Bà Rịa – Vũng Tàu: Tổng thu ngân sách hơn 95.000 tỷ đồng
(Xây dựng) – Dù nền kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cơ bản ổn định theo hướng tích cực. Ước thực hiện cả năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn hơn 95.000 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Đặng Minh Thông báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh. |
Trình bày báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Thông cho biết, tình hình kinh tế-xã hội địa phương có nhiều khởi sắc và đạt được một số kết quả tích cực.
Theo đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, quản lý, điều hành thu, chi ngân sách địa phương bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, y tế, giáo dục, quản lý Nhà nước, bảo đảm quốc phòng-an ninh, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; Ước thực hiện cả năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn hơn 95.000 tỷ đồng (đạt 107,31% dự toán, bằng 84,82% so với năm 2022). Tổng chi ngân sách trên địa bàn ước thực hiện cả năm 2023, gần 29.000 tỷ đồng (đạt 93,5% dự toán và bằng 128,45% so với năm 2022).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tốc độ tăng trưởng của hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chuyển biến theo xu hướng tăng cao dần so với tháng trước. Có 9/15 chỉ tiêu kinh tế, tài chính có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng của kế hoạch cả năm. Chỉ tiêu GRDP trừ dầu thô và khí đốt vẫn tiếp tục tăng trưởng với mức tăng 5,75% so với năm 2022. GRDP bình quân đầu người năm 2023 là 8.078 USD/người/năm.
Cầu Phước An nối tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tỉnh Đồng Nai đang thi công. |
Dự kiến tổng giải ngân đến hết niên độ năm 2023 toàn tỉnh cũng đạt tỷ lệ cao với gần 96%, cao hơn tỷ lệ giải ngân năm 2022 (trên 82%). Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng quan trọng. Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các dự án đều có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giao thông liên vùng, nội vùng, tạo ra động lực mới, không gian kinh tế mới, góp phần kiến tạo phát triển và tăng cường liên kết vùng; phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương và vùng Đông Nam bộ.
Nguồn: Báo xây dựng