Bắc Giang: Kế hoạch trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2024-2025
Bắc Giang: Kế hoạch trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2024-2025
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 27/11 về việc trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2024-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Mục đích của kế hoạch: Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng từ 16.000 ha (tính lũy kế) rừng trồng gỗ lớn trở lên, tương đương với 20% tổng diện tích rừng trồng tập trung trên địa bàn toàn tỉnh; Nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022.
Đối tượng áp dụng: Tổ chức, cá nhân sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.
Điều kiện được hỗ trợ:
– Phù hợp với quy hoạch hoặc kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
– Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định giao rừng của cấp có thẩm quyền.
– Có hồ sơ thiết kế – dự toán trồng rừng gỗ lớn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Có diện tích trồng rừng gỗ lớn từ 10ha trở lên đối với cây sinh trưởng nhanh (keo) và 5 ha trở lên đối với cây sinh trưởng chậm (Giổi, Sồi phảng, Vù hương, Trám trắng, Lát hoa, Mỡ, Xoan đào, Chò nâu, Chò chỉ, Lim xanh, Táu, Sưa trắng, Xoan nhừ, Re, Sao đen, Xoan ta, các loại Dẻ, Lát Mexico, Thông Caribe, Thông nhựa, Thông mã vĩ, Gáo trắng, Trám đen, Vối thuốc, Thông ba lá, Thanh thất, Đàn hương).
– Thời gian tối thiểu để khai thác rừng là 10 năm đối với loài cây sinh trưởng nhanh, 15 năm đối với loài cây sinh trưởng chậm kể từ thời điểm trồng.
Khối lượng dự kiến thực hiện:
– Giai đoạn 2024-2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng khoảng 3.317 ha. Trong đó: Trồng sinh trưởng nhanh (các loài Keo…) khoảng 2.817 ha; trồng cây sinh trưởng chậm và các loài cây bản địa (Lim xanh , Lát, Vù hương, Giổi, Thông nhựa, Thông caribe, Trám trắng, Xoan đào, Xoan nhừ….) khoảng 500 ha.
– Diện tích cụ thể theo địa bàn các huyện như sau:
+ Huyện Sơn Động: Tổng diện tích thực hiện giai đoạn 2024-2025 là 720 ha. Trong đó: Năm 2024 là 337 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 287 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 50 ha); năm 2025 là 383 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 333 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 50 ha).
+ Huyện Lục Ngạn: Tổng diện tích thực hiện giai đoạn 2024-2025 là 1.420 ha. Trong đó: Năm 2024 là 700 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 600 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 100 ha); năm 2025 là 720 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 620 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 100 ha).
+ Huyện Lục Nam: Tổng diện tích thực hiện giai đoạn 2024-2025 là 807 ha. Trong đó: Năm 2024 là 397 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 347 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 50 ha); năm 2025 là 410 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 360 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 50 ha).
+ Huyện Yên Thế: Tổng diện tích thực hiện giai đoạn 2024-2025 là 370 ha. Trong đó: Năm 2024 là 185 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 135 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 50 ha); năm 2025 là 185 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 135 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 50 ha).
Chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2024-2025:
Giai đoạn 2024-2025, toàn tỉnh dự kiến chuyển hóa khoảng 5.783 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Trong đó: Năm 2024 là 2.802 ha, năm 2025 là 2.981 ha. Diện tích rừng trồng gỗ nhỏ chuyển sang rừng trồng kinh gỗ lớn phân theo các huyện cụ thể như sau:
– Huyện Sơn Động là 1.680 ha (năm 2024 là 787 ha, năm 2025 là 893 ha).
– Huyện Lục Ngạn là 2.000 ha (năm 2024 là 1.000 ha, năm 2025 là 1.000 ha).
– Huyện Lục Nam là 1.073 ha (năm 2024 là 500 ha, năm 2025 là 573 ha).
– Huyện Yên Thế là 1.030 ha (năm 2024 là 515 ha, năm 2025 là 515 ha).
Nhà nước không hỗ trợ kinh phí thực hiện chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. Các tổ chức, hộ gia đình cá nhân tự bỏ vốn và nguồn nhân lực để thực hiện chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn trên diện tích của đơn vị, gia đình mình.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị