Bắc Ninh: Chăn nuôi thân thiện với môi trường

Bắc Ninh: Chăn nuôi thân thiện với môi trường

Qua thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có hơn 41.000 trang trại chăn nuôi quy mô nông hộ (trong đó trâu, bò, lợn có 11.000 hộ, gia cầm 30.000 hộ).

Thông tin từ Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, thực hiện Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025, thời gian qua, Chi cục triển khai các nội dung chi tiết trong hoạt động sản xuất, giết mổ; hướng dẫn quản lý việc thu gom, xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Đặc biệt, tại các vùng sản xuất tập trung như vùng chăn nuôi lợn ở các xã: Lạc Vệ, Tân Chi, Cảnh Hưng (Tiên Du), Gia Đông, Nghĩa Đạo, Đình Tổ, Ninh Xá, Trí Quả (Thuận Thành), Tam Giang, Văn Môn, Yên Phụ (Yên Phong), Lai Hạ (Lương Tài); vùng chăn nuôi gia cầm ở các xã: Hòa Tiến (Yên Phong), Tương Giang, Tân Hồng (Từ Sơn), Lạc Vệ (Tiên Du), Trung Chính, Phú Hòa (Lương Tài); Ninh Xá, Đình Tổ, Nghĩa Đạo (Thuận Thành); vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt ở các xã: Cảnh Hưng (Tiên Du), Đình Tổ, Gia Đông, Nghĩa Đạo (Thuận Thành); Chi Lăng, Đào Viên (Quế Võ). Bằng việc thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn của ngành Thú y các cấp, nhiều cơ sở chăn nuôi chủ động ứng dụng công nghệ chuồng kín, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn và quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGap), công nghệ xử lý chất thải khí sinh học Biogas, Dewats, chế phẩm sinh học… nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.

tm-img-alt
Các cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín. Ảnh minh hoạ

Qua thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có hơn 41.000 trang trại chăn nuôi quy mô nông hộ (trong đó trâu, bò, lợn có 11.000 hộ, gia cầm 30.000 hộ). Đến nay, có 72 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín; 10.500 cơ sở có bể khí sinh học Biogas (chủ yếu đối với chăn nuôi lợn, trâu, bò); 7.500 cơ sở xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; 59 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và cơ sở giết mổ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh xây dựng được 17 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Quan trọng hơn, các hộ nuôi dần hình thành ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường khu vực nuôi và không gian sống cho dân cư xung quanh.

Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tiếp tục tăng cường phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt tình hình sản xuất chăn nuôi; hướng dẫn các hộ chăn nuôi an toàn sinh học, theo tiêu chuẩn VietGap. Tăng cường tập huấn kỹ thuật, tư vấn cho các hộ nuôi lựa chọn giải pháp xử lý môi trường phù hợp, thực hiện định kỳ phun thuốc sát trùng, khử khuẩn, thu gom, xử lý chất thải đúng quy trình, hợp vệ sinh. Rà soát, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và cơ sở giết mổ theo đúng quy định; chú trọng công tác kiểm tra, nhắc nhở kịp thời hành vi vi phạm, xả chất thải trực tiếp ra môi trường. Đồng thời, khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khu dân cư chuyển đổi mô hình, tích tụ ruộng đất sang xa khu dân cư, đầu tư công nghệ hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và chính người chăn nuôi.

Minh Ngọc (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích