Bắc Kạn triển khai trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật 2024

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại công tác Trợ giúp pháp lý tại tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu: Nội dung các hoạt động phù hợp với quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành và đặc thù của người khuyết tật; phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp đã được xác định trong các kế hoạch, chương trình, đề án về người khuyết tật.

Việc triển khai thực hiện chính sách TGPL đối với người khuyết tật thuộc diện được TGPL phải phù hợp với các yêu cầu về tình hình thực tế tại địa phương, có thể lồng ghép với các hoạt động TGPL khác hoặc lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Bắc Kạn sẽ thực hiện vụ việc TGPL cho người khuyết tật thuộc diện được TGPL theo quy định của pháp luật. Chú trọng thực hiện vụ việc TGPL cho người khuyết tật thuộc diện được TGPL là nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi) là nạn nhân trong các vụ việc bạo lực, mua bán người; bảo đảm 100% người khuyết tật thuộc đối tượng được TGPL được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí khi có yêu cầu.

Giao cho Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước) chủ trì phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, Công an cấp xã, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở kinh doanh, các tổ chức khác của người khuyết tật và các cơ quan, tổ chức có liên quan: Cung cấp danh sách tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan phát hiện nhu cầu TGPL của người khuyết tật và giới thiệu người khuyết tật thuộc diện được TGPL đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước khi họ có yêu cầu TGPL.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ thực hiện việc tăng cường khả năng tiếp cận TGPL của người khuyết tật, trong đó có người khuyết tật thuộc diện được TGPL, như: Tổ chức các đợt truyền thông về hoạt động TGPL và quyền được TGPL cho người dân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, trong đó có người khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện được TGPL. Truyền thông về quyền của người khuyết tật và quyền được TGPL của người khuyết tật thuộc diện được TGPL, các vụ việc tham gia tố tụng thành công trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức truyền thông khác phù hợp với các dạng tật của người khuyết tật. Biên soạn và phát hành các tài liệu truyền thông có nội dung về chính sách TGPL và quyền được TGPL của người khuyết tật thuộc diện được TGPL…

Ngoài ra, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người làm công tác TGPL, người có uy tín trong cộng đồng, người làm công tác xã hội, cán bộ cơ sở, trong đó lồng ghép quyền được TGPL của người người khuyết tật thuộc diện được TGPL.

Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật thuộc diện được TGPL và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Truyền thông trực tiếp về TGPL tại huyện Pác Nặm.

Có thể thấy: Bắc Kạn là một tỉnh miền núi vùng cao nằm ở vùng Đông Bắc Bắc bộ, có địa hình tự nhiên không thuận lợi, dân tộc thiểu số chiếm tới 86%, nền kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung của cả nước. Trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc đưa pháp luật đến với người nghèo, đối tượng yếu thế, đặc biệt là những người khuyết tật, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn là một việc làm không dễ.

Với mục tiêu đổi mới là thay đổi nhận thức, cách làm trước đây, do đó đòi hỏi phải có sự quyết tâm, đầu tư thời gian mới có thể lan tỏa và thuyết phục tất cả các đối tượng. Được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Bắc Kạn, công tác Trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trao quà cho trẻ em khuyết tật huyện Pác Nặm.

Thống kê cho thấy: Số lượng vụ việc tham gia tố tụng của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Kạn (Trung tâm) tăng hàng năm. Cụ thể: Năm 2018, tham gia tố tụng 230 vụ việc, tư vấn pháp luật 100 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 02 vụ việc, tiếp dân tại trụ sở 347 lượt người. Năm 2019, tham gia tố tụng 330 vụ việc, tư vấn pháp luật 50 vụ việc, tiếp dân tại trụ sở 368 lượt người. Năm 2020, tính đến hết tháng 6, tham gia tố tụng 127 vụ việc, tư vấn pháp luật 09 vụ việc, tiếp dân tại trụ sở 185 lượt người…đến năm 2023 Trung tâm đã phối hợp với UBND cấp xã tổ chức truyền thông về TGPL ở cơ sở tại hàng trăm điểm ở 27 xã trên địa bàn tỉnh, với hơn 2 nghìn lượt người tham dự; cấp phát trên 2000 tài liệu truyền thông về TGPL. Tiếp gần 100 lượt công dân tại trụ sở; hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật 25 việc. Tiếp nhận và thực hiện hơn 300 vụ việc có đơn yêu cầu TGPL.

TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công bằng và bình đẳng trước pháp luật, mang lại rất nhiều lợi ích cho người khuyết tật, người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Đội ngũ người thực hiện TGPL trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn luôn được quan tâm, tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đến nay 100% Trợ giúp viên pháp lý của tỉnh đã, đang tham gia lớp đào tạo nghề luật sư. Chất lượng vụ việc TGPL ngày càng tăng lên, thông qua các vụ việc tố tụng các kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh của đội ngũ người thực hiện TGPL được nâng lên rõ rệt.

Mặc dù vậy công tác TGPL trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng chưa tiếp cận được hết các đối tượng cần trợ giúp trong xã hội. Cùng với đó năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ TGPL cũng còn có những hạn chế, nên gặp khó khăn trong quá trình tham gia TGPL, nhất là trợ giúp cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số. Việc xã hội hóa công tác TGPL trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, chưa thu hút được sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có uy tín, kinh nghiệm để thực hiện TGPL.

Được biết, hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 6.515 người khuyết tật, trong đó có hơn 520 người mù, 880 trẻ mồ côi, số người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội là hơn 5.500 người.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích