Bắc Giang: Quy định một số chính sách thực hiện bố trí dân cư các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn
(Xây dựng) – HĐND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quy định một số chính sách thực hiện bố trí dân cư các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030.
Ảnh minh họa (Nguồn: TL). |
Đối tượng áp dụng là hộ gia đình được bố trí ổn định nơi ở theo hình thức tái định cư tập trung hoặc xen ghép được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm: Hộ gia đình đang sinh sống trong vùng thiên tai có nguy cơ mất nhà ở đất ở do sạt lở sụt lún đất, lũ quét, ngập lụt, nước dâng; vùng đặc biệt khó khăn do thiếu đất, nước để sản xuất; các làng chài trên sông nước và khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các hộ gia đình thuộc dự án sắp xếp và ổn định dân cư vùng sạt lở xã Thắng Cương (nay là thị trấn Nham Biền), huyện Yên Dũng giai đoạn 2; các hộ gia đình sinh sống tại làng Chài thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên; các hộ gia đình trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở sụt lún đất, lũ quét, ngập lụt, nước dâng trên địa bàn huyện Lục Ngạn.
Điều kiện hỗ trợ là hộ gia đình phải di chuyển đến chỗ ở mới theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hộ gia đình chỉ được hỗ trợ khi có một chỗ ở duy nhất tại khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai hoặc khu vực đặc biệt khó khăn mà không có chỗ ở tại khu vực khác, được chính quyền nơi dân đi xác nhận.
Theo đó, hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho hộ gia đình để thực hiện di chuyển người và tài sản đến nơi ở mới, thực hiện khai hoang đất sản xuất, xây dựng nhà ở, mua lương thực trong thời gian đầu tại nơi tái định cư, khoan giếng nước sinh hoạt nơi không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ gia đình.
UBND cấp xã nơi nhận dân xen ghép được hỗ trợ để thực hiện điều chỉnh đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ gia đình mới đến, xây mới hoặc nâng cấp lớp học, trạm y tế, thủy lợi nội đồng, đường dân sinh, công trình điện sinh hoạt, công trình cấp nước cộng đồng. Các hạng mục công trình được lựa chọn để nâng cấp hoặc đầu tư mới theo thứ tự ưu tiên, có sự tham gia của cộng đồng người dân sở tại, mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ gia đình.
Hỗ trợ hộ gia đình mua sắm nông cụ, máy móc hoặc hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững trực tiếp cho lao động, thuộc hộ gia đình được bố trí đến vùng dự án ổn định dân cư để chuyển đổi nghề nghiệp. Cụ thể, hộ gia đình được hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ gia đình để mua sắm nông cụ, máy móc, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác trong trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất. Trường hợp không có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc, hộ gia đình được hỗ trợ học nghề cho một lao động để chuyển đổi nghề nghiệp theo quy định tại Quyết định số 6/2023/QĐ-UBND ngày 01/4/2023 của UBND tỉnh Bắc Giang quy định danh mục nghề và mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Nguồn: Báo xây dựng