Bắc Giang: Phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tiên tiến, hiện đại

(Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt sửa đổi, bổ sung Đề án phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Bắc Giang: Phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tiên tiến, hiện đại
Bắc Giang đặt ra mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD đạt trình độ tiên tiến, hiện đại.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang đặt ra mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; tạo ra các sản phấm chất lượng cao về kỹ thuật, mỹ thuật, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, sử dụng phế thải công nghiệp, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Đa dạng các sản phẩm VLXD có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đưa công nghệ xử lý khí thải, bụi, chất thải rắn vào các cơ sở sản xuất VLXD có phát thải, từng bước chuyển đổi hoặc loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Đối với ngành sản xuất xi măng, tỉnh Bắc Giang chủ trương duy trì năng lực sản xuất hiện có, không đầu tư xây dựng mới, không đầu tư mở rộng các dự án các dự án sản xuất xi măng (bao gồm cả trạm nghiền) trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ đối với các nhà máy hiện có nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2025, sử dụng tối thiểu 20%; đến năm 2030, sử dụng tối thiểu 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clanhke và làm phụ gia trong sản xuất xi măng.

Tương tự, đối với ngành sản xuất gạch đất sét nung, Bắc Giang cũng thực hiện duy trì năng lực sản xuất gạch đất sét nung hiện có, không đầu tư xây dựng mới, không đầu tư mở rộng các dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh, không gia hạn thời gian hoạt động sản xuất đối với các cơ sở sản xuất đã hết thời hạn đầu tư được chấp thuận. Đến năm 2025, các cơ sở sản xuất đang sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng phải đầu tư cải tạo, chuyển đổi thành các cơ sở sản xuất có công nghệ tiên tiến, có mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng đáp ứng các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường hoặc buộc phải dừng sản xuất.

Không sử dụng đất nông nghiệp; chỉ sử dụng đất sét mỏ, đất đồi làm nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung; 100% các cơ sở sản xuất gạch có nguồn nguyên liệu hợp pháp (được cấp phép trong hoặc ngoài tỉnh); Sử dụng tối đa các chất thải (tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón; đá xít phế thải từ các mỏ than;…) làm nguyên liệu, nhiên liệu để thay thế nguồn nguyên liệu truyền thống.

Khuyến khích đầu tư sản xuất các chủng loại vật liệu xây không nung có kích thước lớn, các sản phẩm sử dụng nguyên liệu là chất thải công nghiệp, xây dựng (tro, xỉ than; xỉ luyện kim; phế thải phá dỡ công trình,…); các sản phẩm nhẹ; siêu nhẹ dùng để làm tường, vách ngăn, vật liệu chống cháy, chậm cháy, vật liệu cách âm, cách nhiệt, cách điện, tiết kiệm năng lượng, vật liệu mới, vật liệu xanh…; các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Xây dựng…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích