Bắc Ninh: Cần quy định rõ yêu cầu PCCC với nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ

(Xây dựng) – Đây là một trong những nội dung kiến nghị của Sở Xây dựng Bắc Ninh liên quan đến tăng cường quản lý phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC, CNCH) đối với loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có mật độ người ở cao trên địa bàn.

Bắc Ninh: Cần quy định rõ yêu cầu PCCC với nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ
Ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh.

Xây dựng nhà trọ cho thuê “nở rộ”

Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều văn bản về tăng cường quản lý xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao và công tác đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.

Trước nhu cầu ngày càng cao về nhà ở, nhất là tại khu vực trung tâm thành phố Bắc Ninh và xung quanh các khu công nghiệp, tình trạng người dân xây dựng nhà trọ cho người lao động, chuyên gia ngoại tỉnh thuê để ở trong thời gian công tác, lao động và học tập trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức sôi động.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, tính đến ngày 15/9/2023, loại hình nhà ở có thiết kế nhiều tầng (từ 02 tầng trở lên), nhiều căn hộ khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng) và các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn tỉnh có tổng số khoảng 10.245 công trình (với 109.884 căn hộ), trong đó, chỉ có 146 công trình (chiếm tỷ lệ 1,4%) được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng (GPXD). Số liệu này không tính đến các khu chung cư được cấp GPXD theo dự án.

Còn đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có tổng số 3.743 công trình (với 5.352 căn hộ), có 386 công trình được cấp GPXD (chiếm khoảng 10,3%). Thống kê cho thấy loại hình nhà ở này phần lớn là nhà ở riêng lẻ được xây dựng trước năm 2020 ở khu vực nông thôn, thuộc đối tượng được miễn GPXD.

Ngay từ năm 2016, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn PCCC; kiên quyết đình chỉ hoạt động, rút giấy phép đầu tư với những đơn vị, cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC, đặc biệt tại địa bàn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao.

Tính từ năm 2014 đến ngày 15/9/2023, trên địa bàn tỉnh triển khai 68.944 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nguy hiểm. Trong đó, phát hiện 8.169 cơ sở vi phạm (chiếm khoảng 12%), đây là tỷ lệ khá khiêm tốn; chủ thể có thẩm quyền đã ban hành 6.119 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, 2.050 quyết định cưỡng chế. Tổng số tiền xử phạt thu về ngân sách nhà nước khoảng 93,79 tỷ đồng.

Bắc Ninh: Cần quy định rõ yêu cầu PCCC với nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ
Mô hình nhà trọ có mật độ người ở cao “nở rộ” gần các Khu công nghiệp (ảnh minh họa: Q.P).

Phân cấp mạnh hơn để tăng cường quản lý

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, loại hình nhà ở cho công nhân khu công nghiệp do người dân tự đầu tư xây dựng và quản lý đang là loại hình phổ biến. Tính đến hết tháng 9/2023, địa phương đang có khoảng 110 nghìn công nhân đang ở trọ tại các khu nhà ở do người dân tự xây dựng. Do nhu cầu về nhà trọ tăng cao, dẫn đến mô hình nhà trọ cho công nhân do người dân tự xây dựng rất phát triển, nhất là giai đoạn 2015-2020.

Lý giải về sự phát triển nóng mô hình này, ông Dũng phân tích thêm: “Do giải pháp thiết kế và thủ tục đầu tư xây dựng nhà trọ đơn giản, chi phí thấp, không cần bồi thường giải phóng mặt bằng, diện tích có thể linh hoạt tùy vị trí. Mô hình này cũng là giải pháp quan trọng giúp các hộ bị thu hồi đất có thêm thu nhập, tạo động lực phát triển kinh tế và tăng tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn”.

Theo quan sát của phóng viên, thời gian gần đây, nhiều chủ nhà trọ tại Bắc Ninh đã quan tâm cải tạo nhà cửa nhằm nâng cao chất lượng (theo hướng xây cao tầng với đầy đủ trang thiết bị, tiện ích sinh soạt), đáp ứng nhu cầu cao về nhà ở của đại bộ phận công nhân, thay thế dần các khu nhà trọ tập trung kiểu cũ (nhà 1 tầng, mái lợp tôn hoặc fibro, khu vệ sinh và sinh hoạt chung cho toàn khu nhà). Với những thay đổi này giúp người lao động thuê trọ được ở trong những ngôi nhà khang trang hơn, đầy đủ tiện nghi hơn, góp phần cải thiện chỗ ở và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ, mặc dù chất lượng các khu nhà trọ được nâng cấp, cải tạo, nhưng chất lượng sống tại các khu nhà này vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tình trạng không đảm bảo về hạ tầng xã hội và vệ sinh môi trường, khó đảm bảo các yêu cầu về PCCC, kiểm soát dịch bệnh, thiếu thốn các thiết chế văn hóa, dẫn đến đời sống của công nhân chưa được đảm bảo.

Liên quan đến vấn đề này, theo lãnh đạo Sở Xây dựng, nhận thức và ý thức của người dân trong việc tuân thủ pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, PCCC và CNCH còn hạn chế, dẫn đến tình trạng biến tướng nhà ở riêng lẻ thành phòng trọ không đảm bảo an toàn cho người sử dụng; dẫn đến phá vỡ quy hoạch, gây quá tải lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không bảo đảm vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng đã phân tích nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do các phòng trọ tại khu vực nông thôn giai đoạn 2015-2020 được xây dựng theo hình thức “nhà ở riêng lẻ ở nông thôn” thuộc đối tượng miễn cấp GPXD theo Luật Xây dựng. Vì vậy rất khó quản lý về chất lượng và an toàn của các công trình được xây dựng trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, các quy định về quản lý đất đai, nhà ở tại khu vực nông thôn còn chưa chặt chẽ; tình trạng chia tách thửa đất dẫn đến gia tăng dân số, gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Ngoài ra, một số quy định liên quan đến công tác PCCC chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Quá trình xây dựng, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến PCCC chưa đánh giá kỹ tác động và điều kiện bảo đảm thực hiện nên một số quy định thiếu khả thi, khó áp dụng. Và số lượng cán bộ phục vụ công tác quản lý ở cơ sở còn thiếu, không đáp ứng được tốc độ phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu thực tiễn.

Trong báo cáo mới nhất, Sở Xây dựng có kiến nghị thời gian tới cần có quy định cụ thể về yêu cầu PCCC và CNCH đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; trong đó, trọng tâm về an toàn thoát nạn, ngăn cháy, ngăn khói, trang bị phương tiện chữa cháy, phương tiện cảnh báo cháy nhanh.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi nội dung miễn cấp phép xây dựng đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn. Thực tế cho thấy có nhiều công trình nhà ở riêng lẻ đã biến tướng thành nhà trọ cho công nhân nằm tại khu vực ven các khu công nghiệp; các khu vực này chưa có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt, cần phân cấp mạnh hơn nữa gắn với trách nhiệm của người đứng đầu ở cơ sở trong lĩnh vực quản lý xây dựng, quản lý nhà ở…, nhằm phát hiện sớm, kịp thời, xử lý đúng thẩm quyền khi có tình trạng “lách luật” biến nhà ở riêng lẻ thành nhà trọ tập trung.

Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp và 31 cụm công nghiệp, trong đó có 13 khu công nghiệp và 16cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động; 04 làng nghề sản xuất, kinh doanh chất, hàng hóa dễ cháy; 36 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao và 01 khu vực tập trung nhiều cơ quan nhà nước.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích