Bắc Giang: Đất hạ nhiệt, nhiều người gánh nợ
Bắc Giang: Đất hạ nhiệt, nhiều người gánh nợ
Theo dõi MTĐT trên
Trong giai đoạn “sốt đất”, nghề môi giới, đầu tư BĐS được coi là dễ hốt bạc nhất. Giờ thị trường này giảm nhiệt, thưa vắng khách, phần lớn môi giới mất thu nhập, thậm chí nhiều người có nguy cơ sạt nghiệp vì lỡ “ôm” đất lướt sóng nhưng chưa tìm được khách
2.360 lô đất ở tồn kho
Khoảng 5-6 tháng trở lại đây, lượng người giao dịch, tham gia các cuộc đấu giá đất giảm rõ rệt. Số lô đất không có người mua còn nhiều. Thông tin từ Sở Xây dựng, đến tháng 10/2022, toàn tỉnh có gần 10,6 nghìn lô đất đủ điều kiện chuyển nhượng thì hiện vẫn còn 2.360 lô chưa bán được.
Chị Nguyễn Thị Lê, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh DHL, trụ sở tại TP Bắc Giang, đơn vị được lựa chọn tổ chức nhiều cuộc đấu giá đất tại các huyện, thành phố của tỉnh thời gian qua thông tin: Từ quý II năm nay, thị trường đất nền bắt đầu hạ nhiệt và đến quý III thì càng ảm đạm hơn, lượng người giao dịch giảm nhiều so với trước.
Trước đây, mỗi phiên đấu giá do đơn vị tổ chức có vài trăm người tham gia. Đặc biệt, số tiền chênh qua đấu giá có phiên tăng gấp đôi so giá khởi điểm. Tuy nhiên, thời điểm này, số người dự các phiên đấu giá đất rất thưa vắng, mỗi cuộc chỉ trên dưới 100 người; số hồ sơ tham gia đấu giá giảm hẳn; số lô đất không được giao dịch còn nhiều, tiền chênh lệch qua đấu giá rất thấp.
Gần đây nhất, ngày 6/11, Công ty tổ chức đấu giá 83 lô đất ở tại khu đô thị số 1, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) thì chỉ 41 lô được bán, số tiền kênh lên sau đấu giá khoảng 4 tỷ đồng (khoảng 7%) so với giá khởi điểm. Thị trường giao dịch ảm đạm đang là tình trạng chung tại các cuộc đấu giá đất nền ở các huyện, thành phố của tỉnh.
Năm 2022, toàn tỉnh có 138 dự án khu đô thị và khu dân cư mới được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, trong đó có hơn 67 nghìn lô đất ở (tổng diện tích khoảng 680 ha). Hiện đã có gần 30 dự án hoàn thành và cơ bản hoàn thành…
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường BĐS (Sở Xây dựng) cho biết: “Thị trường BĐS hiện không còn sôi động như trước, lượng giao dịch giảm khoảng 30-50% so với cùng thời điểm năm 2021.
Tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá xảy ra nhiều (theo thống kê sơ bộ của cơ quan chuyên môn tại một số huyện như: Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Thế trong 9 tháng năm 2022 có khoảng 300 lô đất bị bỏ cọc, trong đó, nhiều nhất là Tân Yên hơn 130 lô – PV). Nguyên nhân thị trường đất nền giảm nhiệt là do việc siết tín dụng vay BĐS của các ngân hàng.
Cùng đó, giai đoạn vừa qua, UBND tỉnh cũng thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh, xử lý tình trạng kinh doanh BĐS trái quy định; lượng đất nền đưa ra thị trường nhiều và đa dạng”.
Năm 2022, toàn tỉnh có 138 dự án khu đô thị và khu dân cư mới được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, trong đó có hơn 67 nghìn lô đất ở (tổng diện tích khoảng 680 ha). Hiện đã có gần 30 dự án hoàn thành và cơ bản hoàn thành… Theo đó, tình trạng “sóng ảo”, “bong bóng” trên thị trường BĐS bị phá vỡ, đưa đất nền về gần giá trị thực.
Lỗ nặng vì “ôm” đất
Khi “sốt đất”, đi đến các khu đô thị, khu dân cư mới đâu cũng thấy đội ngũ môi giới đất hoạt động. Nhiều điểm, khu dân cư vừa hoàn thành đã thấy các lều bạt môi giới BĐS mọc lên với những bảng hiệu, thông tin liên hệ bán đất treo dán khắp nơi. Hoạt động giao dịch diễn ra sôi động không chỉ ở ngoài thực địa mà cả trên các trang mạng xã hội.
Không ít người, nhờ làm đất mà kiếm khoản tiền lớn trong chớp mắt. Vì thế nhiều người theo nhau đi làm môi giới, buôn bán bất động sản. Thậm chí, không ít người có nghề nghiệp, thu nhập ổn định nhưng vẫn bỏ việc đi làm đất hy vọng có thể thu lời nhanh chóng. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn nắm bắt được cơ hội làm giàu nhờ đất. Gần đây, thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh thanh khoản chậm, giao dịch chững lại, vắng khách thì phần lớn môi giới đất cũng thất nghiệp.
Dạo quanh một số khu dân cư mới tại địa bàn TP Bắc Giang, Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang… không còn thấy cảnh nhộn nhịp kẻ vào, người ra xem đất, ngã giá như trước. Những chiếc lều, bạt được dựng tạm trên các khu dân cư mới làm nơi giao dịch, mua bán đất hồi nào giờ đã được tháo dỡ, hoặc đóng cửa, thỉnh thoảng mới có một vài người môi giới ngồi tán gẫu đón khách vãng lai.
Anh Nguyễn Thành Hưng ở phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) có thâm niên hơn chục năm làm nghề môi giới BĐS thời điểm này cũng phải làm thêm nghề khác cho biết: “Trước đây, có ngày tôi kết nối thực hiện được mấy hợp đồng, giờ thì cả tháng mới có một vài khách”.
Theo anh Hưng, những ai đã làm nghề này lâu năm đều không lạ với tình trạng “bong bóng, sốt ảo” trên thị trường BĐS và đều thận trọng, không mạo hiểm đầu tư vượt quá khả năng tài chính của mình. Những người làm môi giới đơn thuần thì khi giá đất đi xuống, thị trường BĐS có đóng băng cũng không bị ảnh hưởng nhiều, có chăng chỉ giảm khoản tiền hoa hồng hằng tháng vì không có hợp đồng.
Bị ảnh hưởng nặng khi sốt đất chủ yếu là những người môi giới ít kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp, mạo hiểm vay thêm tiền ngân hàng “ôm” đất đúng thời điểm giá cao để lướt sóng, hoặc ôm đất dự án để bán lại nhưng chưa tìm được khách mua thì đất bất ngờ rớt giá; vốn vay ngân hàng đến hạn phải trả gốc, lãi tín dụng tăng cao, nguy cơ lỗ nặng.
Trường hợp anh Trần Văn M. ở phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang là một ví dụ. Anh M vốn là chủ một hiệu làm tóc, có thu nhập ổn định từ nghề. Khoảng năm 2019, qua một người bạn làm môi giới BĐS giới thiệu, anh đầu tư mua một lô đất ở Khu đô thị phía Nam (TP Bắc Giang).
Sau thời gian ngắn, người bạn bán giúp được lãi vài trăm triệu đồng. Thấy bạn kiếm tiền dễ dàng, có tháng làm được cả chục hợp đồng, anh M quyết định bỏ nghề tóc theo bạn làm môi giới đất. Năm 2021, thời điểm đất sốt, nghề môi giới giúp anh kiếm được khoản tiền kha khá nên anh càng ham, tính chuyện làm lớn hơn.
Không chỉ làm môi giới hưởng hoa hồng, anh M còn rủ người thân, bạn bè góp vốn, thậm chí mạo hiểm vay ngân hàng khoản không nhỏ để “ôm” đất hy vọng bán lại kiếm lời. Sang năm 2022, giao dịch đất nền chững lại, giảm giá mạnh, anh M còn vài lô chưa tìm được khách bị rớt giá.
Theo đó, có lô xuống vài trăm, thậm chí gần tỷ đồng so với giá mua. Giờ anh M chỉ lo trả lãi ngân hàng hằng tháng cho khoản tiền vay đã chật vật.
Trường hợp như anh M không phải hiếm. Trên địa bàn tỉnh thời gian qua có không ít môi giới BĐS mạo hiểm “ôm” đất không đúng thời điểm đã bị sạt nghiệp, lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí có người còn vướng vòng lao lý. Đất đai là tài sản đặc biệt, có giá trị lớn.
Vì thế, khi quyết định đầu tư, giao dịch, mỗi người cần suy nghĩ, tìm hiểu kỹ về thị trường, phân khúc BĐS mà mình nhắm đến cũng như khả năng kinh tế của bản thân, đừng vì thấy người khác kiếm tiền dễ dàng mà lao theo để rồi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, sau một đêm bỗng trở thành con nợ.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị