Bắc Ninh: 14/14 xã, thị trấn của huyện Gia Bình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ

Bắc Ninh: 14/14 xã, thị trấn của huyện Gia Bình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ

Minh Anh –  Thứ ba, 25/10/2022 15:20 (GMT+7)

Việc triển khai thực hiện mô hình phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình; xử lý rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết, trung chuyển trên địa bàn huyện Gia Bình bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Hai năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 01- NQ/HU ngày 08/9/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Gia Bình luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và được người dân hưởng ứng, đồng tình thực hiện. Công tác tuyên truyền, tập huấn được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Việc triển khai thực hiện mô hình phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình; xử lý rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết, trung chuyển trên địa bàn bước đầu đã mang lại hiệu quả như: Giảm lượng rác thải phải thu gom hàng ngày tại hộ gia đình; giảm thể tích rác sau xử lý, giảm mùi hôi thối, giảm ruồi, muỗi tại các điểm tập kết, trung chuyển; bước đầu giúp người dân nhận biết và phân loại xử lý rác thải tại hộ.

tm-img-alt

14/14 xã, thị trấn của huyện Gia Bình (Bắc Ninh) phân loại, xử lý rác thải hữu cơ (Ảnh: Internet)

Việc phân loại, xử lý rác thải hữu cư tại các mô hình làm điểm: Theo kết quả báo cáo các xã, thị trấn đã lựa chọn 20 (thôn, xóm, khu dân cư) thực hiện mô hình điểm với khoảng 4.080 hộ đăng ký; số hộ đang thực hiện 3.818 hộ (đạt 93,6 % số4 hộ đăng ký; theo mục tiêu Nghị quyết số 01 là 100 % hộ thực hiện), trong đó các xã đạt mục tiêu gồm: Quỳnh Phú, Đại Lai, Xuân Lai; các xã chưa đạt mục tiêu gồm: Bình Dương, Nhân Thắng, Song Giang, Đông Cứu, Thái Bảo, Lãng Ngâm, Vạn Ninh, Cao Đức, Đại Bái và thị trấn Gia Bình; đặc biệt xã Giang Sơn là đơn vị duy nhất vượt mục tiêu Nghị quyết.

Việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại các xã, thị trấn: Theo kết quả tổng hợp hiện trên địa bàn huyện có khoảng 19.316 hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ (đạt 60,2 % tổng số hộ; theo mục tiêu Nghị quyết số 01 là từ 50- 70 % hộ thực hiện); trong đó có 13/14 đơn vị xã đạt mục tiêu, thị trấn Gia Bình là đơn vị duy nhất chưa đạt mục tiêu theo Nghị quyết (17,7%); xã Giang Sơn là đơn vị đạt tỷ lệ thực hiện cao nhất (83,0%).

Việc xử lý rác thải tại các điểm tập kết, trung chuyển: Các xã tiếp tục thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết, trung chuyển, bãi chôn lấp của các thôn bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa IMO, với số điểm được xử lý là 58 điểm; thể tích rác được xử lý ước khoảng 10.551 m3 với phương pháp là đảo rác, đánh đống và phun, rắc vi sinh bản địa IMO để xử lý. Lượng rác thải sinh hoạt sau xử lý cơ bản đã giảm về thể tích so với thể tích ban đầu chưa xử lý, đặc biệt giảm hẳn mùi hôi thối, ruồi muỗi tại các điểm tập kết, trung chuyển, bãi chôn lấp được xử lý.

Hiện nay, Gia Bình trở thành huyện đi đầu trong triển khai thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình bằng chế phẩm vi sinh IMO và đang được đánh giá, tổng kết để nhân rộng mô hình ra các địa phương trong tỉnh.

Từ kết quả thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, huyện Gia Bình đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn về phân loại, xử lý rác thải bằng chế phẩm IMO đến người dân; coi đây là nhiệm vụ vừa trước mắt vừa lâu dài để giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường, cải thiệu và nâng cao chất lượng cuộc sống khu vực nông thôn; là cơ sở vững chắc để Gia Bình phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, xây dựng Nông thôn mới.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích