Bắc Giang tiếp tục là tỉnh thành dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế
Bắc Giang tiếp tục là tỉnh thành dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bắc Giang đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) là 14,14%, xếp hạng cao nhất cả nước và đứng thứ 7 về thu hút FDI.
Các đồng chí Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trần Minh Chiêu – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Lê Tuấn Phú – Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Đồng Văn Sủng, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương; đại diện phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, 6 tháng đầu năm 2024, Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 14,14% đứng đầu cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp – xây dựng tăng 18,11%; dịch vụ tăng 6,42%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,82%; thuế sản phẩm tăng 10,59% so với cùng kỳ. Quy mô GRDP đạt 96.058 tỷ đồng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng khá cao so cùng kỳ, ước tăng 26,45%, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 315.145 tỷ đồng, tăng 28% so cùng kỳ. Lĩnh vực xây dựng tiếp tục được quan tâm đầu tư. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 5,72% so với cùng kỳ. Quy mô giá trị sản xuất đạt 17.153 tỷ đồng.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đảm bảo tiến độ, tăng trưởng toàn diện. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 1,81% so với cùng kỳ; Quy mô đạt khoảng 22.145 tỷ đồng. Phương thức sản xuất tiếp tục phát triển mạnh theo hướng sản xuất với quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết, ứng dụng công nghệ cao.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 6 tháng đạt 32.581 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đạt 23,9 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu đạt 12,6 tỷ USD, tăng 22,6%.
Công tác thu chi ngân sách được coi trọng. Tổng thu Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 9.829,6 tỷ đồng, tăng 28,3% so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước đạt 8.786,9 tỷ đồng, tăng 28,1%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.042,7 tỷ đồng, tăng 30%. Tổng chi đạt 10.7974 tỷ đồng.
Công tác quy hoạch, đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia được quan tâm chỉ đạo thực hiện; đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Xây dựng và triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đến hết ngày 15/6/2024, toàn tỉnh giải ngân được 1.803,5 tỷ đồng.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Thu hút đầu tư được trên 1.300,8 triệu USD vốn đầu tư quy đổi. Riêng thu hút đầu tư vốn FDI đứng thứ 7 cả nước và đứng đầu Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Từ đầu năm 2024, có 851 doanh nghiệp và 79 chi nhánh, văn phòng đại diện được thành lập mới; tổng vốn đăng ký đạt 7.615 tỷ đồng…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, 6 tháng đầu năm 2024, Bắc Giang còn một số tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế -xã hội.
Theo đó, sản xuất công nghiệp dù tăng khá nhưng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do chi phí nguyên vật liệu tăng, đơn hàng sụt giảm. Thu hút đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu chậm lại, quỹ đất để thu hút đầu tư còn hạn chế. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm so với cùng kỳ, trong khi số giải thể, tạm ngừng hoạt động lại tăng cao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với yêu cầu.
Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu kém, để xảy ra sai phạm như: Đất đai, khoáng sản, quản lý tài chính ở các đơn vị sự nghiệp công lập.
Công tác phối hợp và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thực sự kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, có lúc còn máy móc, cứng nhắc. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ vẫn còn xảy ra ở một số nơi, tại một số thời điểm. Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức có mặt còn hạn chế, còn để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức vi phạm pháp luật…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh trả lời một số vấn đề liên quan đến phát triển KT-XH được các nhà báo quan tâm. Trong đó, liên quan đến kinh nghiệm trong đào tạo học sinh giỏi, đại diện Sở GD&ĐT cho biết để đạt được kết quả tích cực trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và Olympic khu vực vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã có sự đầu tư bài bản trong thời gian dài. Từ năm 2015, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển trường THCS trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2025, đồng thời chỉ đạo Trường THPT Chuyên Bắc Giang đưa giáo viên giỏi về các trường THCS trọng điểm trên địa bàn tỉnh để bồi dưỡng giáo viên tại đây. Qua đó liên tục nâng cao trình độ giáo viên, học sinh cấp cơ sở, hướng đến bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, tạo nguồn tốt cho Trường THPT Chuyên và các lớp chất lượng cao của các trường THPT trong tỉnh.
Về cơ chế, chính sách, HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang; giáo viên, chuyên gia tập huấn và học sinh tham gia đội tuyển thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, Olympic khu vực và quốc tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2023 đã kịp thời động viên, tạo thêm điều kiện cho các thầy cô giáo và các em học sinh nỗ lực phấn đấu để đạt thành tích cao trong các kỳ thi.
Về nội dung giải ngân vốn đầu tư công chậm so với kế hoạch được giao, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lương Văn Nghiệp cho biết nguyên nhân của tình trạng này đến từ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng ở giai đoạn cuối ảnh hưởng tiến độ thi công; nhiều thủ tục hành chính trong triển khai dự án… Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chưa chủ động giải quyết khó khăn dù đã được hỗ trợ; nhiều nhà thầu, chủ đầu tư còn lúng túng trong áp dụng chính sách pháp luật, dẫn đến chậm triển khai dự án… Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh đã thành lập tổ công tác để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân. Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư đăng ký về kết quả giải ngân theo từng thời điểm, tỉnh kiểm điểm tiến độ từng dự án định kỳ.
Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 365 dự án của Hàn Quốc đầu tư trên địa bàn tỉnh. Định hướng của tỉnh Bắc Giang là phát triển trung tâm sản xuất bán dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc trong thời gian tới. Do đó, trong chuyến thăm Hàn Quốc sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tỉnh hy vọng sẽ có thêm các nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc ở lĩnh vực bán dẫn đầu tư vào địa bàn.
Về vấn đề giải quyết cán bộ dôi dư cấp xã sau khi sáp nhập, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, tỉnh đã xây dựng phương án sắp xếp phù hợp đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi, chế độ đãi ngộ cho các cán bộ sau sáp nhập.
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cũng trả lời, làm rõ một số nội dung phóng viên các cơ quan báo chí đưa ra như: Sản lượng vải thiều sụt giảm; kế hoạch tuyên truyền logo mới của tỉnh; kế hoạch thu hút khách du lịch 6 tháng cuối năm; thực trạng triển khai các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh;…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn nhấn mạnh, Bắc Giang đạt được tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước trong 6 tháng đầu năm 2024 là sự nỗ lực của cả tỉnh. Tới đây, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu kinh tế – xã hội đề ra.
Cùng đó, tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng điểm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phấn đấu kết quả của các chỉ số đứng trong tốp 10 toàn quốc.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị