Bắc Kạn: Ngăn nguy cơ sự cố hồ chứa quặng đuôi
Một lượng lớn bùn thải ở hồ chứa quặng đuôi số 1 đã tràn ra môi trường.
Ngăn ngừa
Bắc Kạn là tỉnh có mạng lưới doanh nghiệp khai thác khoáng sản khá đa dạng. Trong đó, có tổng cộng 52 điểm mỏ của gần 40 doanh nghiệp được cấp phép khai thác; có 14 giấy phép khai thác khoáng sản chì kẽm, với tổng công suất khai thác đạt 284.000 tấn quặng/năm.
Đi đôi với sự đa dạng đó, là bài toán về sự an toàn của các hồ đập chứa thải, bởi trên thực tế hiện nay có nhiều hồ đập đang đứng trước nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn, đặc biệt là vào mùa mưa bão.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 10 doanh nghiệp/đơn vị sở hữu hồ chứa quặng đuôi, gồm: Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoàng Nam, Công ty TNHH Ngọc Linh, Công ty TNHH Hoàng Giang, Công ty TNHH Đồng Tâm, Công ty Cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico, Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn – TMC, Công ty TNHH Kim Ngân,
Công ty TNHH Trường Thịnh Thái Nguyên và Chi nhánh Matexim Bắc Kạn – Công ty Cổ phần vật tư và Thiết bị Toàn Bộ.
Khắc phục hậu quả sự cố hồ chứa quặng đuôi số 1 của mỏ kẽm chì Chợ Điền.
Sau sự cố hồ chứa quặng đuôi số 1 của mỏ kẽm chì Chợ Điền, xã Bản Thi (Chợ Đồn) mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã chỉ đạo Sở Công thương và các đơn vị, doanh nghiệp sở hữu hồ chứa quặng đuôi thực hiện nghiêm công tác quản lý, vận hành trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
Cụ thể: Tại Công văn hỏa tốc số 7150/UBND-GTCNXD ngày 3/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các chủ đầu tư dự án khai thác, chế biến khoáng sản có hồ chứa quặng đuôi, bãi thải quặng ngay lập tức rà soát, hoàn thiện thủ tục hồ sơ xây dựng, thi công, nghiệm thu đưa vào vận hành và bảo trì bảo dưỡng công trình hồ chứa thải quặng đuôi theo đúng quy định của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu thực hiện công tác quản lý, vận hành hồ chứa quặng đuôi theo đúng quy định tại Thông tư số 41/2020/TT-BCT ngày 30/10/2020 của Bộ Công Thương quy định về quản lý, vận hành hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản.
Trong đó, cần tập trung triển khai ngay một số nội dung như: Rà soát, xây dựng/điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa quặng đuôi phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định; Xây quy trình bảo trì và thực hiện bảo trì hồ chứa quặng đuôi; Tổ chức giám sát an toàn hồ chứa quặng đuôi; Giám sát mực nước, dòng chảy đến hồ, theo dõi các khu vực xung quanh có thể gây tác động đến hồ chứa và kiểm soát thấm nước trong thân đập; Thường xuyên kiểm tra, đặc biệt trước, trong và sau mưa lớn và thực hiện bố trí đủ lực lượng, máy móc thiết bị sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, các đơn vị phải thường xuyên cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo quản lý vận hành hồ chứa quặng đuôi theo quy định hiện hành về xây dựng, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Chủ động kiểm tra, giám sát hoạt động của hồ chứa, đánh giá, nhận diện các rủi ro để chủ động công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố có thể xảy ra, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Trong trường hợp hồ chứa quặng đuôi có nguy cơ hoặc bị sự cố, cần huy động nguồn lực tập trung, khẩn trương phòng ngừa, khắc phục sự cố, giảm thiểu thấp nhất nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của nhân dân khu vực hạ lưu của hồ chứa thải quặng đuôi.
Cũng tại Công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn giao Sở Công Thương chủ trì tổ chức kiểm tra công tác quản lý, vận hành các hồ chứa quặng đuôi trên địa bàn tỉnh; hoàn thành chậm nhất trong tháng 11/2024, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương xử lý, giải quyết theo thẩm quyền.
Văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn.
Sự cố
Do ảnh hưởng từ bão số 3, sáng 09/9 mưa lớn đã khiến hồ chứa quặng đuôi số 1 của mỏ kẽm chì Chợ Điền, xã Bản Thi (Chợ Đồn) xảy ra sự cố sạt lở. Bùn thải quặng đuôi tràn ra theo dòng nước gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân phía hạ lưu.
Đơn vị quản lý, sử dụng hồ chứa là Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn trực thuộc Công ty Cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên VIMICO. Trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản tại mỏ kẽm chì Chợ Điền, doanh nghiệp xây dựng, vận hành các hồ chứa quặng đuôi, trong đó hồ xảy ra sự cố sạt lở là hồ 1.
Hồ chứa quặng đuôi (hồ 1) có quy mô thể tích thiết kế 460.000m3. Tại thời điểm tháng 01/2024 theo báo cáo của doanh nghiệp, hồ 1 đã chứa lượng quặng đuôi là 395.204m3.
Lượng bùn thải quặng đuôi chảy ra làm ngập, sạt lở tuyến đường từ thôn Bản Nhượng đến Xưởng tuyển nổi và một phần chảy ra suối Bản Nhượng, xã Bản Thi, (ảnh hưởng đến 02 xã Bản Thi và Yên Thịnh) và chảy sang địa phận tỉnh Tuyên Quang (ảnh hưởng 03 xã).
Theo báo cáo của UBND huyện Chợ Đồn, sơ bộ thiệt hại của người dân về tài sản, hoa màu để tổ chức chi trả, đền bù là khoảng 132 hộ bị ảnh hưởng, ước thiệt hại khoảng 5,4 tỷ đồng (chưa bao gồm các hộ dân thuộc tỉnh Tuyên Quang bị ảnh hưởng).
Bùn thải quặng đuôi chảy tràn xuống khu vực nhà dân ở xã Bản Thi.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, thăm nắm tình hình sự cố; chỉ đạo Sở Công thương chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, tiếp cận khu vực bị vỡ thân đập hồ thải quặng đuôi số 1; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên, chủ động rà soát thực hiện các công việc cần thiết để chủ trì hoặc phối hợp với địa phương, doanh nghiệp khắc phục sự cố sạt lở hồ chứa quặng đuôi.
Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo doanh nghiệp khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện, vật tư khắc phục ngay vị trí thân đập bị vỡ, khoanh vùng nguồn chất thải, không để chất thải tiếp tục chảy ra ngoài hồ chứa xuống sông, suối và tiến hành dọn dẹp bùn thải đã chảy trôi ra ngoài, có phương án chi trả các thiệt hại của người dân do ảnh hưởng của sự cố sạt lở và chi phí tổ chức khắc phục ứng phó sự cố môi trường, phục hồi môi trường theo quy định. Yêu cầu doanh nghiệp dừng mọi hoạt động sản xuất của Xưởng tuyển cho đến khi khắc phục xong các hạng mục công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý toàn bộ chất thải của Xưởng tuyển.
Trước những khó khăn trong đánh giá và xử lý, ngày 19/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã có báo cáo số 6707/UBND-GTCGXD gửi Bộ Công thương. Trong đó tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ xem xét phối hợp chỉ đạo giải quyết sự cố, cử chuyên gia hỗ trợ hoặc giới thiệu đơn vị tư vấn kiểm định có kinh nghiệm, năng lực để thực hiện giám định chất lượng công trình phục vụ đánh giá nguyên nhân sự cố và đưa ra giải pháp khắc phục đối với sự cố sạt lở hồ chứa quặng đuôi mỏ kẽm chì Chợ Điền.
Hậu quả khôn lường
Quặng đuôi là loại chất thải được hình thành trong quá trình tuyển quặng, bao gồm cả dạng rắn và lỏng. Quặng đuôi thải thường đã trải qua một hoặc nhiều quá trình xử lý hoá – lý và chứa một hay nhiều phụ gia công nghiệp dùng trong quá trình tuyển khoáng. Các loại quặng đuôi này thường được thải vào hồ, đập thải quặng đuôi.
Các hồ và đập thải quặng đuôi có khả năng gây ô nhiễm cao do chứa nhiều chất độc hại. Chất ô nhiễm ở các khu vực đó chủ yếu là các kim loại nặng, hóa chất, nước thải axit mỏ, chất rắn lơ lửng, v.v.
Theo giới chuyên môn, ngành khai thác chế biến khoáng sản là một trong những ngành công nghiệp gây ra nhiều sự cố môi trường nhất và các sự cố đã xảy ra ở hầu hết các quốc gia có hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Các sự cố môi trường trong ngành chế biến khoáng sản thế giới chủ yếu liên quan đến các đập/hồ thải chứa quặng đuôi từ chế biến các loại khoáng sản khác nhau. Hậu quả là thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của dân sống quanh khu vực.
Các hồ và đập thải quặng đuôi có khả năng gây ô nhiễm cao do chứa nhiều chất độc hại.
Ở nước ta, theo các đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì ngành công nghiệp chế biến khoáng sản trong nước đang gây ô nhiễm và suy thoái môi trường rất nghiêm trọng. Các chất độc hại bao gồm các kim loại nặng, axit, sulphate, v.v. từ chất thải đã theo nguồn nước từ khu vực mỏ gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm.
Trên thực tế, ngành chế biến khoáng sản ở Việt Nam đã xảy ra nhiều sự cố liên quan đến hồ thải quặng đuôi. Thời tiết mưa bão đã làm tràn và vỡ thân đập hồ thải hoặc rò rỉ nước trong hồ, đập thải quặng đuôi gây sự cố ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh và rủi ro về tài sản và tính mạng con người.
Trong khoảng thời gian 2011 – 2014 đã xảy ra 4 vụ vỡ đập ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, gồm: Công ty Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), Công ty Nhôm Lâm Đồng (tỉnh Lâm Đồng), Công ty Apatit Việt Nam (tỉnh Lào Cai), Công ty Đầu tư và Khoáng sản Tây Bắc (tỉnh Yên Bái).
Mới đây nhất là sự cố sạt lở tại hồ chứa quặng đuôi số 1 của mỏ kẽm chì Chợ Điền, xã Bản Thi (Chợ Đồn- Bắc Kạn).
Các vụ vỡ đập này ít gây thiệt hại trực tiếp về người, tuy nhiên đều ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, nhà cửa của người dân sống xung quanh.
Ảnh hưởng do sự cố tràn chất thải hoặc sự cố chất ô nhiễm phát sinh từ chất thải chứa trong các hồ, đập thải quặng đuôi này đã tác động đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng ngay trong quá trình hoạt động chế biến và kéo dài cả khi đã ngừng hoạt động (đóng cửa mỏ).
“An toàn hồ đập chứa thải” được quy định tại Thông tư số 41 và Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo đó, quy định rõ “trách nhiệm của chủ sở hữu” trong việc lập và thực hiện quy trình vận hành hồ chứa quặng đuôi. Quy trình này phải bao gồm các hướng dẫn cho các tình huống bình thường, điều kiện mưa lũ, và phát hiện sớm các dấu hiệu có thể dẫn đến sự cố. Chủ sở hữu cũng phải thực hiện các biện pháp giám sát an toàn, bao gồm kiểm soát thấm; quan trắc chuyển vị; giám sát mực nước trong hồ chứa; và phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố.
Nguồn: hoanhap.vn