Bác kháng cáo của Facebooker Đặng Như Quỳnh
Trước đó, hồi tháng 10/2022, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đặng Như Quỳnh mức án 2 năm tù vì tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Sau khi Tòa cấp sơ thẩm tuyên án, bị cáo Đặng Như Quỳnh đã kháng cáo phần vật chứng trong vụ án, xin lại chiếc điện thoại di động Samsung Note 20 Ultra của Quỳnh (là tang vật trong vụ án) vì cho rằng chiếc điện thoại này thuộc sở hữu của hai con gái, dùng để học tập và có nhiều ảnh của gia đình trong điện thoại nên muốn lưu giữ.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng 14/2, ngoài việc xin lại chiếc điện thoại Samsung Note 20 Ultra, bị cáo Quỳnh còn bổ sung thêm nội dung kháng cáo là xin giảm nhẹ hình phạt.
Khi được cho nói lời sau cùng, Đặng Như Quỳnh bật khóc, trình bày sức khỏe của bản thân không được tốt. Bị cáo mong muốn được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình và đi chữa bệnh.
Bị cáo Đặng Như Quỳnh tại phiên toà phúc thẩm. |
Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử quyết định bác nội dung kháng cáo của bị cáo Đặng Như Quỳnh. Chủ tọa phiên tòa cho biết chiếc điện thoại Samsung có liên quan hành vi phạm tội, thể hiện trong các biên bản niêm phong vật chứng, bên trong vật chứng này chứa nhiều tin nhắn, bài viết thể hiện nội dung vi phạm.
Đối với đề nghị giảm nhẹ hình phạt, Tòa phúc thẩm cho rằng mức án 2 năm tù đã xét đủ các yếu tố giảm nhẹ, phù hợp nên Tòa phúc thẩm cũng không có căn cứ giảm nhẹ.
Theo bản án sơ thẩm, từ cuối năm 2019 – 4/2022, bị cáo Quỳnh sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook, có tên hiển thị là “Đặng Như Quỳnh” để đăng tải các bài viết do mình soạn thảo, hoặc chia sẻ lại bài viết của người khác.
Đến tháng 4/2022, tài khoản này đã có hơn 300.000 người sử dụng Facebook theo dõi, các bài viết do bị cáo Đặng Như Quỳnh đăng tải có rất nhiều lượt tương tác, chia sẻ, bình luận.
Ngày 2/4/2022, khi biết thông tin một số cá nhân lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản bị các cơ quan chức năng xử lý sai phạm, dù không có thông tin ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Hoàng Minh) bị xử lý hình sự, Quỳnh đã tự suy diễn, đăng tải công khai trên trang Facebook cá nhân bài viết có nội dung ám chỉ về việc các cơ quan tố tụng sẽ tiến hành xử lý hình sự đối với trường hợp này.
Sau khi Quỳnh đăng tải, bài viết trên được hàng nghìn cá nhân tương tác, bình luận, chia sẻ.
Đến ngày 5/4/2022, khi các cơ quan tố tụng công bố thông tin về việc xử lý hình sự đối với ông Đỗ Anh Dũng, Đặng Như Quỳnh chỉnh sửa bài viết, bổ sung thêm nội dung được các cơ quan tố tụng công khai, để định hướng người đọc tin là bị cáo biết trước thông tin về việc xử lý hình sự đối với ông Dũng.
Bị cáo biết các thông tin do mình đăng tải trên Facebook được nhiều người tiếp cận nên đã tiếp tục tự suy diễn về việc cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra đối một số cá nhân là lãnh đạo công ty có cổ phiếu giao dịch trên thị trường.
Từ 0h – 10h26 ngày 6/4/2022, bị cáo Quỳnh sử dụng tài khoản Facebook “Đặng Như Quỳnh” đăng 2 bài viết có nội dung sai sự thật, kèm theo hình ảnh cá nhân của một lãnh đạo công ty về việc các cơ quan tố tụng sẽ khởi tố, điều tra, bắt tạm giam đối với người này.
Sau khi bị cáo đăng tải, hai bài viết nêu trên được nhiều cá nhân tương tác, bình luận, chia sẻ trên Facebook và được lan truyền rộng rãi trên không gian mạng.
Trên thị trường chứng khoán, trong các phiên giao dịch ngày 6,7,8,11,12/4/2022, mã chứng khoán GEX và nhóm các cổ phiếu có liên quan xuất hiện hiện tượng nhà đầu tư đặt lệnh bán với số lượng lớn, thị giá và vốn hóa trên thị trường của các mã chứng khoán này bị giảm mạnh (trước đó các mã chứng khoán này đang trong xu hướng tăng giá.)
Trong đó, vốn hóa mã chứng khoán GEX giảm 5.237 tỷ đồng, vốn hóa mã chứng khoán VGC (của Tổng công ty Viglacera – CTCP) giảm 5.739 tỷ đồng…
Ngoài ra, chỉ số VN-INDEX giảm 6478 điểm, chỉ số HNXINDEX giảm 35,09 điểm, chỉ số UPCOM giảm 4,57 điểm, gây hoang mang dư luận của các nhà đầu tư chứng khoán.
Nguồn: Báo lao động thủ đô