Bắc Giang: Rà soát tổng thể dự án xây dựng Kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh
(Xây dựng) – Trước viễn cảnh dự án tiếp tục chậm tiến độ do phản ứng gay gắt từ phía người dân, tỉnh Bắc Giang đang yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện dự án xây dựng Kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh tại thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu (Việt Yên).
Hiện nay còn 61 hộ dân thôn Nam Ngạn chưa đồng ý chủ trương thu hồi đất. |
Theo tìm hiểu được biết, tháng 10/2017, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh của Công ty TNHH Bình Minh triển khai tại thôn Nam Ngạn và Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu, huyện Việt Yên. Dự án có diện tích đất dự kiến thu hồi thực tế khoảng 82.850,6m2 (diện tích theo quyết định chủ trương đầu tư là khoảng 83.400,0m2).
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 170 tỷ đồng với mục tiêu là xây dựng kho bãi và lưu giữ hàng hóa; bán buôn xăng dầu; bán lẻ xăng dầu.
Các hạng mục của dự án bao gồm: Bến xuất nhập xăng dầu có khả năng tiếp nhận phương tiện vận chuyển đường thủy có tải trọng đến 1.000 tấn; kho dầu có sức chứa 4.800m3; kho chứa hàng hóa tổng hợp có sức chứa 4.000 tấn; cửa hàng xăng dầu cấp bộ loại II (3.600m3/năm; dầu 3.000m3/năm); cửa hàng xăng, dầu cấp thủy loại III.
Dự án này được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 10/2017 đến tháng 1/2019 thực hiện các nội dung: Hoàn thành thủ tục thuê đất; xây dựng các hạng mục công trình giai đoạn 1, gồm: Cửa hàng xăng, dầu thủy bộ, nhà văn phòng, dịch vụ, kho chứa xăng, dầu, cảng xăng, dầu và tuyến ống dẫn xăng, dầu…
Giai đoạn 2 từ tháng 02/2019 đến tháng 02/2021 sẽ hoàn thành các thủ tục về đất đai và xây dựng nốt các hạng mục còn lại. Là một dự án trọng điểm của huyện Việt Yên và tỉnh Bắc Giang, thế nhưng gần 4 năm qua, dự án vẫn chưa thể triển khai theo kế hoạch do vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một số người dân thôn Nam Ngạn cho biết, lý do không đồng thuận việc xây dựng kho cảng xăng dầu do lo ngại sẽ ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của người dân.
“Người dân chúng tôi không không đồng ý việc xây dựng kho cảng xăng dầu tại đây, vị trí xây dựng cách nhà dân có 3,3m liệu có đảm bảo an toàn? Cái này không chỉ ảnh hưởng tới chúng tôi mà còn ảnh hưởng tới con cháu chúng tôi sau này nữa”, một người dân chia sẻ.
Cánh đồng thôn Nam Ngạn – nơi triển khai dự án. |
Thực tế, trong quá trình triển khai, người dân đã nhiều lần tỏ rõ động thái không đồng tình cho việc xây dựng kho cảng xăng dầu trên địa bàn thôn Nam Ngạn. Mới đây nhất, tối 02/9, UBND xã Quang Châu đã phối hợp với đơn vị tư vấn, cấp ủy, ban lãnh đạo thôn Nam Ngạn tiến hành bơm nước khu vực đồng Giống Dưới ra sông Cầu để phục vụ việc thống kê, kiểm đếm tài sản và chi trả tiền bồi thường đối với các hộ dân liên quan.
Tuy nhiên, việc làm này lại không được người dân nhất trí, dẫn đến việc người dân thôn Nam Ngạn lập hàng rào chặn 4 ôtô và một số xe máy cá nhân của lực lượng chức năng, không cho số phương tiện này rời khỏi hiện trường. Trước phản ứng của người dân, huyện Việt Yên đã vận động người dân dỡ bỏ rào chắn và tạm thời dừng các hoạt động triển khai dự án Kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét và đưa ra phương hướng xử lý.
Để tìm hiểu rõ hơn những vướng mắc của dự án, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND huyện Việt Yên. Theo ông Phương, hiện nay dự án đang gặp khó do người dân đang chưa hiểu rõ về khoảng cách an toàn và vẫn lo ngại việc triển khai dự án sẽ ảnh hưởng tới môi trường sống.
“Hai vấn đề người dân đang thắc mắc là về khoảng cách an toàn và ảnh hưởng môi trường. Thứ nhất là về khoảng cách, cái này người dân đang hiểu nhầm, theo quy hoạch, khoảng cách từ bồn xăng đến khu vực dân cư là rất xa, ở đây người dân chỉ nghĩ rằng ranh giới dự án gần thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và không đảm bảo an toàn. Về khoảng cách an toàn chúng tôi cũng đã đối thoại với người dân và khẳng định là đủ khoảng cách an toàn.
Thứ hai là vấn đề môi trường, về trách nhiệm địa phương, chúng tôi cũng sẽ kiên quyết không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới người dân. Để triển khai dự án, chủ đầu tư cũng đã đánh giá tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng tới môi trường khi dự án đi vào hoạt động và đưa ra các biện pháp xử lý, giám sát chặt chẽ đảm bảo quy định. Ngày 28/10/2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 821/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh”, ông Phương thông tin.
Cũng theo ông Phương, hiện nay UBND tỉnh Bắc Giang đang giao cho Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND huyện Việt Yên, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng rà soát lại toàn bộ tính pháp lý của dự án.
Về chủ trương, trong thời gian tới huyện Việt Yên sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích của dự án đối với địa phương khi đi vào hoạt động. Trong trường hợp người dân vẫn tiếp tục phản đối thì biện pháp cuối cùng sẽ phải cưỡng chế, thu hồi đất.
Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt tại Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 18/01/2019 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Việt Yên; Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 18/02/2019 về phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất huyện Việt Yên năm 2019; Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 về phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Việt Yên… UBND huyện đã triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh, đây là dự án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND huyện xác định là dự án trọng điểm phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, do vậy việc thực hiện dự án là rất cần thiết. Dự án đầu tư xây dựng kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có diện tích đất dự kiến thu hồi thực tế là khoảng 82.850,6 m2 (diện tích theo Quyết định chủ trương đầu tư là khoảng 83.400,0 m2).Mục tiêu của dự án sau khi xây dựng sẽ cùng với các khu, cụm công nghiệp khác góp phần làm cho quê hương “thay da, đổi thịt”; giúp xã Quang Châu có những bước “chuyển mình” mới, người lao động có việc làm, thu nhập của người dân tăng cao, góp phần sớm đưa Việt Yên trở thành thị xã trong tương lai. Tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đến nay khoảng 209 hộ gia đình, cá nhân (diện tích và số hộ thay đổi do chỉ giới dự án thay đổi). Trong đó: Thôn Đạo Ngạn 2 có diện tích là khoảng 49.247,8m2 của 78 hộ gia đình, cá nhân và đất do UBND xã Quang Châu quản lý; phải di chuyển 04 ngôi mộ. Thôn Nam Ngạn có diện tích là khoảng: 33.602,8m2; số hộ bị ảnh hưởng khoảng 131 hộ gia đình, cá nhân và đất do UBND xã Quang Châu quản lý; phải di chuyển khoảng 58 ngôi mộ (do thay đổi chỉ giới hiện nay thôn chưa quy chủ). Bên cạnh đó, cần hiểu đúng về Dự án Petrol Bình Minh như sau: (1) Dự án có tính pháp lý rõ ràng, được tỉnh Bắc Giang xác định là dự án trọng điểm giúp phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. (2)Vấn đề ô nhiễm môi trường được doanh nghiệp cam kết và sẽ giải quyết triệt để, trong đó người dân địa phương có quyền giám sát và bất cứ ở khâu nào, giai đoạn nào doanh nghiệp vi phạm thì nhân dân đều có quyền yêu cầu doanh nghiệp dừng lại. Báo cáo đánh giá được thể hiện trong Quyết định số 821/QĐ-UBND ngày 28/10/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Đầu tư xây dựng kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh” đã nêu rất rõ các nội dung mà công ty đã báo cáo và tỉnh yêu cầu công ty phải thực hiện đúng theo báo cáo này. (3) Bộ mặt quê hương sẽ có nhiều khởi sắc và hứa hẹn tương lai mới, tươi sáng, phát triển…(4) Vấn đề bị tẩy chay, không chơi với… chỉ là những luận điệu mang tính ích kỷ, hẹp hòi thiếu hiểu biết, nhận thức không đầy đủ về dự án. (5) Những thắc mắc của nhân dân về khoảng cách từ khu dân cư tới cảng xăng dầu sẽ được doanh nghiệp trả lời thỏa đáng. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới vào địa bàn, huyện cần triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và sát thực tế như: Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với sự vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền để người dân hiểu về quy định của pháp luật, về các trường hợp dự án thuộc Nhà nước thu hồi đất. Hai là, tăng cường công tác quản lý đất đai và nghiêm khắc xử lý trong các vi phạm đất đai. Nâng cao năng lực cán bộ trong các cấp chính quyền. Công khai, minh bạch thông tin trong công tác quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm tối đa quyền lợi cho người dân có đất thu hồi. |
Nguồn: Báo xây dựng