Bắc Giang triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp
Thực hiện Đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (viết tắt là Đề án 996); mới đây Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ TCĐLCL tổ chức hội nghị xây dựng mô hình điểm về triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Chi cục TCĐLCL, tại tỉnh Bắc Giang có 3 doanh nghiệp đăng ký tham gia gồm: Công ty Cổ phần nước sạch Bắc Giang (Địa chỉ: số 38, đường Xương Giang, TP. Bắc Giang); Công ty Điện lực Bắc Giang (Địa chỉ: số 22, đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Trần Nguyên Hãn, TP. Bắc Giang); Công ty TNHH Vật tư ngành nước Phú Thịnh (Địa chỉ: Lô C5+C6, khu CN Đình Trám, huyện Việt Yên).
Các nội dung cơ bản để triển khai hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp gồm: Phổ biến, tập huấn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý một số chính sách của nhà nước về đổi mới hoạt động đo lường để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế theo Đề án 996.
Bắc Giang triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Thống nhất đầu mối quản lý và triển khai xây dựng và thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại 03 doanh nghiệp đã đăng ký. Hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị và cung cấp thông tin sơ bộ về thực trạng đo lường tại doanh nghiệp. Những lợi ích khi triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp. Một số kinh nghiệm thực tế xây dựng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Theo nhận định của lãnh đạo Chi cục TCĐLCL tỉnh Bắc Giang, đây là bước triển khai ban đầu giúp doanh nghiệp đăng ký tham gia mô hình điểm tiếp cận và triển khai chương trình đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, hội nhập với thế giới. Đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp không chỉ là đảm bảo phương tiện đo mà còn đảm bảo cả năng lực, hệ thống quản lý, năng lực thực hiện và các năng lực khác.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khẳng định, đo lường không chỉ đứng một mình mà đi liền với tiêu chuẩn, hoạt động công nhận và đánh giá sự phù hợp. Chương trình đảm đo lường là một trong những cốt lõi của hoạt động đo lường, chúng ta làm sao gắn với tiêu chuẩn, hệ thống quản lý, các hoạt động về thử nghiệm. Bên cạnh đó, đảm bảo đo lường không chỉ là đảm bảo phương tiện đo mà còn đảm bảo cả năng lực, hệ thống quản lý, năng lực thực hiện và các năng lực khác.
Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án 996 về đo lường tại Quyết định số 82/QĐ-BKHCN ngày 16/01/2019; phê duyệt danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến 2025, định hướng đến 2030 tại Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN 18/12/2019; Công bố TCVN 13187:2020 về tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường tại Quyết định số 2783/QĐ-BKHCN 13/10/2020; Ban hành Quyết định 510/QĐ-BKHCN ngày 17/03/2021 “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”.
Thông tin thêm về việc thực hiện, ông Trần Quý Giầu, Vụ trưởng Vụ Đo lường cho biết, hiện đã có 3 Bộ (Công an, Quốc phòng, Công Thương) xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án 996; Đã ký MOU với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đề xuất ký MoU với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Ngoài ra, đang chuẩn bị các bước triển khai chương trình đảm bảo đo lường đến năm 2025 cho toàn bộ các điện lực (bao gồm tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trong lĩnh vực đo lường điện).
Tại địa phương đã có 50 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ xây dựng kế hoạch và đề xuất nhu cầu thực hiện Đề án 996. Bộ KH&CN cũng ký chương trình hợp tác, hỗ trợ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế (trong đó có nội dung triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp thuộc tỉnh).
An Dương