Bá Thước (Thanh Hóa): Hàng trăm hộ dân vi phạm sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép
(Xây dựng) – Theo báo cáo của UBND xã Thành Lâm (Bá Thước, Thanh Hóa), trên địa bàn xã đang có tới 124 trường hợp vi phạm về sử dụng đất và trật tự xây dựng. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, trong đó có sự buông lỏng quản lý kéo dài của chính quyền các cấp…
Một bãi đỗ xe phục vụ du khách được hình thành từ việc “san lấp, thay đổi mặt bằng trồng lúa” tại thôn Đôn. |
Vi phạm kéo dài, tồn đọng qua nhiều năm
Theo danh sách 116 hộ đã được UBND xã thống kê, tình hình vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm về xây dựng tại Thành Lâm chủ yếu vào mục đích xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa nước, lúa nương và đất trồng cây hàng năm khác diễn ra ở khắp các thôn trong xã như: Thôn Cốc, thôn Đanh, thôn Bầm, thôn Tân Thành, thôn Leo và thôn Đôn. Sai phạm diễn ra chủ yếu từ năm 2010 đến 2015. Một số trường hợp mới xảy ra vào năm 2020, 2021 khi mà dịch vụ du lịch tại đây đang “nở rộ”.
Đáng chú ý, trong các vụ vi phạm, có một số trường hợp tại thôn Đôn (còn được gọi là bản Đôn, một trong các thôn trọng điểm về du lịch của xã), tình trạng vi phạm được nêu tại mục “hiện trạng xây dựng” trong báo cáo của UBND xã là “san lấp mặt bằng trồng lúa” và “thay đổi mặt bằng trồng lúa”, chủ yếu xảy ra vào cuối năm 2021. Mặc dù báo cáo không nêu rõ, nhưng theo người dân sở tại, những trường hợp này đã được gia chủ dùng làm bãi đỗ xe để phục vụ khách du lịch.
Trong số đó, điển hình như hộ ông Hà Thanh Lịch (thôn Đôn), vi phạm thời điểm năm 2019-2020 trên 11 thửa đất chủ yếu là đất trồng lúa nước, lúa nương rẫy với tổng diện tích lên tới 1.658,3m2. Ngoài diện tích “thay đổi mặt bằng đất trồng lúa” và “san lấp mặt bằng đất trồng lúa”, số còn lại 1391,2m2, có 548,6m2 đã được xây dựng nhà tạm, còn lại được “làm bể bơi”, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của khách du lịch.
Cũng tương tự như hộ ông Lịch, tại thôn Đôn còn có một số trường hợp như hộ bà Cao Thị Mai, hộ ông Hà Văn Đắc đã “thay đổi và san lấp mặt bằng trồng lúa nước” trên nhiều thửa đất trồng lúa, diện tích mỗi hộ gần 1.000m2, theo dư luận thì cũng không ngoài mục đích làm dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Ai cũng biết nhưng chính quyền không biết?
Như đã nêu ở phần đầu bài viết, vi phạm về đất đai và xây dựng tại Thành Lâm xảy ra nhiều vào thời gian từ năm 2010 đến tháng 8/2021 kéo dài tới 11 năm. Trong đó, nhiều hộ xây dựng nhà ở với diện tích tới vài trăm m2. Trong khi đó, với đặc thù miền núi, giao thông khó khăn, việc dựng nhà (chủ yếu là nhà sàn gỗ) phải mất nhiều thời gian, huy động nhiều thợ, trước đó còn phải qua hàng năm chuẩn bị vật liệu (gỗ làm nhà sàn). Hơn nữa, ở khu vực này, tính cộng đồng rất cao, nhà ai có việc là cả thôn, bản kéo tới làm giúp, nhất là làm nhà mới nhưng “lạ” là chính quyền xã lại không hề biết nên không có biện pháp kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời?
Về tình trạng này, có thể kể đến một số trường hợp điển hình như: Hộ ông Hà Văn Bảo, thôn Đanh, trong năm 2010 đã xây dựng nhà ở trên 14 thửa gồm: Đất lúa nước, lúa nương rẫy, đất trồng cỏ, tổng diện tích lên tới 524,3m2. Hộ ông Hà Văn Toản (cùng thôn) vi phạm xây dựng nhà ở vào năm 2011 trên đất sản xuất nông nghiệp, đất chưa sử dụng với diện tích gần 600m2. Cũng tương tự như 2 trường hợp trên (nhưng diện tích nhỏ hơn), còn có hộ ông Hà Văn thiệp, Hà Văn Vĩnh, Hà Văn Chủ… cùng ở thôn Đanh và đều vi phạm xây nhà ở trên đất nông nghiệp, đất trồng cây hàng năm với diện tích hàng trăm m2.
Cá biệt, trường hợp hộ ông Hà Văn Tiến (thôn Đôn) đã tự ý “biến” gần 300m2 đất nương rẫy và trồng cây hàng năm thành bãi đỗ xe để kinh doanh du lịch (vi phạm năm 2021). Cũng tại thôn này còn có trường hợp như hộ ông Hà Văn Tài, xây dựng “nhà ở” (theo danh sách của UBND xã báo cáo huyện – PV) với diện tích lên tới 1.764,8m2 trên đất nương rẫy. Với ngôi nhà “thênh thang” như thế, tất nhiên không chỉ được gia chủ dùng để ở, mà còn được làm dịch vụ lưu trú phục vụ du khách?
Ngoài những trường hợp trên, hầu hết các hộ vi phạm trên địa bàn Thành Lâm đều tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông, lâm nghiệp sang làm đất ở, một số đưa vào kinh doanh dịch vụ du lịch. Những vi phạm này không những phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của địa phương, để lại hậu quả khó có thể xử lý, giải quyết trong vài tháng, vài năm mà còn có thể gây thất thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước từ việc kinh doanh du lịch “chui”.
Những tín hiệu bước đầu trong “chiến dịch” xử lý, giải quyết sai phạm tại Thành Lâm
Trước tình hình trên, vào quý I/2022, sau khi kiểm tra, nắm bắt tình hình, UBND huyện Bá Thước đã ban hành các công văn chỉ đạo, yêu cầu UBND xã Thành Lâm tổ chức kiểm tra, rà soát, xây dựng phương án và tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm. Theo đó, hộ ông Nguyễn Trọng Lâm được “chọn” xử lý trước để “làm gương” cho các trường hợp khác.
Qua nhiều cuộc làm việc và hàng loạt công văn (công văn chỉ đạo của huyện; văn bản báo cáo, xin ý kiến của xã), căn cứ kết quả kiểm tra, mức độ vi phạm, UBND xã Thành Lâm đã xin ý kiến UBND huyện về việc xử lý vi phạm đối với hộ ông Nguyễn Trọng Lâm, ngụ tại thôn Leo (theo danh sách báo cáo của xã, vào tháng 4/2021, hộ ông Lâm đã tiến hành xây dựng 1.404,4m2 nhà ở trên đất lúa nương rẫy) bất chấp UBND xã đã tổ chức kiểm tra, yêu cầu dừng thi công, nhưng chủ hộ không chấp hành.
Ngày 10/5/2022, UBND huyện Bá Thước đã có buổi làm việc với xã Thành Lâm về việc xử lý trường hợp vi phạm tại cơ sở lưu trú (phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ cho khách du lịch – PV) của ông Nguyễn Trọng Lâm. Tại biên bản làm việc lập cùng ngày, ông Trịnh Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Thành Lâm nêu ý kiến: Về trường hợp này, xã đã chỉ đạo giải quyết, xử lý khi phát hiện vi phạm. Đồng thời, báo cáo bằng văn bản lên huyện, nhưng do phát hiện, xử lý còn chậm, chưa quyết liệt, kịp thời dẫn đến vi phạm kéo dài, vượt thẩm quyền cấp xã.
Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lâm cho biết, từ đầu năm 2021, Đảng ủy đã giao UBND rà soát, báo cáo các trường hợp vi phạm trên địa bàn, nhưng báo cáo chưa đầy đủ, chưa thống nhất về số liệu. Về trường hợp của hộ ông Lâm, UBND xã chưa đề xuất phương án và giải pháp xử lý. Mặt khác, do công tác luân chuyển cán bộ nên việc tiếp nhận, bàn giao, xử lý trường hợp này chưa được xuyên suốt. Đề nghị huyện chỉ đạo giải quyết, xử lý nghiêm và dứt điểm vi phạm sử dụng đất tại cơ sở lưu trú của ông Lâm để làm gương cho những trường hợp khác.
Kết luận buổi làm việc, đại diện UBND huyện đánh giá việc để xảy vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại địa bàn có nguyên nhân do chính quyền cấp xã chưa sâu sát, không kiểm tra thường xuyên để phát hiện, ngăn chặn và xử lý… trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND xã phải rà soát, xây dựng phương án cụ thể từng trường hợp vi phạm, đề xuất phương án xử lý phù hợp, hạn chế việc gây xáo trộn, mất ổn định an ninh, trật tự địa phương.
Về trường hợp hộ ông Lâm, UBND xã căn cứ kết quả đo đạc, ghi nhận hiện trạng sử dụng và xây dựng đất và xây dựng công trình trên đất đã được xác lập, cùng các tài liệu liên quan khác, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tổ chức xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, UBND xã lập hồ sơ trình UBND huyện xem xét, quyết định.
Tiếp đó, sau cuộc làm việc này, ngày 21/5/2022, UBND huyện Bá Thước đã có công văn “đốc thúc” UBND xã Thành Lâm: Khẩn trương đình chỉ hoạt động xây dựng trái phép tại cơ sở lưu trú của ông Nguyễn Trọng Lâm. Đồng thời, lập hồ sơ và xử lý theo thẩm quyền các sai phạm tại đây. Nếu vượt thẩm quyền báo cáo huyện xem xét, quyết định.
Tiếp tục quá trình xử lý, qua trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm Trịnh Văn Dũng cho biết: Do mức độ, xử phạt vi phạm hành chính quá thẩm quyền cấp xã, vào cuối tháng 6/2022, Chủ tịch UBND huyện đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Trọng Lâm, số tiền 25 triệu đồng về các hành vi vi phạm như đã nêu. Hiện, việc thi công đã buộc phải tạm dừng, chờ các bước xử lý tiếp theo theo chỉ đạo của UBND huyện.
Công trình xây dựng vi phạm đất lâm nghiệp và hiện trạng sau khi được phá dỡ của hộ ông Hà Văn Đong. |
Cũng về việc xử lý sai phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu năm 2022, sau khi phát hiện hộ ông Hà Văn Đong (thôn Leo) có hành vi xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp, UBND xã đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu gia đình dừng thi công, tiến hành tự tháo dỡ, nếu không sẽ phải chịu xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế tháo dỡ. Quá trình giải quyết, ban đầu ông Đong không tự giác chấp hành, vẫn lén lút thi công vào ban đêm, nhưng do sự vận động và thái độ kiên quyết của xã, ông Đong đã buộc phải tự tháo dỡ công trình vi phạm sắp hoàn thành.
Cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý ngăn chặn các trường hợp vi pham về đất đai, xây dựng mới phát sinh, UBND xã Thành Lâm đang tiếp tục rà soát, lập danh sách cụ thể từng trường hợp vi phạm, báo cáo UBND huyện để có hướng xử lý. Tuy nhiên, để tháo gỡ, giải quyết triệt để tình trạng vi phạm tràn lan, kéo dài tại đây là cả một quá trình khó khăn, phức tạp. Trong đó có nhiều vấn đề vượt quá thẩm quyền cấp huyện, cần phải có sự vào cuộc của các Sở, ngành cấp tỉnh, sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Các giải pháp được thực thi cần phải đảm bảo cả “lý và tình”, phù hợp với đặc thù dân tộc, miền núi, tránh gây phức tạp, xáo trộn tình hình an ninh, trật tự và ảnh hưởng môi trường du lịch của địa phương.
Nguồn: Báo xây dựng