Bắc Giang: Sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động
Bắc Giang: Sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động
Ngày 31/7, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì tại điểm cầu T.Ư.
Tại điểm cầu Bắc Giang, các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã được triển khai qua các giai đoạn, bảo đảm phù hợp với diễn biến tình hình, điều kiện thực tế, đáp ứng sự phát triển của đất nước. Đây là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của các cấp, ngành, địa phương và người dân.
Vì vậy, đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, chủ trương và xác định rõ các mục tiêu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong sắp xếp, bảo đảm phù hợp, linh hoạt, chắc chắn từng bước, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hệ thống chính trị và cuộc sống của người dân. Đội ngũ lãnh đạo điều hành quyết liệt nội dung này, thống nhất quan điểm tinh giản bộ máy song phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư quán triệt nhiều nghị quyết, văn bản hướng dẫn quan trọng liên quan đến công tác sắp xếp như: Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 21/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp; hướng dẫn của Bộ Nội vụ về thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc phạm vi thẩm quyền của bộ; hướng dẫn việc rà soát, bổ sung thực hiện các chính sách theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của bộ…
Quán triệt Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Mục tiêu đến năm 2030 phải hoàn thành đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện theo quy định.
Trong quá trình sắp xếp, quy định rõ việc sử dụng và lộ trình sắp xếp số lượng biên chế cán bộ, công chức và số lượng cấp phó của các ĐVHC dôi dư; về định mức phân bổ ngân sách, thời gian hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù với các ĐVHC sau sắp xếp; về mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương phục vụ việc sắp xếp.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định, công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Vì vậy, ngay sau khi có kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nghị quyết triển khai, thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn trước, nhiều bài học kinh nghiệm được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra. Đó là việc thống nhất về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị; chú trọng tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong nhân dân; việc sắp xếp bài bản, khoa học nhưng không cầu toàn, không nóng vội, trên cơ sở công khai, minh bạch, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể liên quan; khẩn trương bố trí và giải quyết đúng quy định các chế độ chính sách cho những trường hợp liên quan sau sắp xếp; kịp thời phát hiện và xử lý những vướng mắc, khó khăn phát sinh; tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là chủ thể có liên quan trong quá trình sắp xếp; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; các bộ, ngành T.Ư, địa phương tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ, mang lại hiệu quả tối đa trong triển khai nhiệm vụ.
Quá trình sắp xếp phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tính đồng bộ, chặt chẽ, thực hiện có lộ trình cụ thể, có phương pháp phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; công tác sắp xếp cần phù hợp các quy hoạch vùng, tỉnh, đô thị, nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, chủ động điều chỉnh quy hoạch nếu có vướng mắc phát sinh.
Đồng chí nhấn mạnh, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã trong giai đoạn tới cần gắn với đổi mới, sắp xếp bộ máy hành chính tinh gọn để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Quá trình sắp xếp, ngoài căn cứ theo tiêu chuẩn, tiêu chí về tự nhiên, quy mô dân số theo quy định thì cần phải xem xét yếu tố về lịch sử, địa lý, văn hóa, tập quán địa phương; phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức thành viên; quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế từ giai đoạn trước.
Đồng chí yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn; phối hợp với các địa phương trong việc đánh giá mức độ khả thi, phù hợp để có những điều chỉnh kịp thời. Các địa phương xây dựng kế hoạch, đề án, lộ trình thực hiện trên cơ sở bám sát các quy định và cân đối việc bố trí nguồn lực phù hợp tình hình thực tế.
Phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Dương Văn Thái đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tập trung nghiên cứu, nắm chắc các văn bản chỉ đạo, nhất là Kết luận số 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo. Quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương sắp xếp.
Tới đây, 6 địa phương có các xã phải thực hiện sắp xếp gồm: Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng và TP Bắc Giang. Sau hội nghị, BTV Tỉnh ủy sẽ có chỉ thị để chỉ đạo thực hiện nội dung này. Vì vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tham mưu cho BTV Tỉnh ủy ban hành chỉ thị, trình trong phiên họp thường vụ tháng 8. Đặc biệt, 6 huyện uỷ, thành uỷ tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Sau khi có chỉ thị, đồng chí đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó xác định rõ trình tự, tiến độ, phương án sắp xếp cụ thể để sớm trình Bộ Nội vụ phê duyệt. UBND tỉnh nghiên cứu, có thể thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để triển khai nội dung này; kịp thời hướng dẫn các huyện, TP bám sát tiêu chí, tiêu chuẩn theo văn bản hướng dẫn của T.Ư; bảo đảm tiến độ.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị