Bắc Giang: Ô nhiễm, nguy hiểm rình rập tại vị trí giao cắt trên đường tỉnh 293
Bắc Giang: Ô nhiễm, nguy hiểm rình rập tại vị trí giao cắt trên đường tỉnh 293
Theo dõi MTĐT trên
Tại một nút giao cắt trên đường tỉnh 293, đoạn qua địa bàn xã Hương Gián, huyện Yên Dũng, Bắc Giang đang trở thành điểm gây ô nhiễm, nguy hiểm rình rập cho người và phương tiện giao thông do hoạt động của binh đoàn xe tải chở đất, cát, bê tông.
Cần “xoá” điểm nóng giao thông
Có mặt tại điểm giao cắt giữa đường tỉnh 293 (ĐT293) với đường nhánh dẫn vào khu vực hoạt động sản xuất của một trạm trộn bê tông; cơ sở sản xuất cống bi, cột điện. Đặc biệt là các cảng và bãi tập kết VLXD nằm dưới khu vực chân đê tả sông Thương, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam chứng kiến cảnh tượng đoàn xe tải nối đuôi nhau “phóng” bạt mạng từ ĐT293 rồi rẽ vào khu vực trên (thuộc thôn Lạc Gián, xã Hương Gián, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) để chở đất đá, cát, than, bê tông đi tiêu thụ.
Chỉ ít phút chứng kiến, PV đã ghi nhận rõ sự nguy hiểm rình rập từ đoàn xe tải này, cùng một thời điểm có đến 4 – 5 chiếc xe tải cỡ lớn chở đất và xe bồn chở bê tông thương phẩm ra vào tại nút giao thông này, tất cả đã choáng toàn bộ làn đường giao thông đến mức người đi xe máy cũng khó mà lọt qua được.
Ở phía hai chiều ĐT293 tại đây là hoàng loạt phương tiện ô tô các loại đều phải phanh gấp, dừng chờ để xếp hàng tránh đoàn xe tải di chuyển đã tạo cảnh hỗn loạn giao thông, gây nguy hiểm trực tiếp đến người và phương tiện tham gia giao thông qua khu vực.
Ông Trần Hữu B. – người dân xã Hương Gián cho biết: “Hàng ngày đi làm, phải chứng kiến và đối mặt với đoàn xe tải chạy rầm rầm qua khu vực này thực sự là nỗi ám ảnh, sợ hãi đối với người dân sống quanh khu và cả những người tham gia giao thông qua nút giao này.
Có thể nói đây là điểm nóng về giao thông nhưng không hiểu tại sao cơ quan chức năng lại không lắp đặt hệ thống biển cảnh báo, hạn chế tốc độ – tải trọng tại khu vực này, đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tài xế đang đi với tốc độ cao bị bất ngờ, phải phanh gấp để tránh va chạm.
Cũng theo ông B., không chỉ gây mất ATGT mà đoàn xe tải chở VLXD, xe bồn chở bê tông thương phẩm còn gây ra hệ luỵ lớn về môi trường, khiến khu vực này bụi mù mịt, còn khi trời mưa thì trơn trượt, nhầy nhụa do đất cát rơi vãi từ hoạt động vận tải trên.
Đê tả sông Thương “kêu cứu”
Hoạt động của đoàn xe tải trên không chỉ tạo ra điểm nóng về giao thông, mà còn “uy hiếp” đến sự an toàn của tuyến đê tả sông Thương. Tại thời điểm ghi nhận của PV, đủ các phương tiện cơ giới, máy móc, tàu thuyền được huy động đến các cảng, bãi tập kết VLXD nằm ngay dưới khu vực hành lang bảo vệ an toàn đê sông Thương để hoạt động vận chuyển đất đá, than… từ bãi tập kết xuống thuyền và ngược lại để đi tiêu thụ.
Hoạt động rầm rộ suốt ngày trên cả tuyến giao thông đường thuỷ và đường bộ đã khiến cho đoạn đê này phải “oằn mình” chống chọi. Đặc biệt, với hàng trăm lượt xe tải cỡ lớn hoạt động liên tục hàng ngày đã khiến bề mặt đê bị xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.
Để thực trạng trên đã và đang diễn ra trong suốt thời gian qua thì vai trò, trách nhiệm quản lý và giám sát của lực lượng chức năng được thực hiện thế nào cũng là điều mà dư luận quan tâm.
Để có thông tin khách quan, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với đại diện Đội CSGT-TT Công an huyện Yên Dũng về việc tuần tra kiểm soát đối với điểm nóng giao thông tại nút giao cắt trên và hoạt động của đoàn xe tải gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trong khu vực. Sau khi tiếp nhận thông tin, vị này cho biết sẽ cho kiểm tra và thông tin lại PV sau.
Đối với các phương tiện tàu thuyền có được phép neo đậu dưới lòng sông Thương thuộc địa bàn xã Hương Gián để vận chuyển đất cát, than đá? Qua điện thoại, đại diện Đội CSGT đường thuỷ – Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, đối với các cảng được cấp phép thì họ được hoạt động, còn đối với các cảng không được cấp phép thì mình vẫn có chế tài xử lý. Tuy nhiên phía Đội chỉ xử lý được mấy lỗi nhỏ, ở đây chủ yếu là bên Cảng vụ họ xử lý.
Để đảm bảo ATGT, sự sống còn của tuyến đê tả sông Thương và trả lại môi trường sống trong lành cho người dân địa phương, chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Dũng cần vào cuộc kiểm tra, ngăn chặn dấu hiệu vi phạm hoạt động vận tải của đoàn xe tải, xe bồn chở bê tông nêu trên.
Đặc biệt, cần tiến hành thanh kiểm tra hoạt động của các cảng, bãi tập kết VLXD trên có đúng quy định pháp luật, có đảm bảo hồ sơ pháp lý về môi trường và an toàn tuyến đê tả sông Thương.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị