Bắc Giang: Nhiều khách hàng bỏ cọc sau đấu giá đất
Bắc Giang: Nhiều khách hàng bỏ cọc sau đấu giá đất
Theo cơ quan chức năng, trong nhiều phiên đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ) ở tại các huyện, TP năm nay có không ít khách hàng trả giá cao song đến hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính thì bỏ cọc.
Hàng trăm lô đất bị bỏ cọc
Tại huyện Lạng Giang, từ đầu năm đến nay, toàn huyện tổ chức đấu giá 612 lô đất ở với tổng giá trúng hơn 1 nghìn tỷ đồng. Bà Đặng Thị Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang – Lục Nam cho biết, qua rà soát trong số các lô đất trúng đấu giá, đến nay có 59 lô thuộc các xã: Quang Thịnh, Đại Lâm, Mỹ Hà, An Hà và thị trấn Vôi đến hạn cuối nộp tiền SDĐ nhưng khách hàng không nộp hàng chục tỷ đồng.
Các lô đất có tổng giá trúng hơn 119 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với giá khởi điểm. Ví như xã Quang Thịnh có 23 lô sau khi trúng với tổng số tiền gần 43 tỷ đồng nhưng đến hạn “chót”, khách hàng không thực hiện nghĩa vụ tài chính; thị trấn Vôi cũng có 17 lô bị bỏ cọc, giá trúng gần 47 tỷ đồng. Căn cứ theo quy định của pháp luật, UBND huyện đã ban hành quyết định hủy kết quả trúng đấu giá đối với các lô đất trên.
Ông Nguyễn Đức H (TP Bắc Giang) đấu giá trúng lô đất tại khu cổng UBND xã Quang Thịnh diện tích 102 m2 vào tháng 4 với giá gần 1,9 tỷ đồng, chênh so với giá khởi điểm hơn 1,2 tỷ đồng nhưng đến hạn nộp tiền SDĐ, ông H đã chấp nhận bỏ cọc 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Quang H (Tân Yên) trúng đấu giá lô đất 110 m2 tại thôn Hậu, xã Đại Lâm với giá 1,87 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 1,1 tỷ đồng song ông cũng không nộp tiền SDĐ khi đến hạn.
Tại huyện Lục Nam có một số khách hàng bị hủy kết quả trúng đấu giá. Trường hợp bà Phạm Thị Th (Lục Nam) là ví dụ. Cuối tháng 5 năm nay, bà Th trúng đấu giá lô đất ở tại Khu dân cư đền Thần Nông, xã Cẩm Lý diện tích gần 144 m2 với giá hơn 2 tỷ đồng. Trước khi tham gia đấu giá, bà đặt cọc 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7 vừa qua bà không nộp tiền để nhận đất. Tại Khu dân cư Rộc Meo, thôn Sen, xã Bảo Đài có bà Nguyễn Ngọc V sau khi trúng lô đất với giá hơn 2,1 tỷ đồng cũng bỏ cọc.
Tình trạng trên còn xảy ra tại các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên và nhiều địa phương khác. Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Việt Yên – Hiệp Hòa, từ đầu năm đến nay, qua các phiên đấu giá, huyện Hiệp Hòa có 355 lô đất ở trúng đấu giá, trong đó có 57 lô khách hàng bỏ cọc với số tiền cọc gần 6,8 tỷ đồng. Huyện Việt Yên có 755 lô đất trúng đấu giá, trong đó có 104 lô bị bỏ cọc với số tiền cọc hơn 22 tỷ đồng. Các lô đất này phần lớn có giá trúng rất cao so với mức khởi điểm…
Xem xét nâng mức tiền đặt cọc
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khách hàng sau khi trúng đấu giá bỏ cọc là do thời gian qua nhiều người tham gia đấu giá đất không có nhu cầu đất ở thực sự mà chỉ nhằm mục đích “lướt sóng” kiếm lời hoặc để “thổi giá” những lô đất đã mua gần đó. Khi không bán nhanh được, họ chấp nhận bỏ tiền đặt cọc từ 100 đến vài trăm triệu đồng mỗi lô.
Nguyên nhân nữa là thời gian gần đây các ngân hàng thương mại trên địa bàn rà soát, thắt chặt việc cho vay đối với giao dịch bất động sản khiến người mua đất gặp khó khăn. Đặc biệt, tình trạng khách hàng bỏ cọc còn do thị trường bất động sản trong vòng mấy tháng gần đây đang hạ nhiệt, giao dịch chuyển nhượng không còn sôi động.
Để chấn chỉnh tình trạng bỏ cọc như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm bổ sung thêm các quy định nhằm siết chặt hoạt động đấu giá; cấp có thẩm quyền tính toán tăng mức đặt cọc đối với tài sản đấu giá.
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, giá bán đất nền tại một số tỉnh miền Bắc đã giảm, trong đó giá đất nền của tỉnh Bắc Giang giảm khoảng 5% so với những tháng đầu năm nay.
Bà Ngô Thị H.A, nhân viên môi giới bất động sản tại huyện Lạng Giang cho biết, thời điểm đất “sốt”, có lô tại xã Tân Hưng (Lạng Giang) rao bán 2 tỷ đồng nhưng nay chỉ còn 1,7 tỷ đồng mà vẫn khó bán. Nhiều khu dân cư khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Thực tế, việc tổ chức đấu giá quyền SDĐ ở tại các địa phương trong tỉnh mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều khách hàng tham gia đấu giá trả cao bất thường sau đó bỏ cọc không chỉ làm ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách của tỉnh mà còn gây ra tình trạng “sốt” đất ảo, nhiễu loạn thị trường. Người dân có nhu cầu thực sự về đất ở khó tiếp cận đất đấu giá.
Trước thực tế trên, nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng sớm bổ sung quy định nhằm siết chặt hoạt động đấu giá; tính toán tăng mức đặt cọc đối với tài sản đấu giá.
Ông Đặng Hữu Đang, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Lạng Giang cho biết, dự kiến trong thời gian tới, địa phương nâng mức tính giá đặt cọc cho các lô đất khi đưa ra đấu giá lên 20% so với tổng giá sàn, tăng 10% so với thời điểm trước đây. Nhiều địa phương khác như huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Nam cũng đang xem xét nâng mức đặt cọc các lô đất lên 15-25%.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị