Bắc Ninh: Bao giờ xử lý những vi phạm đất đai ở huyện Yên Phong?

(TN&MT) – Hơn 3 tháng đã trôi qua kể từ ngày UBND huyện Yên Phong ban hành quyết định xử phạt, buộc tháo dỡ công trình vi phạm nhưng đến nay mọi chuyện vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải thông tin phản ánh tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất công ích, hành lang thoát lũ tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh nhưng chính quyền xử lý thiếu kiên quyết, có dấu hiệu buông lỏng quản lý và làm ngơ cho sai phạm.

sai-pham-dat-dai-yen-phong-1.jpg
Nhà xưởng của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Phong vẫn hoạt động bình thường 

Sau khi Báo đăng tải thông tin, UBND huyện Yên Phong đã lập đoàn kiểm tra và ban hành một loạt các quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào ngày 13/4/2022. Cụ thể, UBND huyện đã xử phạt Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Phong 60 triệu đồng (vì hành vi chiếm đất phi nông nghiệp với diện tích vi phạm 985 m2); phạt hộ ông Nguyễn Duy Hải 7,5 triệu đồng (vì hành vi tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích vi phạm 110 m2); phạt hộ ông Nguyễn Văn Xuân 12,5 triệu đồng (vì hành vi tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích vi phạm khoảng hơn 300 m2).

Tất cả những trường hợp vi phạm buộc phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ khi người vi phạm nhận được quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà người vi phạm không nghiêm chỉnh chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

sai-pham-dat-dai-yen-phong-2(2).jpg
Lối cổng vào (ảnh lớn) khu nhà vườn hoành tráng của hộ ông Nguyễn Văn Xuân (ảnh nhỏ) chụp ngày 28/7/2022

Thế nhưng sau hơn 3 tháng kể từ ngày huyện Yên Phong ban hành các quyết định xử phạt, buộc tháo dỡ, các công trình vi phạm vẫn tiếp tục tồn tại và hoạt động bình thường. Ghi nhận của phóng viên thấy rằng, các nhà xưởng xây dựng trên đất công ích của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Phong hoạt động rầm rộ, không có dấu hiệu ngừng sản xuất để tự tháo dỡ theo quyết định của chính quyền; khu nhà vườn hoành tráng xây dựng trên đất nông nghiệp của hộ ông Nguyễn Văn Xuân còn có dấu hiệu tiếp tục thi công, hoàn thiện cổng vào; những trạm trộn bê tông trong khu vực bãi sông đê hữu Cầu (thôn Lương Tân, xã Yên Trung) tuy đã tháo dỡ, di dời đi nhưng thế chỗ vào đó là những bãi tập kết vật liệu xây dựng có dấu hiệu trái phép.

Liên quan tới việc chậm trễ xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Huynh, Chủ tịch UBND xã Yên Trung cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch cưỡng chế vi phạm nhưng còn phải chờ sự phối hợp của bên công an mới có thể tiến hành được. Khi nào có kết quả xử lý chúng tôi sẽ thông tin lại sau”. Trong khi trước đó, ông Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong thông tin với phóng viên rằng để xử lý những vi phạm nêu trên cần phải làm quy trình cưỡng chế theo đúng quy định pháp luật.

sai-pham-dat-dai-yen-phong-3.jpg
Bãi tập kết vật liệu xây dựng xuất hiện ngay tại vị trí các trạm trộn bê tông vừa mới di dời đi 

Luật sư Nguyễn Văn Nghi (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được thực hiện khi cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt. Trong trường hợp này, người vi phạm đã không tự giác chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả nên theo lý thuyết, huyện Yên Phong có thể ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả ngay sau khi hết hạn thời gian ghi trong quyết định xử phạt. Việc kéo dài thời gian xử lý như trong trường hợp này có thể làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khác sau này”.

Để tránh tình trạng phạt cho có lệ hoặc phạt cho tồn tại, thiết nghĩ UBND huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để xử lý dứt điểm những vi phạm, tránh những điều tiếng xấu trong dư luận.

Bạn cũng có thể thích