Bắc Giang: Khám phá khu rừng thiêng làng Đá Húc ở Lục Nam

Bắc Giang: Khám phá khu rừng thiêng làng Đá Húc ở Lục Nam

Trần Ngọc Sơn –  Thứ bảy, 10/09/2022 18:33 (GMT+7)

Rừng lim xanh làng Đá Húc, thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn cách trung tâm huyện Lục Nam khoảng 40 km về Đông Nam, cách trung tâm TP Bắc Giang (Bắc Giang) khoảng 65 km về phía Đông Bắc.

Một ngày mùa thu, tháng 9 năm 2022, đúng theo hẹn trước, tôi cùng anh Nguyễn Văn Nguyện – Kiểm lâm viên, Hạt Kiểm lâm huyện Lục Nam đi thăm khu rừng lim xanh cổ thụ của làng Đá Húc, thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang).

tm-img-alt
Cảnh khu rừng lim xanh làng Đá Húc, thôn Nghè Mản (nhìn từ trên cao) Ảnh: TNS

Đường tới thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn có duy nhất một con đường bê tông độc đạo uốn lượn, vòng vèo đi qua những núi, đồi nhấp nhô. Phong cảnh điệp trùng, ngút ngàn cánh rừng keo, bạch đàn nối nhau xa tít tắp. Những vườn cam, bưởi trĩu quả  trong các vườn, đồi, cạnh các ngôi nhà của đồng bào các dân tộc. Khoảng 9 giờ sáng, chúng tôi có mặt đúng điểm hẹn làng Đá Húc, thôn Nghè Mản. Từ chỗ đứng, hướng tầm mắt qua một cánh đồng lúa xanh là cánh rừng Lim xanh thẫm, nổi bật lọt giữa điệp trùng những cánh rừng trồng. Sau lời giới thiệu của anh Nguyễn Văn Nguyện, Trưởng thôn Nghè Mản, anh Tơ Văn Thắng và Phó thôn Lục Văn Chắc (dân tộc cao Lan) phấn khởi dẫn chúng tôi rảo bước hướng tới khu rừng Lim phía trước mặt. Trời nắng nóng, khá oi bức, tiến sâu vào trong rừng một đoạn, một luồng không khí lạnh lùa qua áo vào trong cơ thể, òa! một cảm giác dễ chịu, khoan khoái như vừa bước trong vào căn phòng đang bật điều hòa. Trước mắt chúng tôi, sừng sững rất nhiều cây lim xanh mọc thuần loài, nhiều cây cổ thụ to tuổi đời ước khoảng từ 100 đến trên 200 tuổi. Đo thử một cây lim to cạnh lối mòn lối trên đường đi, kết quả, chu vi gốc cây (ngang ngực) đạt 4,2 m, đường kính là 1,33 m, chiều cao vút ngọn khoảng trên 50 mét.

tm-img-alt
Cây lim xanh cổ thụ, đường kính 1,33 m, chiều cao trên 50 m. Ảnh: TNS.

Đi sâu vào phía trong rừng, một ngôi đình cổ rêu phong, diện tích sàn rộng khoảng 60 m2. Đình tựa lưng vào núi, phía trước hướng nhìn ra cánh đồng lúa xanh mướt và con đường bê tông đi lại của thôn. Cạnh ngôi đình có 3 miếu thờ nhỏ được dựng bằng gỗ lợp ngói. Nhìn về bên phải, cách phía trước đình khoảng 30 m, một cây Lim xanh đại thụ mọc sừng sững, có lẽ là cây to nhất khu rừng. 3 chúng tôi vòng tay ôm quanh gốc không xuể, cây lim này to hơn cây vừa đo trước đó, ước đường kính phải đạt từ 1,8 m trở lên, ngọn cao khoảng 60 m. Phó thôn Lục Văn Chắc thông tin, các bậc cao trong làng dự đoán, cây Lim xanh đến nay có tuổi đời khoảng trên 250 năm tuổi.

tm-img-alt
Cây Lim xanh đại thụ to nhất rừng, 3 người ôm không xuể. Ảnh: TNS.
tm-img-alt
Cán bộ Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Lục Nam cùng tổ BVR trong rừng lim  xanh. Ảnh: TNS.  

Theo Trưởng thôn Tơ Văn Thắng, khu rừng Lim xanh có tổng diện tích 3,04 ha, có tổng số khoảng trên 200 cây. Rừng lim được bà con giữ gìn bảo vệ từ bao đời nay, rừng lim như máu thịt của dân làng, một báu vật thiêng gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây “Thôn Nghè Mản có 270 hộ với trên 1000 nhân khẩu, thôn có 4 dân tộc anh em gồm: Kinh, Tày, Nùng, Dao và Cao Lan. Năm 2019 trở về trước, làng Đá Húc bây giờ là bản Đá Húc, năm 2020 bản Đá Húc sát nhập vào thôn Nghè Mản. Làng Đá Húc hiện nay có khoảng 400 nhân khẩu với 70 hộ dân, 100% dân số của làng là dân tộc Cao Lan” – Trưởng thôn Tơ Văn Thắng chia sẻ.

tm-img-alt
Anh Nguyễn Văn Nguyện – Hạt Kiểm lâm Lục Nam (thứ hai từ trái sang) tuyên truyền hướng dẫn biện pháp BVR cho các thành viên Tổ bảo vệ rừng. Ảnh: TNS.

Bà Tống Thị Kính, 62 tuổi, dân tộc Cao Lan lấy chồng về làng Đá Húc cho hay: “ Tôi lấy chồng về đây đã hơn 40 năm, khi về thấy cánh rừng lim này, cây đã rất to rồi!. Vào những năm 90, có mấy người xấu ở xã khác vào rừng lim này trộm gỗ, về đổ bệnh nặng, đi viện không chữa chạy được, bệnh viện trả về rồi chết, có nhà thì trâu, bò đang khỏe mạnh, tự nhiên bỏ ăn, lăn đùng ra chết. Gia đình họ phải mời thầy ra đình làm lễ xám hối mới được tạm yên ổn. Tin dữ đồn xa, từ đó không ai dám bén mảng tới rừng này ăn trộm gỗ nữa, đến cây củi trong rừng gẫy xuống cũng không ai dám lấy về đun”. Dứt lời, bà Kính chỉ tay vào cành lim xanh bị gẫy nằm ngay phía sau đình bởi cơn mưa bão đầu tháng 9 vừa qua.

tm-img-alt

Bà Tống Thị Kính, chỉ vào cành lim xanh bị gãy do cơn bão đầu tháng 9 nay vẫn nằm nguyên tại rừng. Ảnh: TNS.

Anh Nguyễn Văn Nguyện thông tin, tháng 5/2021, khu rừng lim xanh bị nạn sâu róm nổi lên tàn phá, ăn trơ trụi hết lá. Trước nguy cơ trên, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Lục Nam, Trạm Kiểm lâm địa bàn Đồng Đỉnh hàng ngày theo dõi, giám sát, kiểm soát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh. Một số biện pháp diệt trừ sâu róm được đưa ra như: Phun thuốc trừ sâu, rắc vôi bột quanh gốc cây, dưới mặt đất. Do diện tích rừng lớn, ngọn cây lim rất cao, vượt tầm khả năng việc áp dụng phun thuốc khó hiệu quả. Trạm Kiểm lâm Đồng Đỉnh phối hợp cùng bà con làng Đá Húc tâm huyết diệt sâu róm hại như: Thực hiện rắc vôi bột, vệ sinh quét sạch xung quanh gốc và tán rừng để diệt mầm bệnh. Kết quả, một thời gian sau, rừng lim xanh dần hồi sinh trở lại, cây nẩy mầm lá non, phát triển dần xanh tốt”. 

tm-img-alt
Cán bộ Kiểm lâm – Hạt Kiểm lâm Lục Nam phối hợp kiểm tra BVR rừng lim xanh làng Đá Húc. Ảnh: TNS.

Trò chuyện cùng già làng Tơ Văn Quang, 90 tuổi, cao niên thượng thọ nhất làng Đá Húc kể, qua thời gian, ngôi đình bị xuống cấp, vài lần dân làng đóng góp công sức tu sửa lại. Đình là nơi thờ tự, tôn giáo tín ngưỡng của làng. Ngược thời gian về trước, rừng lim chở che, bao bọc nhân dân, bộ đội từ những ngày đầu khởi nghĩa tiễu phỉ, trừ gian. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954), rừng lim là căn cứ địa chiến đấu vững chắc. Giặc Pháp nhảy dù đổ bộ xuống khu vực Mai Sưu ( huyện Lục Nam) năm 1948, chúng tiến quân càn quét đánh vào khu vực Nghè Mản, Đá Húc giết chết một dân thường, đốt phá nhà cửa, bắn phá bừa bãi khiến nhiều cánh rừng tự nhiên xơ xác, tan hoang, rừng lim xanh làng Đá Húc vẫn kiên cường trong lửa đạn, lớn lên xanh tốt. Theo già làng Tơ Văn Quang, từ bao đời nay, theo truyền thống phong tục của người Cao Lan ở đây, một năm có 4 cái lễ lớn đều được dâng đình cúng vào các ngày âm lịch trong năm gồm: Ngày 15/3 ( lễ đình); 2/6 ( lễ xuống đồng); 14/7 ( lễ lên đồng); tháng 8 âm lịch ( lễ cơm mới), dân làng sẽ chọn một ngày đẹp bất kỳ trong tháng để tổ chức làm lễ cơm mới. Theo phong tục, khi làng tổ chức mở các buổi lễ, các gia đình cử người đại diện tham gia tổ chức buổi lễ đầy đủ, trang trọng.

tm-img-alt
Nhà văn hóa thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn luôn đưa tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng vào các cuộc họp và sinh hoạt văn hóa. Ảnh: TNS.   

Chia tay làng Đá Húc giữa chiều thu đúng ngày rằm tháng 8, bỗng cơn gió thu thổi ào về hơi se lạnh. Tiếng lá cây của rừng lim đu đưa xào xạc trong gió như vẫy chào bịn rịn tiễn chân chúng tôi. Lòng thoáng nghĩ, mặc dù, rừng lim xanh không trực tiếp mang lại tiền bạc từ việc khai thác như rừng trồng sản xuất, song, lợi ích từ việc điều tiết nguồn nước, tưới mát cho những cánh đồng, điều hòa khí hậu và môi trường sinh thái từ khu rừng lim hàng trăm năm tuổi thì không giá trị nào có thể sánh được. Thế mới biết, việc quản lý, bảo vệ giữ rừng lim xanh nguyên vẹn, trường tồn hàng thế kỷ gắn với tâm linh người dân ở làng Đá Húc coi như máu thịt, thiêng liêng không gì thay đổi được. Đó đây, bỗng vang lên tiếng âm thanh gọi nhau í ới, tiếng hú của bọn trẻ con trong làng gọi nhau vọng vào vách đáp lại nghe thật gần. Phó thôn Lục Văn Chắc giải thích: “Chúng nó rủ nhau tối nay ra nhà văn hóa thôn cùng các anh, chị Đoàn thanh niên tổ chức đi rước đèn đấy!”. Một ý nghĩ trẻ con lóe lên trong tôi thật buồn cười: “Ước gì mình được trở lại thời trẻ con, tối nay cùng bọn trẻ làng Đá Húc đi rước đèn trung thu qua khu rừng lim thì thật sướng!./.  

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích