 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP.
Với hai hành vi vi phạm trên, Công ty Tân Long đã bị UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt tổng cộng 193 triệu đồng bao gồm: 25 triệu đồng cho hành vi kinh doanh không thông báo địa điểm, 168 triệu đồng cho hành vi sản xuất hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu.
Ngoài hình phạt tiền, Công ty Tân Long còn bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về địa điểm kinh doanh mà Công ty đang hoạt động; phải loại bỏ chữ “HOA PHAT” trên các sản phẩm thép ống và tiêu hủy các yếu tố vi phạm khác.
Công ty Tân Long (mã số doanh nghiệp 0101602836) có trụ sở chính tại số 73, phố 8/3, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội và địa điểm kinh doanh tại Cụm công nghiệp Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, do ông Lê Thanh Tùng làm người đại diện theo pháp luật.
Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là “gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại”, bao gồm sản xuất, gia công sắt thép, thép ống các loại, thép hộp các loại, kim loại màu, mua bán kết cấu thép, thép phôi, sắt thép xây dựng, ống kim loại, tôn và thép lá, dây kim loại, khung nhôm, khung đồng, đồ kim khí… Công ty hoạt động theo loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên, với vốn điều lệ 160 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty còn hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ plastic, sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét, sản xuất máy công cụ và máy tạo hình kim loại, sản xuất máy chuyên dụng khác…
Theo quyết định xử phạt, Công ty Tân Long có thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, để thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả và nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Ninh hoặc qua tài khoản ngân hàng được chỉ định.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Tân Long không chỉ khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật, trong việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, mà còn là lời cảnh tỉnh đối với các doanh nghiệp khác về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật và đạo đức kinh doanh.
Bài học này nhắc nhở chúng ta rằng, đạo đức và văn hóa doanh nghiệp không chỉ là khẩu hiệu, mà là yêu cầu bắt buộc để doanh nhân và doanh nghiệp phát triển bền vững. Việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và liêm chính kinh doanh là điều kiện tiên quyết để đảm bảo quyền tự do kinh doanh, đồng thời duy trì trật tự kinh doanh và trật tự xã hội.
Nguồn: Báo xây dựng