Bắc Giang: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy

Bắc Giang: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy

Tường Minh –  Thứ năm, 15/09/2022 15:25 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn đề nghị Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự (ANTT) và phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

tm-img-alt
Tổ chức Huấn luyện nghiệp vụ Phòng cháy chữa cháy và CNCH tại Công ty TNHH Hana Micron (Bắc Giang)

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Kết luận số 02 ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Nghị định số 136 ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; Công văn số 120 ngày 27/7/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đối với các cơ sở kinh doanh hoạt động “trá hình”, kiên quyết không để tình hình phức tạp về ANTT, gây bức xúc trong nhân dân…

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định về ANTT, PCCC, kỹ năng PCCC, kỹ năng thoát hiểm… đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, nhất là những người được giao trực tiếp quản lý, điều hành, công nhân, người lao động, số nhân viên phục vụ… trong các cơ sở có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ như quán bar, karaoke, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, nguyên vật liệu dễ cháy, kho hàng hóa, chợ… để nắm, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống cháy, nổ và hậu quả nghiêm trọng của cháy, nổ và chấp hành theo quy định. Thực hiện cơ chế quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Công an tỉnh chủ trì rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy chế phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương lân cận trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH); xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ huy hiệp đồng, bảo đảm thống nhất, chặt chẽ khi xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, nhất là các vụ việc phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia…

Tiến hành tổng kiểm tra việc thực hiện các quy định an toàn về PCCC và CNCH, các quy định về ANTT đối với toàn bộ cơ sở có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ, tập trung vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar; các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, nguyên vật liệu dễ cháy, kho hàng hóa, chợ; khu dân cư, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh… trên địa bàn tỉnh; kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý và phối hợp các cơ quan chức năng kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp vi phạm theo quy định, nhất là đối với các cơ sở chưa mở lối thoát nạn thứ 2.

Yêu cầu chủ cơ sở, nhân viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và hướng dẫn cho các cơ sở thực hiện nghiêm các quy định an toàn về PCCC, CNCH và ANTT. Tự kiểm tra, giám sát an toàn về PCCC và CNCH, nhất là việc duy trì ngăn cháy lan, lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp; hệ thống, thiết bị PCCC, hệ thống điện, việc sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ…; bảo đảm các biện pháp an toàn về PCCC trong quá trình cải tạo, sửa chữa cơ sở, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ…

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí và lực lượng Công an tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH, ANTT cho nhân dân; chỉ đạo các nhà mạng viễn thông định kỳ gửi tin nhắn cho các thuê bao di động để khuyến cáo, cảnh báo và hướng dẫn các kỹ năng bảo đảm an toàn về PCCC. Phối hợp với Công an tỉnh công khai các dự án, công trình vi phạm quy định của pháp luật về PCCC nhưng chậm hoặc chưa được khắc phục trên các phương tiện thông tin đại chúng để các sở, ban, ngành, địa phương và người dân cùng tham gia giám sát.

Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng; phối hợp với Công an tỉnh trong công tác thẩm định, nghiệm thu công trình xây dựng gắn với thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; không cấp phép xây dựng, cấp phép hoạt động đối với công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về ANTT, PCCC; không để dự án, công trình xây dựng đưa vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về ANTT, PCCC của cơ quan Công an.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác quản lý nhà nước kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định tại Nghị định số 54 ngày 19/6/2019 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; kịp thời phát hiện vi phạm, kiên quyết thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường thời lượng tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH, kỹ năng thoát nạn, kỹ năng sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu…; xây dựng chuyên mục, chuyên trang riêng, định kỳ tuyên truyền về công tác PCCC và CNCH.

Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lồng ghép nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm trong các cơ sở giáo dục phù hợp với từng cấp bậc học theo quy định của Luật PCCC.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ); thành lập Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH cấp huyện, chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH cấp xã đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế; xây dựng, bổ sung lực lượng PCCC cơ sở bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ và quy định của Luật PCCC (hoàn thành trong năm 2022).

Tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động và xây dựng các mô hình Tổ liên gia tự phòng, tự quản cho phù hợp, đảm bảo đúng quy định. Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về PCCC đối với các cơ sở thuộc cấp huyện quản lý. Chỉ đạo đơn vị chức năng khi xem xét cấp phép xây dựng, cải tạo đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT phải xem xét chặt chẽ các điều kiện về ANTT, an toàn PCCC và CNCH theo quy định; tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các cơ sở đã xây dựng vi phạm, kiên quyết thực hiện các biện pháp phá dỡ theo quy định. Rà soát và có biện pháp khắc phục những khó khăn, bất cập về giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc… phục vụ công tác chữa cháy, CNCH, nhất là những địa bàn tập trung các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.

Đối với công tác quản lý các cơ sở kinh doanh “trá hình” phức tạp về ANTT, yêu cầu UBND các huyện, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả của Tổ kiểm tra liên ngành trong kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh hoạt động “trá hình” trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại địa bàn có các cơ sở kinh doanh hoạt động “trá hình”, tổ chức xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả của các mô hình, tổ chức quần chúng tại địa bàn cơ sở, phát huy vai trò giám sát, tố giác tội phạm của cán bộ thôn, tổ dân phố và nhân dân; dán và niêm yết số điện thoại đường dây nóng của các lực lượng chức năng tại các cơ sở này và những hộ dân, địa bàn xung quanh để kịp thời tiếp nhận những phản ánh khi có dấu hiệu phức tạp về ANTT./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích