Bắc Giang: Tập trung phát triển du lịch cộng đồng

(Xây dựng) – Với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng trở thành loại hình du lịch mũi nhọn, bền vững, làm tiền đề thúc đẩy các loại hình du lịch khác nhằm phát huy các giá trị tài nguyên du lịch, tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2022-2030.

bac giang tap trung phat trien du lich cong dong
Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử (Bắc Giang) hút khách thời gian qua.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 công nhận các khu, điểm du lịch cộng đồng với các sản phẩm du lịch đặc thù. Tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển 02 mô hình du lịch thí điểm tại huyện Lục Ngạn, tiếp tục hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng hiện có. Chỉ tiêu khách du lịch đạt 2 triệu lượt người, trong đó khách lưu trú đạt 1 triệu lượt người, doanh thu từ du lịch đạt trên 100 tỷ đồng, tổng số lao động trực tiếp đạt trên 2.000 người.

Đến năm 2030, tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các điểm du lịch cộng đồng tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Việt Yên và Sơn Động; tiếp tục hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng khác, đặc biệt là 20 điểm du lịch cộng đồng vùng cây ăn quả Lục Ngạn. Chỉ tiêu khách du lịch đạt 3 triệu lượt người, trong đó khách lưu trú đạt 2 triệu lượt người. Doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm (nếu kiểm soát được Covid-19). Tổng số lao động trực tiếp đạt trên 5.000 người. Phấn đấu đến hết năm 2030 các điểm du lịch cộng đồng và thăm quan vùng cây ăn quả có đủ điều kiện đón ít nhất 1,0 triệu lượt khách/năm, trong đó có 10 nghìn khách quốc tế.

Giai đoạn 2022-2030, tập trung phát triển các mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với; Du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh; Du lịch trang trại nông nghiệp, sinh thái, trải nghiệm (Farmstay); Du lịch ẩm thực, mua sắm; Du lịch chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp (Wellness Tourism). Quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch cộng đồng của tỉnh, thông qua sử dụng công nghệ số trong du lịch (du lịch thông minh).

Nâng cấp tổng thể cơ sở vật chất, các dịch vụ gia tăng kèm theo và kéo dài thời gian lưu trú; thúc đẩy chi tiêu của du khách khi tiêu thụ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại tỉnh. Hình thành các công ty có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Tạo việc làm cho người lao động tại các điểm du lịch cộng đồng, tăng nguồn thu nhập cho người dân từ hoạt động du lịch.

Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đưa ra 10 nhóm giải pháp đó là: Đồng bộ cơ sở hạ tầng và xây dựng nền tảng, điểm du lịch cộng đồng thông minh; xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, có khả năng kết nối và có đủ điều kiện để phục vụ nhu cầu của khách du lịch; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và cơ chế, chính sách phát triển du lịch cộng đồng; phát triển nhân lực du lịch cộng đồng; xây dựng, phân loại và ưu tiên sản phẩm du lịch đặc thù; phát triển thị trường du lịch, định hướng thị trường khách hàng; tuyên truyền, xúc tiến – quảng bá du lịch cộng đồng; liên kết sản phẩm – thị trường; xây dựng ứng dụng (app) hướng dẫn khách du lịch đến tham quan du lịch cộng đồng tại tỉnh; các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư như nâng cấp hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch cộng đồng; giải pháp về môi trường, cảnh quan, an toàn du lịch, đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy các tạp chí hàng đầu thế giới bình chọn là điểm đến an toàn, hấp dẫn của Việt Nam.

Nhiệm vụ năm 2022 đến 2025 sẽ xây dựng và vận hành 02 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng hiện có. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch cộng đồng; tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng; tổ chức tập huấn bồi dưỡng nhân lực du lịch cộng đồng. Năm 2025 đến 2030 sẽ hoàn thành việc xây dựng các quy chuẩn, quy chế, điều lệ hoạt động của các khu, điểm du lịch.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích