Bạc Liêu: Rà soát tình trạng sạt lở toàn tuyến đê biển Đông

Bạc Liêu: Rà soát tình trạng sạt lở toàn tuyến đê biển Đông

Trước tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bạc Liêu vừa họp bàn tìm phương án khắc phục.

Theo ông Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, khi xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn, nhưng các địa phương như thị xã Giá Rai, huyện Hồng Dân, TP. Bạc Liêu chưa chủ động công bố thiên tai, để UBND tỉnh có phương án phân bổ vốn nhằm khắc phục sớm. Về ngành quản lý trực tiếp là Sở NN&PTNT chưa tham mưu kịp thời những nơi có nguy cơ, nên mới có tình trạng sạt lở liên tiếp trong thời gian qua nhưng vẫn chưa công bố tình trạng thiên tai. Đặc biệt, sắp tới mùa gió chướng, nước biển dâng nên rất có khả năng vỡ đê, nếu không công bố thì không có căn cứ để phân bổ vốn dự phòng.

tm-img-alt
Lãnh đạo UBND tỉnh, ngành chức năng xuống địa điểm sạt lở, chỉ đạo nhanh chóng khắc phục ngày 4/8.

Tại cuộc họp, ông Lai Thanh Ẩn – Chỉ cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Bạc Liêu, cho biết về tình hình sạt lở. Cụ thể là tuyến đê biển Đông đoạn giáp ranh hai tỉnh Bạc Liêu – Sóc Trăng trên địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu tổng chiều dài sạt lở và có nguy cơ sạt lở là 100 m (tại 2 vị trí, mỗi đoạn khoảng 50 m). Nguyên nhân là do đoạn đê này tầng phòng hộ đã mất hoàn toàn nên sóng đánh trực tiếp vào mái và thân gây sạt lở.

Vì thế, biện pháp khắc phục ban đầu là thi công đắp đất hoàn thiện mái đê, sau đó trải các lớp rọ đá hộc kết hợp khối chắn sóng Tetrapod sắp xếp liên kết với nhau để ngăn chặn triều cường và phá sóng với tổng chiều dài sạt lở. Kinh phí ước tính khoảng 1,5 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm còn khoảng 10 đợt triều cường kết hợp với sóng to, gió mạnh vào các đoạn đê đang sạt lở, nguy cơ bị vỡ đê rất cao.

tm-img-alt
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh sớm rà soát toàn tuyến đê biển Đông.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thống nhất, trước mắt Sở NN&PTNT rà soát không chỉ đoạn sạt lở mà kiểm tra toàn tuyến đê biển Đông từ giáp Sóc Trăng đến tận Gành Hào để có nhận định, đánh giá chung. Trước mắt xử lý đoạn sạt lở hiện tại và đưa ra danh mục cụ thể. Các huyện cũng rà soát trên địa phương mình, sớm ban bố để có phương án bố trí vốn cụ thể. Không để xảy ra sạt lở rồi mới công bố thì rất khó trong việc đấu thầu.

tm-img-alt
Ông Trần Minh Hải – Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu, báo cáo về tình hình sạt lở trên địa bàn TP.

Trước đó, chiều 4/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng và đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tại đoạn đê biển Đông đang bị sạt lở. Phó Chủ tịch tỉnh lưu ý việc quan trọng là cắm biển cảnh báo, hạn chế người dân ra vào khu vực bị sạt lở để đảm bảo an toàn. Đồng thời, các lực lượng bố trí trực, theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu, xử lý. Trước mắt, cần gia cố tạm thời khu vực sạt lở, hạn chế khả năng sạt lở lây lan, gây vỡ đê, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng, sản xuất và đời sống của người dân.

Trước đó, vào đầu năm 2023, tại khu vực này cũng xảy ra sạt lở đê nghiêm trọng. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã ký Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở đê biển Đông (đoạn đầu tuyến giáp ranh tỉnh Sóc Trăng) thuộc xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu).

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích