Bắc Kạn: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

(Xây dựng) – Triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Kạn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện nhiệm vụ của các Chương trình mục tiêu quốc gia; chú trọng lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn lực Nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để các nhiệm vụ của Chương trình được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Bắc Kạn: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Tỉnh Bắc Kạn tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu.

Thực hiện đầu tư dự án có trọng tâm, trọng điểm

Theo đó, cùng với nguồn lực phân bổ từ Trung ương, tỉnh Bắc Kạn đã huy động vốn từ các tổ chức tín dụng tại địa bàn để cho các đối tượng vay vốn thực hiện các mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân thông qua các cuộc vận động xã hội, phong trào thi đua yêu nước như Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, Phong trào “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025…

Tỉnh đã ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các địa bàn còn gặp nhiều khó khăn; tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ các địa phương lập quy hoạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các xã, huyện thuộc lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới; đầu tư hệ thống các trường lớp học tại các xã phấn đấu đạt chuẩn, nâng cấp đường lâm nghiệp phục vụ sản xuất…

Trong đó, đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã bảo đảm đạt chuẩn; mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho trung tâm y tế huyện; đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã, đường liên xã; hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối các xã đặc biệt khó khăn trên cùng địa bàn; cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cấp cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phân bổ vốn cho 3 Chương trình để thực hiện 434 dự án giao thông, 162 dự án thủy lợi, 67 dự án cấp nước sinh hoạt, 59 dự án nhà văn hóa, 47 dự án trường học, 14 dự án chợ, 6 trạm y tế xã…

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế bền vững, ổn định đời sống nhân dân trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện sinh thái, tập quán sản xuất theo từng vùng và từng dân tộc; mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP); chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường, hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn. Hoạt động hỗ trợ người lao động giải quyết việc làm tiếp tục được triển khai có hiệu quả…

Ngoài ra, Bắc Kạn đã hoàn thành việc lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Chợ Đồn; tích cực triển khai các thủ tục để sớm phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, huyện Ba Bể… Hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao trên địa bàn các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TU và chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch, chương trình công tác gắn với việc cụ thể hóa một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện kịp thời, hiệu quả các Chương trình MTQG theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội.

Cả hệ thống chính trị phải quyết tâm cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, sáng tạo, sâu sát và liên tục; huy động toàn xã hội vào cuộc nhanh chóng đạt hiệu quả thiết thực. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức đúng, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng các chương trình trong quá trình xây dựng và kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị – xã hội các cấp, tổ chức xã hội nghề nghiệp và sự tham gia của nhân dân trong quá trình thực hiện; nhất là vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín ở thôn, bản.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các ngành trong việc chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn thực hiện các chương trình gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị; nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án và giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch, nhất là nguồn vốn sự nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể; hỗ trợ giảm nghèo… giúp người dân có sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo.

Bắc Kạn: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Bắc Kạn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, cần phân cấp mạnh trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình. Kịp thời phân bổ, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục tiêu, không dàn trải, công khai, minh bạch. Tích cực huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đẩy mạnh công tác vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân tự nguyện đóng góp, tài trợ nguồn lực để thực hiện các chương trình. Thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định mới của Trung ương, đảm bảo phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện chương trình tại các cấp đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Sắp xếp, bố trí, điều động, luân chuyển, đảm bảo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích