Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính của ngành Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2021-2025.
Đô thị thông minh hay thành phố thông minh được biết đến như là một hệ thống hữu cơ tổng thể được kết nối từ nhiều hệ thống thành phần với hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể hành xử thông minh như con người. Nó bao gồm mạng viễn thông số (dây thần kinh), hệ thống nhúng thông minh (não bộ), các cảm biến (giác quan) và phần mềm (tinh thần và nhận thức)… Những yếu tố đó kết hợp với nhau và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Xây dựng đô thị thông minh ngày càng trở nên cấp thiết
Kế hoạch tập trung vào các nhiệm vụ như xây dựng Kiến trúc công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) phát triển Đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; chuẩn hóa cấu trúc dữ liệu trên nền tảng ICT, số hóa dữ liệu, tiến tới hình thành Kho dữ liệu số của tỉnh.
Song song với đó, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật ICT sẵn sàng, đủ điều kiện tối thiểu cho phát triển các dịch vụ đô thị thông minh; cũng như xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành Đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Về nội dung xây dựng phát triển đô thị thông minh, Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu triển khai thực hiện các dự án thành phần theo Kế hoạch triển khai Đề án phát triển Đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2020-2022, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Nghị quyết số 112 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Về công nghệ, cần nâng cao khả năng tương tác và kết nối của hạ tầng mạng, qua đó nâng cao kết nối giữa các ban, ngành của chính quyền; giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh không chỉ là ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất mà là sử dụng công nghệ một cách thông minh nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Hơn nữa, việc phát triển đô thị thông minh không thể bỏ qua hay xem nhẹ yếu tố văn hóa của người dân. Văn hóa chính là linh hồn của một đô thị, giữ cho thành phố “không còn là cái xác của những công nghệ hiện đại”. Và đặc biệt chú trọng đến nhân tố con người. Việc trang bị cho nguồn nhân lực những kỹ năng cần thiết là rất quan trọng, không chỉ là những kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, mà còn phải là kỹ năng nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo không ngừng.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành xây dựng đô thị thông minh của tỉnh, thông minh hóa các ứng dụng trong quản lý điều hành và các ứng dụng thông minh phục vụ cho doanh nghiệp, người dân và du khách. Chuyển quản lý đô thị từ truyền thống sang quản lý trên dữ liệu số.
Đến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp cận được với các đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới dựa trên 6 lĩnh vực chủ yếu: Nền kinh tế thông minh; Quản trị thông minh; Môi trường thông minh; Giao thông thông minh; Cư dân thông minh; Cuộc sống văn minh và một số lĩnh vực khác.
Hoài Thương (t/h)