Bắc Giang: Huyện Tân Yên nâng cao quản lý an toàn thực phẩm khu, cụm công nghiệp
Bắc Giang: Huyện Tân Yên nâng cao quản lý an toàn thực phẩm khu, cụm công nghiệp
UBND huyện Tân Yên vừa triển khai Kế hoạch quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2025.
Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu 100% cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn được tuyên truyền phổ biến kiến thức về ATTP. 100% người tiêu dùng các khu, cụm công nghiệp được trang bị kiến thức về ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cung cấp suất ăn sẵn cho các khu công nghiệp (KCN) được kiểm tra đạt yêu cầu về ATTP.
Theo đó, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm quản lý, chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tại địa phương. Có lộ trình và giải pháp cần thiết để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý và bảo đảm chất lượng, vệ sinh ATTP như cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện vệ sinh ATTP; quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chợ đầu mối thực phẩm; kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hóa chất trong thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm; quản lý chặt chẽ thực phẩm có nguy cơ cao, đặc biệt các cơ sở bán hàng ăn, bếp ăn tập thể phục vụ công nhân xung quanh các khu, cụm công nghiệp.
Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về ATTP từ tuyến huyện tới cơ sở qua việc tổ chức đào tạo tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức thực hiện trong quản lý, cấp giấy chứng nhận, ký cam kết trách nhiệm đối với các cơ sở, kiểm tra, phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm, điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi cho các đối tượng sử dụng dịch vụ, cung cấp dịch vụ thức ăn sẵn và người tiêu dùng. Hướng dẫn, tập huấn yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, không bảo đảm ATTP để chế biến thực phẩm… Tổ chức tập huấn công đoàn doanh nghiệp có bếp ăn tập thể và người sản xuất chế biến thức ăn những kiến thức cơ bản về ATTP.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm quy định về ATTP. Tăng cường kiểm tra liên ngành bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, kem, bia, nước đá, cơ sở thức ăn đường phố. Phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; trong kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định của pháp luật; công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Tăng cường, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguyên liệu thực phẩm trong sản xuất chế biến kinh doanh đặc biệt là dịch vụ ăn uống tại các quán ăn, quầy thức ăn chín, nhà hàng KCN, các bếp ăn tập thể trường mầm non, tiểu học, các doanh nghiệp trong và ngoài KCN, dịch vụ chế biến suất ăn sẵn. Kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm thức ăn sẵn, cung cấp thực phẩm đầu vào đối với các doanh nghiêp tại các khu, cụm công nghiệp.
Kiểm tra kiến thức và thực hành ATTP của chủ và nhân viên các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm suất ăn sẵn trên địa bàn huyện. Người trực tiếp chế biến thực phẩm, phục vụ ăn uống phải được học kiến thức về ATTP và có giấy xác nhận kiến thức ATTP.
Củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh và sự cố về ATTP; tăng cường hoạt đông của Đội truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Đội điều tra, xử trí ngộ độc thực phẩm tại các cấp, các ngành; kịp thời khắc phục các dịch, bệnh và sự cố về ATTP. Kiên quyết không để các cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, các cơ sở vi phạm nhiều lần cung cấp suất ăn cho người lao động.
Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả của hệ thống giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cây trồng và dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm ở người từ huyện đến thôn, tổ dân phố. Triển khai giám sát chủ động mối nguy ô nhiễm đối với một số nhóm thực phẩm, sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao; giám sát quá trình chế biến thực phẩm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; đánh giá chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt đối với các cơ sở cung câp nước sạch sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phục vụ nhân dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa sự cố về ATTP. Bố trí đủ nguồn lực để sẵn sàng xử trí, can thiệp kịp thời khi có các dịch bệnh trên đàn vật nuôi hoặc xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh dịch ở người./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị