Bạc Liêu: Tình trạng sạt lở, sụt lún nghiêm trọng ở mức báo động

Bạc Liêu: Tình trạng sạt lở, sụt lún nghiêm trọng ở mức báo động

Hiện tượng sạt lở đất, sụt lún đất có thể gây thiệt hại lớn về tài sản, công trình,…. nhất là tính mạng con người, các địa phương và người dân cần đề phòng tình trạng sạt lở, sụt lún đất có thể xảy ra trong 10 ngày tới.

tm-img-alt
Tuyến đường nông thôn ấp Vinh Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) bị sạt lở. Ảnh baobaclieu

Từ đầu năm 2024 đến nay, thực trạng này đang diễn biến ngày càng phức tạp khó lường, đe dọa đến tài sản, tính mạng của người dân.

Bạc Liêu hiện có đến 4/7 huyện, thị, thành phố xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún bờ sông, kênh, rạch… ở 36 điểm, làm thiệt hại 60 căn nhà của người dân. Trong đó, huyện Hồng Dân 20 điểm với 5 căn nhà, huyện Đông Hải 4 điểm với 2 căn nhà, TX. Giá Rai 6 điểm với 10 căn nhà và TP. Bạc Liêu 6 điểm với 43 căn nhà bị thiệt hại.

Gần đây nhất, là vụ sạt lở ở ấp Vinh Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) vào cuối tháng 7/2024. Tại điểm này, 30 m của tuyến lộ bê-tông bị sạt lở hoàn toàn xuống sông, đoạn khác dài khoảng 75m tiếp giáp với kênh Khâu hiện đang đối diện nguy cơ sạt lở.

Nguyên nhân được xác định do tác động của dòng chảy vào bờ ở đoạn cong của tuyến kênh Rạch Cóc – Cây Bông – Hóc Ráng

tm-img-alt
Hàng trăm m đường đoạn kênh Khâu, xã Long Điền Tây, huyện Đồng Hải (Bạc Liêu) đang đứng trước nguy cơ bị sạt lở. Ảnh baokinh&tedothi

Tại huyện Hồng Dân, tuy là vùng ngọt ổn định, nhưng do khô hạn, mực nước trên các sông, rạch xuống thấp nên đã xảy ra tình trạng sụt lún sạt lở bờ kênh. Đã có 3.460 m tuyến lộ giao thông và nhiều nhà dân của thị trấn Ngan Dừa, các xã Ninh Quới, Ninh Quới A và Ninh Hòa bị sạt lở sụt lún. Trong số đó, có 2 km các tuyến lộ ô tô bị sạt lở đe dọa trực tiếp đến giao thông quan trọng của huyện này. Là địa phương có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở nhiều năm nay, thị xã Giá Rai xảy ra tình trạng này chủ yếu trên địa bàn xã Tân Phong, xã Phong Thạnh A, phường Hộ Phòng và phường 1. Qua thống kê, tổng chiều dài sạt lở đất gần 150m, với 10 hộ bị sạt lở nhà sau hoàn toàn. Khu vực nguy cơ sạt lở cao có chiều dài 1.181m, với 30 hộ có nhà bị ảnh hưởng nứt tường và 153 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Tại TP Bạc Liêu, mới đây cũng vừa xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông ở đường Lê Thị Hồng Gấm khóm 6, phường 5 (tuyến sông Cà Mau – Bạc Liêu) gây ảnh hưởng tuyến 870 m tuyến đường này. Một số nhà có xuất hiện nhiều vết nứt, vách tường xé, nền hạ bị nghiêng, sụt lún về phía sông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của 43 hộ dân tại khu vực này.

Bạc Liêu đã đưa ra các giải pháp cấp bách nhằm khắc phục tình trạng sạt lở, sụt lún tạm thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại. Ngày 31/7/2024, tại chuyến kiểm tra thực tế các địa điểm sạt lở sụt lún, ông Lữ Văn Hùng Bí thư tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục sạt lở, gia cố lại các điểm đã bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở; làm nhanh các tuyến đường tạm để người dân tại các khu vực bị sạt lở, sụt lún có thể đi lại được. Tăng cường các lực lượng xung kích tiếp tục xuống hiện trường giúp dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống. Đặc biệt phải rà soát cụ thể từng nhà, để di dời các hộ có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Nhanh chóng giải quyết kịp thời chế độ theo quy định về an sinh xã hội, kiên quyết không để người dân ở tại các điểm sạt lở này. Nếu đủ điều kiện, tỉnh sẽ cân nhắc công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở tại vùng bị ảnh hưởng…

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cũng đã yêu cầu UBND các huyện thị thành phố trong tỉnh phải bám sát diễn biến tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai để thông tin cho người dân kịp thời chủ động ứng phó. Yêu cầu các địa phương chủ động lực lượng phương tiện sẵn sàng ứng cứu giúp đỡ người dân khi xảy ra, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại tính mạng tài sản của người dân theo phương châm 4 tại chỗ. Tuy vậy, nhưng giải pháp trên chỉ là trước mắt, để chấm dứt tình trạng sụt lún sạt lở ở Bạc Liêu cần phải có giải pháp triệt để lâu dài.

Theo đó, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức phạp, Bạc Liêu cần có nguồn lực lớn đầu tư cơ bản để khắc phục, xây dựng kiên cố những bờ kè, tuyến kè, đoạn sông luôn có nguy cơ sạc lở sụt lún. Nhất là những địa bàn đông dân cư nhưng lại diễn ra phức tạp như thị xã Giá Rai, TP Bạc Liêu. Tuy nhiên, ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn không đủ khả năng, chưa đủ vốn để đầu tư các công trình với chi phí lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tỉnh lại chưa có nguồn vốn trung dài hạn để chủ động ứng phó khắc phục.

Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương về nguồn vốn. Mặt khác, nếu các dự án trên được trung ương hỗ trợ nguồn vốn để sớm triển khai thực hiện, ngoài việc đảm bảo an sinh của người dân, còn góp phần cải tạo cảnh quan đô thị, ổn định phát triển kinh tế – xã hội của Bạc Liêu.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích