Bắc Kạn: Hơn 1.000 khu vực, vị trí cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản
(Xây dựng) – Theo Quyết định mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 1.038 khu vực, vị trí cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có trên 270 mỏ và điểm khoáng sản thuộc 24 loại khoáng sản được chia thành 5 nhóm. |
Quyết định số 6341/QĐ-TTg ngày 24/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Việc khoanh định các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nhằm bảo đảm mục tiêu khai thác khoáng sản phải gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội; làm cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng phát triển bền vững.
Khu vực cấm hoạt động khoáng sản có 1.038 khu vực, vị trí cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích 145.411,13ha liên quan đến các diện tích đất thuộc khu vực di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hồ thủy lợi; khu vực cấm khai thác cát, sỏi lòng sông; đất dành cho an ninh; đất dành cho quốc phòng; đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; đất thông tin truyền thông; đất thuộc hành lang và công trình giao thông vận tải (đường bộ); đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình điện (thủy điện, trạm điện).
Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bắc Kạn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức quản lý các khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo đúng quy định pháp luật.
Theo kết quả công tác điều tra địa chất tại tỉnh Bắc Kạn, hiện toàn tỉnh có trên 270 mỏ và điểm khoáng sản thuộc 24 loại khoáng sản được chia thành 5 nhóm: Khoáng sản nhiên liệu; khoáng sản kim loại có khoáng chất công nghiệp (đá vôi xi măng, sét xi măng, đá vôi trắng, dolomit, pyrit, barit, graphit và thạch anh tinh thể, đá ốp lát); vật liệu xây dựng thông thường khá phổ biến như đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; đất sét làm gạch, ngói; cát, sỏi.
Trong đó, tiềm năng về khoáng sản kim loại gồm: Quặng sắt, sắt – mangan… dự báo khoảng hơn 15 triệu tấn. Nhiều nhất là khoáng sản chì – kẽm, có 77 mỏ và điểm khoáng sản tập trung chủ yếu ở các huyện: Chợ Đồn, Ngân Sơn, trữ lượng khoảng 4 triệu tấn. Antimon chủ yếu là các điểm quặng với trữ lượng không lớn, tập trung ở huyện Chợ Mới và huyện Na Rì. Thiếc tại Bắc Kạn cũng được dự báo có trữ lượng khoảng trên 2.300 tấn. Ngoài ra, nguồn khoáng sản quý hiếm tại tỉnh Bắc Kạn còn phải kể đến là vàng. Toàn tỉnh hiện có 17 mỏ và điểm quặng, trong đó có 7 điểm mỏ vàng gốc và 10 điểm vàng sa khoáng với tổng trữ lượng dự báo khoảng 30-50 tấn.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn còn có các khoáng sản phi kim loại khác như: Sét gạch ngói tại huyện Ba Bể; sét xi măng ở huyện Chợ Mới; đá vôi trắng ở các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông và Ba Bể; graphit ở các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Ba Bể. Trên địa bàn tỉnh cũng phát hiện đá quý và nửa đá quý như hạt đá quý rubi và saphia sa khoáng hoặc gốc.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động khai thác khoáng sản, từ năm 2011 đến hết năm 2020, UBND tỉnh Bắc Kạn đã cấp chủ trương đầu tư cho 57 dự án khai thác và chế biến khoáng sản với tổng số vốn đăng ký trên 5.140 tỷ đồng. Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Kạn cấp 47 giấy phép thăm dò khoáng sản và 60 giấy phép khai thác khoáng sản. Hiện nay, có 48 giấy phép khai thác còn thời hạn.
Nguồn: Báo xây dựng