Bắc Giang: Phát hiện một cơ sở sản xuất thực phẩm giả

Trước đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Đội Quản lý Thị trường số 3, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra, xác minh đối với hộ kinh doanh Tạ Văn Tâm, địa chỉ tại thôn Chùa, xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang (do ông Tạ Văn Tâm, sinh năm 1988, chủ hộ) có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ một số máy móc, nguyên vật liệu, tem nhãn, hàng hóa có liên quan đến dấu hiệu sản xuất hàng giả gồm: máy hàn miệng túi, máy đóng nắp hộp, máy in date, cân và một số dụng cụ dùng để đóng gói.

Lực lượng chức năng cũng phát hiện khoảng hơn 100.000 tem nhãn hàng hóa các loại; 250kg vỏ túi nylon, vỏ hộp các loại; hơn 1.200 gói hàng hóa đã thành phẩm (gồm: bò khô, khô gà, hướng dương, bánh kẹo các loại…) và 2.400 chiếc chân gà đã qua tẩm ướp không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Phát hiện một cơ sở sản xuất thực phẩm giả tại Bắc Giang

Ông Tạ Văn Tâm thừa nhận đã đặt mua nguyên vật liệu trôi nổi trên mạng, mua máy móc, đặt in tem nhãn làm giả tên địa chỉ, tổ chức, cá nhân, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa.

Sau đó, chủ cơ sở này tiến hành đóng gói hàng hóa để bán kiếm lời. Ông Tạ Văn Tâm cũng thừa nhận bản thân trực tiếp sử dụng xe ôtô tải phục vụ việc vận chuyển, phân phối hàng đi giao bán tại các đại lý, cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Lạng Giang.

Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang đã phối hợp Đội Quản lý Thị trường số 3, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Bắc Giang lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số tang vật nêu trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất trong nước hoặc ở nước ngoài và đưa vào Việt Nam bằng nhiều con đường. Vật tư, nguyên liệu, linh kiện sản xuất hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc an toàn, không có sự đầu tư về kỹ thuật và công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm, địa điểm sản xuất không đảm bảo vệ sinh công nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng lại bao bì cũ của hàng chính hãng làm cho người tiêu dùng khó nhận biết, phân biệt giữa hàng chính hãng và hàng giả.

Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường được tiêu thụ ở các địa điểm, khu vực, trung tâm, cửa hàng buôn bán hàng hoá ở cả thành thị, nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tác hại của hàng giả, hàng hóa xâm phạm, quyền sở hữu trí tuệ là không nhỏ. Đối với người tiêu dùng, đây là đối tượng trực tiếp và bị thiệt hại về nhiều mặt từ việc mua và sử dụng hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước hết là thiệt hại về kinh tế, nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng người sử dụng vì đó là hàng hoá không đảm bào chất lượng, hàng hóa có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt đối với các mặt hàng như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm.

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính là đối tượng chịu thiệt hại nhất về kinh tế do tệ nạn hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ làm giảm uy tín thương hiệu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn làm lu mờ hình ảnh của nhãn hiệu nổi tiếng và có thể gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng. Nghiêm trọng hơn là triệt tiêu động lực sáng tạo về trí tuệ của các doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung, doanh nghiệp có thể bị phá sản, người lao động mất việc làm.

Đối với quản lý kinh tế – xã hội, tệ nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh lành mạnh và thu hút đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài và thực hiện cam kết song phương hoặc đa phương về sở hữu trí tuệ. Kỷ cương pháp luật không được thực thi nghiêm minh, Nhà nước thất thu thuế, xã hội mất đi của cải, vật chất, môi trường bị xâm hại, đó là những tác hại to lớn do nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trực tiếp gây ra.

Không chỉ vậy, việc sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn gây nên những hậu quả phức tạp, nặng nề về đạo đức và xã hội. Yếu tố phi pháp làm gia tăng chênh lệch giữa người giàu và người nghèo. Lợi nhuận phi pháp từ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn làm cho đạo đức bị tha hoá từ đồng tiền bất chính thu được, kéo theo đó tệ nạn xã hội có cơ hội phát triển.

An Nguyên

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích