Bắc Giang: Cải thiện, nâng hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh giai đoạn 2023-2025

Bắc Giang: Cải thiện, nâng hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh giai đoạn 2023-2025

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023-2025.

tm-img-alt
Phấn đấu 100% khu công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường

Kế hoạch đặt mục tiêu duy trì và nâng cao Chỉ số PGI của tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023-2025 nằm trong top 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chỉ số PGI dẫn đầu cả nước; phấn đấu cải thiện số điểm của các chỉ số thành phần như: Chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) (cho doanh nghiệp), phấn đấu từ điểm số từ 3,45 (thứ hạng 32) lên 3,95 điểm trở lên (điểm hạng thứ 15).

Chỉ số đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu, tiếp tục duy trì đạt từ 6,01 điểm trở lên (tỉnh Bắc Giang đang hạng thứ 4). Chỉ số vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh, phấn đấu điểm số từ 4,47 (thứ hạng 16) lên 4,68 điểm trở lên (điểm hạng thứ 10). Chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bảo vệ môi trường tiếp tục duy trì đạt từ 2,49 điểm trở lên (tỉnh Bắc Giang đang hạng thứ 2).

Để đạt mục tiêu đề ra, Kế hoạch đề ra giải pháp cải thiện, nâng hạng các chỉ số thành phần của chỉ số PGI. Theo đó, nâng hạng chỉ số thành phần 1, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH); chỉ số thành phần 2, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; chỉ số thành phần 3, thúc đẩy thực hành xanh; chỉ số thành phần 4, chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bảo vệ môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đối thoại với các DN, các huyện, thành phố về lĩnh vực môi trường ít nhất 01-02 lần/năm trong năm. Giải quyết theo thẩm quyền hoặc kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực bảo vệ môi trường cho các DN trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh hỗ trợ cung cấp thông tin cho các DN trong khu công nghiệp; chủ động nắm bắt và đề xuất các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN trong công tác bảo vệ môi trường. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung trên địa bàn tỉnh đảm bảo 100% các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang hoạt động có đầy đủ hạ tầng bảo vệ môi trường. Tổ chức kiểm tra các cơ sở trong khu công nghiệp về bảo vệ môi trường theo quy định.

Sở Công Thương hỗ trợ cung cấp thông tin cho các DN trong cụm công nghiệp; chủ động nắm bắt và đề xuất các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN trong bảo vệ môi trường. Chủ trì thanh tra, kiểm tra, đánh giá thực hiện quy hoạch, chính sách, pháp luật, hiệu quả hoạt động của cụm công nghiệp theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo 100% các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang hoạt động có đầy đủ hạ tầng bảo vệ môi trường theo lộ trình.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư theo các quy định của pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Phối hợp với các sở, cơ quan và các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng hấp dẫn.

Công an tỉnh triển khai các biện pháp công tác để phòng ngừa, phát hiện đấu tranh ngăn chặn đối với các loại tội phạm có hành vi vi phạm về môi trường; phối hợp với các Sở, ngành nắm tình hình phát hiện các chủ đầu tư trong nước, nước ngoài nhập khẩu đưa dây chuyền máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích